Ba Lan 'săn' tàu giúp Nord Stream-2, Đại sứ Nga thất vọng

Hai tàu Ba Lan lách luật để hỗ trợ dự án Nord Stream-2, Warsaw lập tức ngăn chặn.

Tờ Riafan đưa tin, hôm 27/3, các nhà chức trách Ba Lan đã cấm các tàu tham gia xây dựng Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vào các cảng của nước này.

Ba Lan đã phát hiện 2 tàu với chủ sở hữu người Đức hỗ trợ xây dựng Nord Stream-2.

Ba Lan đã phát hiện 2 tàu với chủ sở hữu người Đức hỗ trợ xây dựng Nord Stream-2.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan cho biết, một cuộc “săn lùng” đã được đưa ra cho các con tàu tham gia xây dựng Nord Stream-2.

Kết quả là họ đã phát hiện 2 con tàu treo cờ Ba Lan với chủ tàu là người Đức đã tham gia xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream-2.

Bộ trên đã thu hồi đăng ký của 2 tàu Krebs Geo và Krebs Jet, là tài sản của công ty Đức và cấm tàu này vào các cảng của Ba Lan. Quyết định này được đưa ra do Warsaw coi hành động của các tàu là đe dọa lợi ích kinh tế của đất nước.

“Chúng tôi không quan tâm đến những gì họ đang vận chuyển, những gì họ đang làm, miễn là nó không đe dọa lợi ích kinh tế của Ba Lan”, Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan cho biết trong một tuyên bố.

Theo Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan Grzegorz Witkowski, hai tàu này được đăng ký với Phòng Hàng hải ở thành phố Gdansk.

Ông Witkowski cho biết, các tàu này không hợp lệ và họ sẽ bị coi là những người vi phạm các lệnh trừng phạt áp đặt đối với dự án của Nga.

Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan nhấn mạnh, không một con tàu nào hoạt động dưới cờ Ba Lan có thể xâm phạm lợi ích kinh tế của Warsaw, và lưu ý rằng Ba Lan không muốn dính líu gì đến những đối tượng này.

“Hai tàu này không được xuất hiện trong vùng biển của Ba Lan. Nếu không, chúng tôi có quyền tạm giữ để xác minh”- ông Witkowski nói thêm.

Động thái mới nhất từ Ba Lan cho thấy thái độ không thay đổi của nước này trước dự án khí đốt của Nga dù nhiều nước tại châu Âu đồng thuận với việc hoàn tất dự án, vốn sẽ cung cấp nhiều hơn và ổn định hơn cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Âu.

Trước đó, Đại sứ Ba Lan tại Đức Andrzej Przylebski đã tiếp tục kêu gọi dừng dự án Nord Stream-2 lại vì chúng phục vụ cho việc thúc đẩy chi tiêu quân sự của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình RND của Đức, Đại sứ Przylebski cho biết lý do chính mà Warsaw phản đối kịch liệt dự án năng lượng do Nga dẫn đầu là vì họ cảm thấy bị Moscow “đe dọa”.

Đại sứ cho rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa dự án và chi tiêu quân sự của Nga, cho thấy lợi nhuận mà Nga có thể nhận được từ khí đốt được cung cấp qua đường ống sẽ được sử dụng để tăng ngân sách quân sự.

Ông Przylebski nói: “Điều khiến chúng tôi khó chịu nhất là Nga đang thu được nhiều tiền hơn cho chi tiêu quân sự của mình theo cách này.

“Thật kỳ lạ khi Đức một mặt ủng hộ các lệnh trừng phạt [chống lại Nga] và mặt khác lại cho Tổng thống Vladimir Putin một khoản tiền lớn để chi tiêu quân sự. Người châu Âu không nên làm vậy. Chúng ta nên làm suy yếu người Nga” - Đại sứ tại Đức nói.

Ông nhấn mạnh rằng Ba Lan “sẵn sàng chiến đấu với họ [người Nga] nếu cần thiết. ”

Trước các tuyên bố từ phía Đại sứ Ba Lan, Đại sứ quán Nga tại Đức đã thể hiện thái độ thất vọng. Phái đoàn ngoại giao Nga tại Đức cho biết, họ thấy những lời hùng biện cho rằng châu Âu cần phải làm suy yếu một nước Nga hung hăng và luôn thể hiện thái độ công khai thù địch như vậy là “đáng thất vọng và khó chịu”.

"Nga không có kế hoạch tấn công bất cứ ai"- thông báo từ đại sứ quán cho biết, bác bỏ giả định của Đại sứ Przylebski rằng, doanh thu từ dự án vẫn đang được xây dựng, bằng cách nào đó sẽ cung cấp năng lượng cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Đại sứ quán Nga cho biết, Nga chi cho quân sự vừa đủ tiền để đảm bảo an ninh và duy trì khả năng phòng thủ đầy đủ của mình và không phải Nga mà chính NATO với Ba Lan là thành viên, mới đang cố tình di chuyển lực lượng quân sự của mình về phía Đông, đến ngưỡng cửa của Nga.

Đại sứ quán Nga cũng nhấn mạnh rằng, ngân sách quốc phòng của Moscow cũng nhỏ hơn 24 lần so với ngân sách của Liên minh NATO.

Đại sứ quán lưu ý rằng, nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu phụ thuộc vào nhu cầu của châu Âu, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu sẽ khó giảm đi trong khi Ba Lan cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của mình nhằm biến nước này thành đầu mối cung cấp LNG của Mỹ cho thị trường châu Âu.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ba-lan-san-tau-giup-nord-stream-2-dai-su-nga-that-vong-3429741/