Bà Mạnh Vãn Châu và chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung

Nhiều chuyên gia nhận định vụ bắt giữ lãnh đạo của Tập đoàn viễn thông Huawei đang đặt Canada vào tình thế khó xử và 'mất nhiều hơn được'.

Câu chuyện xung quanh vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei, được dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày tới. Các chuyên gia đã vào cuộc nhận định về những hệ lụy từ cách hành xử của “bộ ba” Canada-Mỹ-Trung Quốc (TQ) liên quan đến vụ việc này.

Đài CBC của Canada hôm qua dẫn lời bà Mary Fan, giáo sư luật của ĐH Washington và là cựu công tố viên liên bang Mỹ, nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng “đạp đổ” việc dẫn độ bà Mạnh về Mỹ nhằm đảm bảo một thỏa thuận thương mại đang gây tổn hại cho quan hệ quốc tế. Theo bà, các hiệp ước là những thỏa thuận “được trân trọng qua thời gian” và rằng giữa Canada và Mỹ có một sự thu xếp “lâu đời” về vấn đề này.

Mỹ kích hoạt “chiến tranh lạnh mới”

Theo chuyên gia kinh tế Mỹ Jeffrey Sachs, vụ bắt giữ bà Mạnh là một ví dụ khác cho thấy Mỹ đang gây ra một cuộc “chiến tranh lạnh mới” trong thương mại quốc tế và Canada “đang tiếp tay” cho người láng giềng phương Nam.

CBC dẫn lời ông Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững của ĐH Columbia và Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, tin rằng vụ bắt giữ là một nỗ lực của Mỹ nhằm “ngăn chặn sự vươn lên của TQ” bằng cách tạo hiệu ứng làm nhụt chí đối với các doanh nghiệp nước này.

“Bạn có một người láng giềng khá thất thường, có chút rối trí với sự vươn lên của TQ. Đây là một cách tiếp cận được biết đến khá nhiều của Mỹ nhằm sử dụng sức mạnh của mình để phá vỡ đà kinh tế của một đối thủ và tôi nghĩ đó là hành vi rất, rất tồi tệ và thực sự rất nguy hiểm khi thế giới phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh lạnh mới” - ông nói thêm.

Ông Sachs còn nêu nghi vấn về lý do của vụ bắt giữ, cho rằng động cơ tiến hành việc này không tương thích với hành vi trước đây của Mỹ. “Theo tôi hiểu, bà ấy (Mạnh Vãn Châu) bị buộc tội gian lận vì một cuộc trình bày với Ngân hàng HSBC về những thương vụ với Iran. Điều đáng quan tâm là bản thân HSBC bị trừng phạt về những vi phạm nghiêm trọng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran nhưng không một nhà quản lý nào của họ phải đối mặt với những lời buộc tội chứ chưa nói đến việc bắt giữ tại một sân bay nước ngoài và bị kéo lê qua một quá trình như bà Mạnh” - ông Sachs nhấn mạnh. Chuyên gia này nói rằng ông hiểu lý do tại sao TQ phản ứng mạnh, vì nó “hoàn toàn khác thường”.

Vụ bà Mạnh Vãn Châu khiến Canada đau đầu. Ảnh: CBC

TQ tìm cách trả đũa

Chuyên gia Ian Lee, phó giáo sư quản trị tại Trường Kinh doanh Sprott thuộc ĐH Carleton ở Ottawa, cũng thừa nhận “cơn giận dữ sâu sắc” của TQ về vụ bắt giữ bà Mạnh. Canada có thể sẽ “ở bên đầu thất bại” trong cuộc tranh cãi giữa Mỹ và TQ về vụ việc trên. Đài CTV dẫn lời ông Lee nói thêm rằng các doanh nghiệp Canada “nên lo ngại” về những triển vọng làm ăn tại TQ, vốn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada sau Mỹ.

TQ tuyên bố hoãn tăng thuế đối với ô tô, xe tải và linh kiện ô tô Mỹ trong vòng 90 ngày, bắt đầu từ ngày 14-12, sau cuộc “đình chiến thương mại” với Washington vốn đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là bước đi đầu tiên của Bắc Kinh nhằm hưởng ứng quyết định hoãn đánh thuế tương tự do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 1-12, theo hãng tin AP.

“Có một sự đóng băng rõ rệt về phía TQ. Mọi việc sẽ không như bình thường… Nó sẽ là mặt tiền và tâm điểm của mối quan hệ giữa Canada và TQ, cho đến khi người phụ nữ này (Mạnh Vãn Châu) được trả về cho các nhà chức trách TQ” - ông Lee, người có hơn 20 năm giảng dạy chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Thượng Hải, nhấn mạnh.

Theo ông Lee, cách duy nhất để giải quyết vụ bà Mạnh là thông qua đối thoại ba bên giữa Canada, TQ và Mỹ. “Nó tác động đến mối quan hệ của cả ba nước. Chúng ta phải vận dụng giải pháp ngoại giao thực dụng đằng sau hậu trường để tìm ra những công cụ và phương tiện pháp lý mà chúng ta có nhằm đảm bảo bà Mạnh được trả về cho người TQ sau khi ba bên đưa ra những tuyên bố giữ thể diện phù hợp” - ông nói.

TQ hiện đã bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor nhằm gây sức ép lên Canada. Ông Lee cảnh báo những công dân Canada khác, đặc biệt là những người có quan hệ với chính phủ nước này, cũng có nguy cơ bị bắt giữ nếu bà Mạnh không được trả cho TQ sớm.

“Tôi nghĩ những người là viên chức ngoại giao hay cựu viên chức có thể đang làm việc cho các tổ chức phi chính phủ có thể gặp rủi ro cao hơn các lãnh đạo doanh nghiệp. Và chúng ta còn chưa xem xét những hình thức trả đũa khả dĩ khác chống lại Canada xét về mặt phản ứng của TQ với chúng ta. Vì thế cuộc chơi chưa kết thúc. Sẽ còn nhiều chuyện xảy đến” - ông Lee nói.

Bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt giữ tại tỉnh British Columbia hồi đầu tháng này do bị truy nã ở Mỹ với cáo buộc vi phạm những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Các chuyên gia an ninh đã cảnh báo Canada về việc làm ăn với Huawei, nêu những quan ngại về mối liên hệ gần gũi giữa công ty này với chính phủ TQ. Bà hiện đã được cho tại ngoại sau khi nộp 10 triệu CAD (gần 174 tỉ đồng) tiền bảo lãnh nhưng phải ở tại nhà tại TP Vancouver, trong khi Mỹ chưa chính thức gửi hồ sơ để dẫn độ nữ doanh nhân này về Mỹ. Washington có 60 ngày để đưa ra yêu cầu chính thức cho Ottawa cùng với những tài liệu bổ trợ. Điều đó có nghĩa Canada sẽ buộc phải phóng thích bà Mạnh vào ngày 29-1 nếu không nhận được yêu cầu từ Mỹ.

TRÙNG QUANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/ba-manh-van-chau-va-chien-tranh-lanh-moi-mytrung-808385.html