Ba Lan khó từ chối khi Mỹ 'đề nghị' mua M1 Abrams

Cơ quan Thanh tra Vũ khí Ba Lan cho biết, Mỹ đã chính thức đề nghị nước này mua xe tăng M1 Abrams theo thủ tục Bán hàng quân sự nước ngoài.

Trong chương trình Wilk diễn ra từ vài năm nay liên quan đến việc thay thế xe tăng T-72M1 và PT-91, đã có nhiều ứng cử viên được liệt kê bao gồm Leopard 2 của Đức, K2PL của Hàn Quốc. Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng triển vọng cho các ứng viên trên đã kết thúc với một điều hiển nhiên - lời "đề nghị không thể từ chối" từ phía Washington với chiếc M1 Abrams.

Trong khi không có thông tin cụ thể về phiên bản nào sẽ được đề xuất theo thủ tục Bán hàng quân sự nước ngoài - FMS, một số dấu hiệu cho thấy xe tăng M1A2 hiện không còn được sản xuất cho Quân đội Mỹ. Do đó rất có thể chúng sẽ là "Xe tăng từ sa mạc" - đồ cũ, mà Ba Lan phải trả giá đắt để có được thiết bị như vậy.

Vấn đề là việc mua sắm cũng sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư bổ sung - ví dụ, mua phương tiện hỗ trợ kỹ thuật mới, cũng như xây dựng các cây cầu và hệ thống chuyển tiếp được thiết kế với trọng lượng cao hơn.

Trước đó, chính quân đội Mỹ, được triển khai tới Ba Lan và các nước Baltic đã phàn nàn rằng có rất ít cây cầu trong khu vực này có thể chịu được sự qua lại của đoàn xe tăng M1 Abrams ở các phiên bản hiện đại hóa vốn có trọng lượng tăng vọt.

Mô hình xe tăng chiến đấu chủ lực K2PL được Hàn Quốc thiết kế riêng cho Ba Lan

Mô hình xe tăng chiến đấu chủ lực K2PL được Hàn Quốc thiết kế riêng cho Ba Lan

Đáng nói hơn, cách đây ít lâu Công ty Hàn Quốc Hyundai Rotem đã đề nghị hợp tác với chính phủ Ba Lan để cùng sản xuất hơn 800 xe tăng chiến đấu chủ lực K2PL nhằm thay thế T-72 và PT-91, phương tiện chiến đấu này được quảng cáo có thể đánh bại cả T-14 Armata của Nga và dĩ nhiên vượt trội M1 Abrams.

Theo chuyên gia quân sự người Ba Lan - ông Damian Ratka, phiên bản mới của xe tăng K2 có tháp pháo mở rộng với lớp giáp phía trước và bên hông được cải tiến, thân xe cũng được kéo dài đáng kể.

Ông Ratka nói thêm rằng vị trí lái của K2PL nằm ở chính giữa chứ không lệch sang bên như K2 Black Panther nguyên bản, cung cấp tầm nhìn tốt hơn và dễ dàng ra vào cho người lái, cũng có nghĩa là lưu trữ đạn an toàn hơn.

Để bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa từ tên lửa, mặt sau của thân xe tăng được lắp giáp lồng. Hệ thống phòng vệ chủ động (APS) cũng được áp dụng để chống lại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Hyundai Rotem đang nhắm đến gói thầu hiện đại hóa lực lượng xe tăng của Quân đội Ba Lan trị giá 8,85 tỷ USD, với số lượng tổng cộng 800 chiếc. Lãnh đạo công ty đã gặp gỡ các quan chức Ba Lan nhiều lần để giải thích chi tiết về trình độ và chức năng của K2 Black Panther.

Các báo cáo trước đó còn cho biết chính phủ Ba Lan đã hợp tác với Hyundai Rotem để sản xuất xe tăng thế hệ tiếp theo, dự kiến bắt đầu từ năm 2023. Ba Lan cũng đã ký một thỏa thuận với Hanwha Defense vào năm 2016 để chế tạo 120 pháo tự hành K9 Thunder.

Nếu Ba Lan phải mua M1 Abrams theo "đề nghị" của Mỹ, điều này chắc chắn sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của ngành công nghiệp quốc phòng Warsaw. Nhưng đối với các nhà chức trách Ba Lan hiện đại, điều quan trọng nhất là Washington cảm thấy hạnh phúc.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/ba-lan-kho-tu-choi-khi-my-de-nghi-mua-m1-abrams-3428335/