Ba lần một nỗi đau cùng tên

SGTT - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hơn 30 năm nay ông Lại Văn Biên ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình vẫn phải sống trong nỗi đau hậu chiến: cả ba người con của ông đều chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam, trở thành gánh nặng cho đôi vợ chồng già lúc xế bóng...

Vòng qua mấy con ngõ làng sâu hoắm, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lại Văn Biên trong một buổi chiều muộn. Hỏi mấy người đi đường thì có một bà cụ chỉ lối: “Ông Biên có mấy người con da cam à? Nghe nói ông ấy đang chuẩn bị vào Nam tìm con”. “Người đàn ông da cam” đã bước sang tuổi 60 này có ba con trai, con cả tên Lại Văn Chuyên sinh năm 1980, bị thiểu năng trí tuệ, năm 19 tuổi bỏ vào Nam đến nay không rõ tung tích. Ông Biên ngậm ngùi: “Chờ xong vụ gặt này, tôi sẽ bán thóc bán lúa, vào Nam chuyến nữa tìm và cố đưa cháu về. Cháu bệnh tật đã vậy lại xa bố mẹ không biết sống chết thế nào”. Hai cháu còn lại là Lại Văn Đô (28 tuổi), Lại Văn Mạnh (26 tuổi) đang nằm co quắp trên chiếc giường nhỏ kê sát vách buồng, lúc nào cũng ngây dại khóc cười, thân thể bị biến dạng, méo mó bởi di chứng chiến tranh. Ông Biên kể: “Hai cháu Đô và Mạnh đang trong tuổi lao động nhưng đau ốm quặt quẹo luôn, thân hình dị dạng, tay chân co quắp, chúng đau đớn rên xiết xuốt ngày... Lắm lúc nghe con khóc than mà lòng tôi như dao cắt”. Cả hai không đi lại được nên hai ông bà phải thay phiên nhau chăm sóc cho con. Trong căn buồng tối tăm, trên chiếc giường nhỏ kê sát vách tường, Đô và Mạnh đang nằm bẹp trên giường, thoi thóp thở một cách nặng nhọc. Các đốt sống lưng đang dần cong lại, nhô lên gây đau nhức nên họ tối ngày rên xiết. Bà Vũ Thị Thắm – người mẹ bất hạnh đang túc trực bên con, mắt phiền muộn. Bà không dám ngủ vì lo sợ trong một phút lơ đãng các cháu co giật thì khổ. “Mấy hôm trước, Đô lên cơn co giật, miệng sùi bọt mép rồi rên rỉ kêu đau. Tôi chỉ biết khóc rồi bóp chân tay cho cháu. Hôm nay chúng khá hơn nhưng không biết tình trạng sau này thế nào”, bà Thắm nghẹn ngào. Cả nhà họ chỉ trông chờ vào bảy sào ruộng và đồng lương trợ cấp ít ỏi. Bây giờ khi thấy các con dị dạng, nằm co quắp trên giường rên xiết, ông mới thấu đó là tác hại của chất diệt cỏ có tên gọi chất độc da cam... Bây giờ khi thấy các con dị dạng, nằm co quắp trên giường rên xiết, ông mới thấu đó là tác hại của chất diệt cỏ có tên gọi chất độc da cam... Tháng 8.1972, người thanh niên Lại Văn Biên lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường B2, thuộc tiểu đoàn trinh sát quân đoàn bộ, hoạt động chủ yếu tại chiến trường Tây Ninh. Ông nhớ nhất là lần trinh sát núi Bà Đen: “Thấy cây cối rụng sạch lá, những cây to mấy người ôm cũng trở nên trơ trọi, tạo thành một vành đai trắng”. Bây giờ khi thấy các con dị dạng, nằm co quắp trên giường rên xiết, ông mới thấu đó là tác hại của chất diệt cỏ có tên gọi chất độc da cam... Năm 1978 phục viên về làng, ông Biên xây dựng gia đình với cô thôn nữ Vũ Thị Thắm rồi lần lượt sinh ra các con Chuyên (1980), Đô (1982), Mạnh (1984). Ông Biên kể lại: “Hồi mới sinh, sáu tháng đầu không hề phát hiện dấu hiệu gì của bệnh tật, các cháu vẫn bình thường chỉ có điều chậm chạp hơn, bốn năm mà chưa biết đi”. Khi cháu Đô tròn sáu tháng, ông phát hiện mắt cháu đảo liên hồi, người cứ gầy còm xanh bủng. Đưa cháu đi bệnh viện khám thì bác sĩ kết luận: “Cháu bị ảnh hưởng của di chứng da cam”. Càng kinh hoàng hơn khi bác sĩ nói: “Nếu năm năm sau mà không đi được thì tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều”. Đến hôm nay, kết luận của bác sĩ đã thành sự thực. Trong căn buồng tối, tiếng quạt con cóc chạy ắcquy vo ve thổi để đuổi muỗi cho con. Mấy hôm nay mất điện nên càng vất vả. Ông Biên ngậm ngùi bộc bạch: “Cứ mỗi buổi cho các cháu ăn, nhìn các cháu cố lắm mới nuốt nổi một thìa cháo vì lưỡi dần cứng lại, tôi thương vô cùng”. Còn người mẹ thì than vãn: “Thấy các con đau ốm, rên xiết, tôi nuốt cơm làm sao được”. Đáng lẽ với tuổi tác của mình, vợ chồng họ giờ này phải được thanh thản bế bồng cháu chắt, đằng này... Ông Biên đau đớn nói: “Lắm lúc ra đường thấy các cô cậu học trò cắp sách đến lớp trong khi con mình thì... tôi tủi vô cùng”. Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng họ là với tuổi già cận kề, mai này ai chăm sóc cho các con mình. Hiện giờ, công việc hàng ngày của hai vợ chồng ông cũng vì con mà thay đổi, bởi luôn phải có người ở nhà trông con. Chia tay gia đình ông Biên, tôi chạnh lòng nghĩ không biết họ còn đủ nghị lực đến bao lâu để trụ vững trước cơn bão đời. Và cũng mong sao sẽ có một ngày họ đoàn tụ với đứa con bệnh tật đang tha phương đâu đó...

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/loi-song/122974/ba-lan-mot-noi-dau-cung-ten.html