Ba lần tòa trả hồ sơ, mỏi mòn đợi chờ sáng tỏ

Sau 7 ngày TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 3) vụ án Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị) xuất khẩu 535,8m3 gỗ trắc, ngày 14-8 vừa qua, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung…

Luật sư và các bị cáo đều phản bác

Khi cáo trạng được công bố tại phiên tòa, các bị cáo đều không đồng tình với tội danh truy tố. Quá trình tranh luận, bào chữa cho các bị cáo, 8 luật sư cũng đều khẳng định, không đủ căn cứ pháp lý để truy tố các bị cáo về tội buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng.

Luật sư Nguyễn Xuân Bính (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo hồ sơ vụ án, đến thời điểm này không có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty TNHH Ngọc Hưng buôn lậu lô gỗ hơn 535m3 gỗ trắc. Việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát cho rằng công ty Ngọc Hưng “làm giả” hợp đồng để nhập khẩu lô gỗ cũng không đúng pháp luật.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nêu 5 căn cứ bác bỏ cáo trạng quy kết các bị cáo phạm tội buôn lậu và thiếu trách nhiệm: Không có việc công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập và xuất khẩu như cáo buộc của viện kiểm sát. Gỗ trắc được nhập và xuất khẩu bình thường. Lô gỗ có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào rất rõ ràng, theo xác nhận của Cục Hải quan Quảng Trị; Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, cảng Cửa Việt, cảng Đà Nẵng. Cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập và xuất khẩu như công ty Ngọc Hưng đều thông quan và đều được coi là hợp pháp. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát xác nhận việc thông quan lô hàng tại cửa khẩu Lao Bảo là đúng pháp luật. Khi đã công nhận việc thông quan là hợp pháp và được xuất nguyên lô tại cảng Cửa Việt, chuyển khẩu tại cảng Đà Nẵng thì không thể nói rằng đó là hàng lậu...

Nhiều sai sót về thủ tục tố tụng

Luật sư Nguyễn Xuân Bính cho rằng C44 và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra và kiểm sát điều tra vụ án, đặc biệt là việc thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến lô hàng bị cho là buôn lậu. Việc giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về giám định tư pháp, dẫn đến kết quả giám định không bảo đảm khách quan, không chính xác.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, việc bán lô gỗ vật chứng của C44 là “sai phạm nghiêm trọng” dẫn đến “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” khi không còn cơ sở để làm rõ vụ án. Việc bán lô gỗ vật chứng sai quy định có dấu hiệu cho thấy, đã kết tội khi vụ án chưa xét xử.

Qua hai lần xét xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã có quyết định trả hồ sơ bổ sung để yêu cầu giám định lại theo điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng không thể giám định được vì lô gỗ vật chứng không còn. Do vậy, về nguyên tắc khi không thể giám định lại thì các kết quả giám định trước đó không thể làm căn cứ buộc tội các bị cáo. Vụ án cũng vi phạm nghiêm trọng về việc bán vật chứng theo quy định tại điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự khi không có quy định pháp luật gỗ trắc, gỗ giáng hương là hàng hóa vật dụng mau hỏng khó bảo quản.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 3, xuất hiện các chứng cứ mới: Theo Hải quan cửa khẩu Lao Bảo xác nhận trong ngày 17-11-2011, có tất cả 19 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, trong đó có hơn 2.000m3 gỗ trắc từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo và đều sử dụng hồ sơ các doanh nghiệp bán gỗ tại Lào, tương tự như hồ sơ mà công ty Ngọc Hưng đã sử dụng. Tại sao chỉ khởi tố duy nhất lô gỗ của công ty Ngọc Hưng? Cùng ngày, công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ trắc thứ hai cũng từ doanh nghiệp Lào, hồ sơ thủ tục giống nhau, thông quan vào ngày hôm sau tại cửa khẩu Lao Bảo mà khi khởi tố, C44 kê biên, 2 năm sau có kết luận lô gỗ này không vi phạm, sau đó doanh nghiệp đã xuất lô gỗ trắc này và hoàn thuế GTGT theo quy định pháp luật. Tại sao cùng một hồ sơ khai báo tương tự cùng qua một cửa khẩu, cùng một công ty, cùng một mục đích xuất khẩu sang nước thứ ba mà 1 lô bị coi là hàng lậu, còn 1 lô không phải hàng lậu? Câu hỏi này chưa có lời đáp.

Lần thứ ba tòa trả hồ sơ

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa thừa nhận có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng, còn thiếu rất nhiều tài liệu, không thể thu thập được ngay mà phải có thời gian. Vì vậy, viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để yêu cầu C44 điều tra bổ sung, làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, các luật sư và bị cáo phát biểu, vụ án kéo dài đã 6 năm, sự thật qua phiên tòa sơ thẩm lần này đã rõ, đề nghị Hội đồng xét xử không trả hồ sơ nữa mà tuyên các bị cáo vô tội.

Sau 7 ngày xét xử, ngày 14-8, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số nội dung như: Trong cùng một ngày, công ty Ngọc Hưng nhập 2 lô gỗ trắc từ doanh nghiệp Lào, hồ sơ thủ tục giống nhau, một lô thông quan ngày hôm trước thì bị khởi tố về tội buôn lậu, còn lô thứ hai thông quan vào ngày hôm sau cũng tại cửa khẩu Lao Bảo mà khi khởi tố, C44 kê biên, 2 năm sau có kết luận lô gỗ này không vi phạm; việc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan yêu cầu sửa lại biên bản khám xét toàn bộ lô hàng; việc thu giữ lô hàng không lập biên bản, bán đấu giá lô hàng không thông báo cho công ty; về tính pháp lý của biên bản khám xét lô gỗ…

Đây là phiên tòa sơ thẩm kéo dài ít thấy ở TAND TP Đà Nẵng. Sau 3 lần tòa trả hồ sơ, các bị cáo đều tỏ ra mệt mỏi vì phải mỏi mòn đợi kết quả nhưng vẫn tin tưởng sự việc sẽ được làm rõ, khách quan, đúng người đúng tội.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/ba-lan-toa-tra-ho-so-moi-mon-doi-cho-sang-to-515407