Ba luật 'vênh' nhau, nhà đầu tư lúng túng

Đến bao giờ sửa được bất cập này, vì hiện có nhà đầu tư đang thực hiện việc đánh giá tác động với thời gian dài và kinh phí hàng tỷ đồng nhưng khó khăn vì giai đoạn thực hiện đánh giá tác động này chưa phù hợp?', đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, sáng 19/3.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan chất vấn: "Quy định về đánh giá tác động môi trường hiện có sự vênh nhau giữa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công với Luật Bảo vệ môi trường làm nhà đầu tư lúng túng. Vậy trách nhiệm cũng như giải pháp cho việc này ra sao? Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến bao giờ sửa được bất cập này, vì hiện có nhà đầu tư đang thực hiện việc đánh giá tác động với thời gian dài và kinh phí hàng tỷ đồng nhưng khó khăn vì giai đoạn thực hiện đánh giá tác động này chưa phù hợp?"

Bộ trưởng Lê Thành Long: Đúng là có hiện tượng như đại biểu nêu. Thực tế có sự vướng mắc, vênh nhau giữa 3 luật là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Vướng mắc lớn nhất liên quan đến thời điểm đánh giá tác động môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường quy định, giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi, cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể, nhưng Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công lại quy định khác. Cụ thể hai luật này quy định trong giai đoạn đề xuất trình, ra quyết định chủ trương đầu tư thì chỉ cần báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

Qua rà soát, thẩm định lại, Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về việc này. Với Luật Bảo vệ môi trường, khi thẩm định, anh em nói trong giai đoạn bắt đầu thì chưa đủ thời gian, nên chưa thể làm báo cáo tác động môi trường đầy đủ. Chính vì thế, phải căn chỉnh cho phù hợp, nếu không phải sửa Luật Bảo vệ môi trường.

Đây đúng là vướng mắc thực tế của địa phương, thậm chí của các bộ, ngành khi phê duyệt chủ trương đầu tư thì sẽ trình cái gì. Việc này đã được báo cáo Chính phủ. Theo dự kiến, Luật Bảo vệ môi trường sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019 và sẽ có sửa đổi tổng thể.

Trước mắt, với việc báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tư pháp đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo hướng, đối với dự án lập xin chủ trương đàu tư sẽ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, nghĩa là chỉ cần báo cáo sơ bộ thôi.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Ngô Thị Minh: "Luật Giáo dục đang được sửa đổi, lương nhà giáo được xếp cao nhất, còn phổ cập THCS bắt buộc 9 năm. Tờ trình Chính phủ đưa vào nhưng qua thẩm định, Bộ Tư pháp lại đưa ra, vì sao?"

Bộ trưởng Lê Thành Long: Đối với nội dung phổ cập 9 năm, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm. Còn với lương nhà giáo, quan điểm chúng tôi thống nhất giáo viên hưởng thang bảng lương cao nhất, điều này hoàn toàn phù hợp, với những lý do có đầy đủ tính thuyết phục.

Tuy nhiên việc này cũng còn băn khoăn vì lại vấp phải vấn đề quan điểm. Chính phủ đang chuẩn bị đề án cải cách chế đột tiền lương, thấy lương, phụ cấp quy định nói chung được quy định ở khá nhiều văn bản khác nhau. Do vậy, nếu đưa quy định này vào Luật Giáo dục phần nào sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc này. Nếu đợi quy định chung sợ sẽ chậm. Bộ Tư pháp và bản thân tôi cũng băn khoăn, áy náy về điều này. Mặc dù vậy nội dung này sẽ được xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu chất vấn: "Nhiều dự án trình quá chậm, có luật chỉ trình trước 2 ngày, lại rơi vào thứ 7, chủ nhật. Bên cạnh đó, chất lượng nhiều dự án luật có vấn đề, thậm chí không ký, không đóng dấu. Báo cáo đánh giá tác động, thời gian và sự tham gia cho ý kiến một số bộ, ngành còn hình thức. Khi xin ý kiến Chính phủ bằng phiếu, có trường hợp đến 9 bộ chưa có ý kiến, trong đó có bộ rất quan trọng. Đề nghị chấn chỉnh tình trạng này, nếu không sẽ làm khó các Ủy ban trong việc thẩm định. Với những bất cập như trên, đã có cá nhân, tổ chức, chuyên viên nào bị xử lý kỷ luật chưa?"

Bộ trưởng Lê Thành Long: Vấn đề này có liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi trình hồ sơ dự án chậm, không đảm bảo tiến độ, quy trình thủ tục. Quốc hội đã có nghị quyết liên quan đến việc xây dựng văn bản. Các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ cũng là yếu tố để Quốc hội bỏ biếu tín nhiệm. Trong phiên họp thường kỳ và chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu rất rõ, các bộ tưởng trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng bằng văn bản, chịch trách nhiệm về thời gian trình cũng như chất lượng lượng.

Về xử lý trách nhiệm, thực tế, việc này có dừng lại ở việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở trong các phiên họp và công bố công khai các dữ liệu văn bản chậm.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ba-luat-venh-nhau-nha-dau-tu-lung-tung-1251752.tpo