Bà lão ở Sài Gòn trăm lần ôm đơn xuống Kiên Giang tìm lại đất

Gần chục năm xuôi ngược từ Sài Gòn về Kiên Giang để kiện đòi lại phần đất được người thân ủy quyền, bà Hiệp dù bị tai biến nhẹ nhưng vẫn quyết không bỏ cuộc.

Những ngày cuối tháng 4.2018, bà Lê Thị Hiệp (72 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tiếp tục đón xe đò từ TP.HCM về Kiên Giang. Bà cho biết đây là một trong hơn 100 chuyến đi, mà bà ôm đơn về miền Tây để kiện xin lại phần đất của một Việt kiều Mỹ ủy quyền cho bà từ nhiều năm trước.

Xuyên đêm trên những chuyến xe đò

Bà lão tóc hoa râm cho biết bản thân từng là giáo viên ở Kiên Giang nên nhiều năm sống tại P.Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ở đây, người thân của bà có khu đất rộng gần 4.000m2 nằm giáp đường Chu Văn An, tựa lưng về phía Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Kiên Giang.

"Nguồn gốc đất là của vợ chồng ông bà Trần Anh Lương - Kim Hiến. Họ là cha mẹ của bà Trần Huệ Văn, sở hữu khu đất 3.900m2 do ông bà để lại từ trước năm 1975, được cấp giấy chứng nhận thực tế ngày 1.6.1983. Năm 1987, bà Hiến qua đời tại Rạch Giá, ông Lương qua Mỹ định cư theo con gái", bà lão kể.

Theo bà Hiệp, trước khi bà Hiến mất 2 năm, chính quyền sở tại quy hoạch đất của gia đình để xây dựng cơ sở vật chất ngành phát thanh truyền hình, có bồi hoàn thành quả lao động 3.000m2 vào năm 1988. Phần còn lại 900m2 chưa được bồi hoàn vì chính quyền sở tại lúc đó nói "làm tới đâu bồi hoàn tới đó". Bà Huệ Văn đã ủy quyền cho bà Hiệp đòi lại quyền lợi của diện tích đất đó.

Quá trình xây dựng cơ sở vật chất của Đài PTTH Kiên Giang trước đây, đơn vị đã không sử dụng hết diện tích đất được quy hoạch nên phần thừa ra đã được một số cán bộ, nhân viên của đài cất nhà.

Tháng 4.2016, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản trả lời bà Hiệp, cho rằng năm 1988 Nhà nước đã bồi hoàn hoa màu, vật kiến trúc cho ông Lương với số tiền 890.000 đồng nên bác đơn của bà về việc yêu cầu bồi hoàn giá trị sử dụng 900m2 đất ven đường Chu Văn An.

Khu đất mà bà Hiệp đang đòi lại - Ảnh: Hàm Yên

"Đã hơn trăm lần tôi xuôi ngược trên những chuyến xe đêm từ Sài Gòn về Rạch Giá để đòi đất cho người thân nhưng chưa được. Tôi từng ở trên khu đất này nên biết rõ Nhà nước chưa bồi hoàn hoa lợi cho 900m2 mà nhà đài chưa sử dụng", người phụ nữ bị tai biến nhẹ chia sẻ trong tiếng thở dài.

Cái lý của lão bà

Để dẫn chứng cho lời nói của mình là sự thật, bà Hiệp nói nếu như cả khu đất 3.900m2 đã được Nhà nước bồi hoàn hoa lợi vào năm 1988 như công văn của UBND tỉnh thì tại sao tháng 12.2012, UBND TP.Rạch Giá lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 2.279,9m2 cho bà Trần Tuyết Anh (trên phần đất tổng thể 3.900m2 của gia đình ông Lương).

Việc UBND TP.Rạch Giá cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Tuyết Anh (em ông Lương) khiến bà Hiệp thắc mắc: Nếu cấp giấy cho bà Tuyết Anh, tức là Nhà nước chưa bồi hoàn hoa lợi ở khu đất này. Mà đã là chưa bồi hoàn hoa lợi và cấp giấy cho bà Tuyết Anh thì tại sao không cấp đất, trả lại đất hoặc trả lại thành quả lao động cho bà Hiệp (được bà Huệ Văn ủy quyền) trên phần đất 900m2.

"Trước Tết Mậu Tuất, tôi nhờ đứa cháu gửi đơn và hồ sơ đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để lãnh đạo tỉnh phúc tra, bồi hoàn lại giá trị đất 900m2. Vì tuổi cao, sức yếu, tôi không biết phải qua đời lúc nào nên kính đề nghị tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết sớm nhưng chờ đợi quá mỏi mòn", bà Hiệp than vãn.

Chúng tôi (phóng viên) đã nhiều lần gọi điện vào số máy Chủ tịch tỉnh là ông Phạm Vũ Hồng nhưng chưa liên lạc được. Còn lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang thì nói rằng không nhận được đơn nào của bà Hiệp do UBND tỉnh Kiên Giang chuyển đến.

Theo những lãnh đạo Đài PTTH tỉnh Kiên Giang, khu đất mà bà Hiệp đang đòi là do Nhà nước quản lý. Vài cán bộ đài từng xin phép hợp thức hóa quyền sử dụng đất nhưng đơn vị này không đồng ý.

Theo lãnh đạo Đài PTTH Kiên Giang, nếu phần đất này đài không sử dụng thì trả cho Nhà nước, Nhà nước cấp cho ai hoặc trả lại cho chủ đất gốc thì việc của cơ quan chức năng, đài không có ý kiến.

Hàm Yên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/ba-lao-o-sai-gon-tram-lan-om-don-xuong-kien-giang-tim-lai-dat-86890.html