Ba lần về Hòn Đất

Tôi đã ghi lại hình ảnh cuộc gặp, đặc biệt là các bức ảnh má Bảy Hương bên mộ người con gái má rất mực thương yêu đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Tôi về Hòn Đất lần đầu tiên vào năm 1983 cùng nhà nhiếp ảnh Kim Sơn. Khi ấy chúng tôi là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam. Chiến tranh qua chưa lâu. Mong muốn về thăm địa danh nổi tiếng trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức thôi thúc chúng tôi. Nhà văn Nguyễn Sinh, lúc đó là Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ còn “đặt hàng” tôi viết về Mẹ Gấm, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người phụ nữ tiêu biểu của vùng Nam Thái Sơn.

Tượng đài trong khu tưởng niệm Hòn Đất. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Tượng đài trong khu tưởng niệm Hòn Đất. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Thời kỳ ấy, Hòn Đất còn xơ xác lắm. Chiến tranh tàn phá nhiều năm. Bao nhiêu máu xương đã đổ. Biên giới Tây Nam mới yên tiếng súng. Hình ảnh một thị trấn nhỏ với mái tranh nghèo in trong ký ức của tôi. Trong hoàn cảnh ấy, anh Sáu Chấp, Bí thư huyện ủy Hòn Đất khi đó đã làm hết tất cả những gì có thể để giúp chúng tôi thực hiện được các yêu cầu của mình.

Biết chúng tôi muốn có cuộc gặp các nguyên mẫu trong tiểu thuyết Hòn Đất, anh đã cho xuồng máy sang tận Long Xuyên, An Giang đón má Bảy Hương, mẹ của anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng - chị Sứ. Anh cho xe lên Rạch Giá đón anh Mười Thép, bà Cà Sợi, đưa mọi người vào thăm hang Hòn và viếng mộ chị Sứ. Tôi không bao giờ quên lần gặp gỡ ấy. Tôi đã ghi lại hình ảnh cuộc gặp, đặc biệt là các bức ảnh má Bảy Hương bên mộ người con gái má rất mực thương yêu đã ngã xuống trên mảnh đất này. Tôi cũng chụp những chân dung về má, một người phụ nữ Nam Bộ với gương mặt đẹp, phúc hậu nhưng cũng đậm nét kiên cường, bản lĩnh.

Má Bảy Hương bên mộ con gái - Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng- chị Sứ tại Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Lần ấy về Hòn Đất, tôi cũng đã dành nhiều thời gian nghe Mẹ Gấm (tên thật là Đỗ Thị Phúc ), bà mẹ của đất Nam Thái Sơn kể về cuộc đời phiêu bạt, chồng chất bao nhiêu khó khăn, thử thách hy sinh của mình. Mẹ có sáu người con gái, con rể và cháu là liệt sĩ. Tôi đã theo mẹ đến các gia đình trong xã, cộng đồng người từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Sơn Tây ở miền Bắc vào Nam làm phu đồn điển. Tên gọi Nam Thái Sơn ra đời từ chữ đầu trong tên ba tỉnh ấy.

Sau chuyến đi, tôi đã viết bài "Những trang sách màu xanh" đăng trên Báo Ảnh Việt Nam, kể về cuộc sống các nguyên mẫu của các nhân vật trong tiểu thuyết Hòn Đất; và truyện ký Quê Nam, NXB Phụ Nữ, kể về cuộc đời mẹ Gấm anh hùng.

Năm 2012, gần ba mươi năm sau, tôi mới có dịp quay lại Hòn Đất. Chuyến đi này, cùng nhà báo Kim Sơn còn có các nhà báo Hoàng Vân, Lê Nam Thắng, những người đã từng gắn bó với Hòn Đất - Kiên Giang từ những năm chiến tranh, các nhà báo Phạm Nhật Nam, Lê Cương, Trần Quang Minh - cũng đều là phóng viên TTXGP. Một chuyến đi để lại những ấn tượng không quên.

Viếng mộ chị Sứ. Ảnh: Lê Duy Truyền

Chúng tôi đã về thăm khu tưởng niệm chiến tranh, viếng mộ liệt sĩ Phan Thị Ràng - chị Sứ. Khu tưởng niệm được xây dựng khang trang, có đường bộ nối liền, không cần phải đi đò như trước và đã trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng. Chúng tôi cũng thăm khu bảo tàng chiến tranh dưới chân Hòn Me, khu căn cứ kháng chiến ở núi Moso, gặp gỡ với lãnh đạo huyện Hòn Đất... Chuyến đi ấy giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những biến đổi lớn lao trong cuộc sống của người dân vùng căn cứ này. Chỉ tiếc là má Bảy Hương, mẹ Gấm... và một số người chúng tôi từng gặp đã đi xa!

Vừa đây, tôi lại vừa có dịp trở lại Hòn Đất. Chuyến đi lần này có các nhà báo Ngô Hà Thái, Lê Duy Truyền, Nguyễn Tiến Lễ, sau khi tham dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho TTXGP. Điều này rất có ý nghĩa, bởi vì trong cuộc đấu bảo vệ Hòn Đất hơn nửa thế kỷ trước, có cả những phóng viên TTXGP tham gia chiến đấu và hy sinh tại đây cùng cán bộ, chiến sĩ vùng Hòn.

Ban thờ chị Sứ. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình cựu phóng viên TTXGP Lê Nam Thắng và vợ anh, nhà thơ Trần Thị Hòa, bút danh Hoa Hồng. Nhà báo Lê Nam Thắng gắn bó với mảnh đất này từ những năm chiến tranh. Những kỷ niệm một thời lửa đạn cùng những suy tư về cuộc sống hôm nay luôn đau đáu trong anh. Chị Trần Thị Hòa những năm gần đây đã nổi tiếng với những sáng tác về chiến tranh, về những sự tích anh hùng, về tình yêu quê hương Kiên Giang, trong đó có vùng Hòn Đất- Kiên Lương anh chị đang sống. Lê Nam Thắng cho tôi biết tin vui: Cuốn sách Năm Tháng Xa Xanh của tôi, có ảnh má Bảy Hương và bài viết về Hòn Đất được đón nhận và lưu giữ ở thư viện của huyện và trưng bày cùng các kỷ vật ở khu tưởng niệm chiến tranh.

Quang cảnh khu Hòn Đất. Tác giả: Trần Mai Hưởng

Chúng tôi cũng được biết, những năm qua, Hòn Đất có nhiều biến đổi về kinh tế - xã hội. Huyện đang tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với tiêu thụ sản phẩm; có kế hoạch xây dựng du lịch, xây dựng đô thị ven biển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng năm 2020, sản lượng lúa của Hòn Đất ước đạt gần 1 triệu tấn, chiếm gần 1/4 sản lượng chung của cả tỉnh.Tất cả các xã, thị trấn đều có đường ô tô đến tận nơi. Giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Đời sống của nhân dân dần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm chỉ còn 3,5%.

Chúng tôi đến viếng mộ chị Sứ. Từ trên bia mộ và trên ban thờ trong nhà tưởng niệm, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã ngã xuống vì sự nghiệp giành độc lập tự do cho tổ quốc từ khi còn rất trẻ, vẫn dành ánh nhìn thật đẳm thắm, nhân hậu đanh cho lớp người hôm nay. Trên hố bom B52 trước ngôi mộ của người nữ anh hùng, giờ thành một hồ nước, hoa súng vẫn nở đỏ thắm, như ký ức không phôi pha qua năm tháng. Tôi nhớ đến bài thơ "Vô Thường" đã viết trong lần thăm Hòn Đất trước đây:

Hố bom giờ đã nở hoa
Nỗi đau sao chẳng nhạt nhòa tháng năm
Vô thường hương sắc thời gian
Mùa sang thương nhớ theo sang cùng mùa

Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/ba-lan-ve-hon-dat-20201019191911775.htm