Ba Lan mua hàng trăm xe tăng, thiết bị quân sự của Hàn Quốc

Bộ quốc phòng Ba Lan cho biết nước này đang mua gần 1000 xe tăng, hơn 600 khẩu pháo và hàng chục chiến đấu cơ từ Hàn Quốc.

Theo hãng CNN, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã công bố thỏa thuận này vào ngày 27/7, cho biết Warsaw sẽ mua 980 xe tăng K2 của Hàn Quốc, 648 xe bọc thép tự hành K9 và 48 chiến đấu cơ FA-50.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Thêm vào đó, 180 xe tăng K2 đầu tiên do Hyundai Rotem chế tạo có trang bị pháo 120mm nạp đạn tự động dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm nay và việc sản xuất 800 xe tăng được nâng cấp sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, 48 pháo K9 đầu tiên do Hanwha Defense sản xuất dự kiến cũng sẽ xuất xưởng trong năm nay và lô thứ hai bao gồm 600 chiếc sẽ xuất xưởng từ năm 2024. Đến năm 2025, những vũ khí này tiếp tục được sản xuất tại Ba Lan.

Các thông báo về thỏa thuận vũ khí mới giữa Ba Lan và Hàn Quốc diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết sẽ tăng cường an ninh và sức mạnh quân sự cho Ba Lan".

Ông Chun In-Bum, một vị tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu nói rằng thỏa thuận với Ba Lan lần này là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Seoul. Ông cũng đánh giá cao những loại vũ khi trong thỏa thuận này.

"Pháo K9 có lẽ là hệ thống pháo tốt nhất trên thế giới, chỉ có hệ thống của Đức mới có thể so sánh ngang được. Máy bay chiến đấu FA-50 là phiên bản của T-50 và nổi tiếng là thiết bị huấn luyện tốt nhất.

Cấu hình cao hơn của vũ khí Hàn Quốc

Ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha của Hàn Quốc cho biết chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng lên tiếng muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc. Cho đến người kế nhiệm, Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện đang thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc. Và thỏa thuận vũ khí này cũng sẽ có lợi cho Ba Lan, một thành viên của NATO nhằm chia sẻ gánh nặng bảo vệ trật tự quốc tế.

Kể từ khi gia nhập NATO vào năm 1999, Ba Lan đã trở thành thành viên chủ chốt của liên minh 30 thành viên và đã mua các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Trong suốt chuyến thăm Seoul vào tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Błaszczak cho biết căng thẳng leo thang ở Ukraine cho thấy nhu cầu cấp thiết của Ba Lan về việc mua vũ khí của Hàn Quốc.

"Chúng tôi từng nói về việc đẩy nhanh chương trình chuyển giao vũ khí cho quân đội Ba Lan. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì tình hình căng thẳng ở biên giới phía đông của đất nước chúng tôi. Điều quan trọng là lực lượng vũ trang Ba Lan phải được trang bị hiện đại, thiết bị phải tốt", ông Błaszczak nói.

Theo ông Błaszczak, Hàn Quốc và Ba Lan phải đối mặt với các tình huống an ninh tương tự và vì vậy, cần phải có sự tương đồng về vũ khí.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là trang bị đầy đủ những thiết bị răn đe đối phó với các thách thức. Vì vậy, việc trang bị vũ khí sản xuất từ Hàn Quốc được xem là đáng tin cậy", ông Błaszczak nhấn mạnh.

Một số nhà phân tích công nghiệp quốc phòng đặt câu hỏi liệu vũ khí của Hàn Quốc có tương thích với hệ thống quân sự của châu Âu hay không. Ông Nicholas Drummond, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng về tác chiến trên bộ và là một cựu sĩ quan quân đội Anh cho biết xe tăng K2 là một phiên bản kém hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức.

"Cùng một khẩu súng. Động cơ và hộp số giống nhau nhưng nhìn chung kém tinh vi hơn về kiến trúc điện tử. Không phải là một chiếc xe tăng tồi song có vẻ nó không phải là đẳng cấp ở lĩnh vực này", ông Drummond nhấn mạnh.

Ông Drummond cũng cho rằng phần cứng của thiết bị sản xuất tại châu Á có thể gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng .

"Đúng là các nước châu Á mua hàng từ Hàn Quốc vì họ có thể dễ dàng nhận được hỗ trợ hơn. Nhưng việc hỗ trợ khách hàng châu Âu trong trường hợp khẩn cấp sẽ khó khăn hơn", ông nói.

Trong khi đó, chiến đấu cơ FA-50 là loại máy bay tác chiến hạng nhẹ siêu thanh, phù hợp cho tấn công mặt đất và một số nhiệm vụ không đối không. Không quân Hàn Quốc đã đưa vào sử dụng loại máy bay này từ năm 2013 có trang bị tên lửa không đối không Sidewinder, tên lửa không đối đất Maverick và khẩu pháo 30mm ba nòng để di chuyển đường trường. FA-50 cũng sẽ sử dụng bom trọng lực và dẫn đường chính xác.

Khách hàng ở các nước Colombia, Indonesia, Iraq, Philippines và Thái Lan cũng đã mua loại tiêm kích FA-50 của Hàn Quốc. Tuy nhiên, với đơn đặt hàng 48 máy bay hiện tại, Ba Lan sẽ trở thành khách hàng mua máy bay phản lực lớn nhất của Hàn Quốc./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ba-lan-mua-hang-tram-xe-tang-thiet-bi-quan-su-cua-han-quoc-20220728113112505.htm