Ba năm thực hiện đề án 'Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng': Làm nhiều, hiệu quả bao nhiêu?

Sau 3 năm thực hiện Đề án 'Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng' đã triển khai thực hiện được rất nhiều hạng mục công trình. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả của các phần việc lại chưa được đánh giá cụ thể.

Các giải pháp bảo tồn và phát triển Chợ nổi đã thực hiện, nhưng tính hiệu quả chưa cao

Các giải pháp bảo tồn và phát triển Chợ nổi đã thực hiện, nhưng tính hiệu quả chưa cao

Ngay sau khi Chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, TP Cần Thơ đã phê duyệt và bắt tay vào thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”.

Thương hồ, ghe tàu, nông sản giảm…

Phát biểu tại buổi sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, Chợ nổi Cái Răng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội TP nói chung và quận Cái Răng nói riêng. Nơi đây là điểm hội tụ nhiều thương hồ các nơi về giao dịch, mua bán. Tuy nhiên, ngày nay do điều kiện giao thương đường bộ phát triển nên số lượng thương hồ và số ghe ngày càng giảm.

“Bảo tồn là làm sao để duy trì số lượng thương hồ từ mức đó trở lên. Cần đánh giá hiệu quả mang lại là gì? Số người bán tăng hay giảm? Kể lể làm được chuyện này, chuyện kia nhưng chưa đánh giá được hiệu quả là phù hợp hay chưa phù hợp”, ông Hiển nhấn mạnh.

Nói về thực trạng Chợ nổi, ông Hiển dẫn chứng: “Sáng du khách háo hức xuống Bến Ninh Kiều đi Chợ nổi nhưng quay về lại lắc đầu “không có gì hết trơn”, người bán ít hơn người đi”. Từ đó, ông Hiển dẫn ra “bài toán”: “Làm sao để người ta háo hức “đi xuống” Chợ nổi và “đi lên” phải cảm thấy xứng đáng thiệt?”.

Theo ông Hiển, các cơ quan cần rà soát và thống nhất phần nào trong Đề án không phù hợp thì kiến nghị chỉnh sửa. “Mục tiêu cần phải làm đài quan sát để du khách có thể nhìn hết Chợ nổi, phải có chỗ chụp hình đẹp vì nhiều người dân bây giờ “mê chụp hình còn hơn ăn uống”. Đồng thời, phải có chỗ bán hàng lưu niệm, ẩm thực, bánh dân gian và nông sản”, ông Hiển yêu cầu.

Bàn về vấn đề rác thải, ông Hiển cho rằng: Cần áp dụng tuyên truyền và chế tài: “Tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng không có giải pháp chế tài, xử phạt, thì không ai tuân thủ”.

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng thì nói, sau 3 năm thực hiện, cơ bản đã thực hiện 13 công trình hạng mục theo đề án. Tổ chức ghe thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí phao phân luồng đảm bảo an toàn giao thông thủy. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thương hồ về việc bảo tồn Chợ nổi và phát triển du lịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan Chợ nổi.

Về các hạng mục công trình, đến nay đã có 3 nhà hàng nổi trên sông. Đồng thời một hộ dân đầu tư quầy hàng nổi đến bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, và 6 hộ dân bán trái cây, phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách.

Để tăng cường thu hút đầu tư du lịch, quận Cái Răng đã hướng dẫn 11 hộ dân khu vực Chợ nổi đăng ký thành lập hộ kinh doanh với số vốn đăng ký gần 500 triệu đồng. Đồng thời, đã cho gần 500 hộ mua bán cung cấp nông sản tại khu vực Chợ nổi vay vốn với số tiền gần 26 tỷ đồng.

Đau đầu vấn đề rác thải

Còn ông Trần Hiếu Anh, Phó Trưởng Công an quận Cái Răng, cho rằng công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn sông nước rất khó. Tuy nhiên, thời gian qua đơn vị cũng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực Chợ nổi: “Năm 2016 tình hình tội phạm hết sức phức tạp nhưng đến nay đã tương đối ổn định”.

Đơn vị đã điều tra cơ bản các hộ sống trên chợ nổi, cấp sổ hộ khẩu và sổ tạm trú cho các hộ dân nơi đây. Đồng thời, phối hợp xây dựng tổ tuần tra nhân dân trên sông thường xuyên tuần tra trên tuyến Chợ nổi.

Thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án. Sản lượng hàng hóa, nông sản tiêu thụ tại Chợ nổi Cái Răng giảm so với trước khi có Đề án. Mặc dù có vớt rác nhưng ý thức xả rác của người dân chưa thay đổi và lượng rác từ nhiều nơi trên trôi dạt đến nên Chợ nổi luôn có rác.

Đồng thời, cũng chưa quản lý được giá cả và dịch vụ đưa rước khách tham quan Chợ nổi do chủ đò từ ngoài địa bàn đến là chủ yếu. Đó là chưa nói, các chủ tàu, lái tàu chưa tạo hình ảnh đẹp cho du khách, buộc các điểm dịch vụ phải chung chi nhiều dẫn đến chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa không đảm bảo.

Ông Tiêu Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, quận Cái Răng cho rằng: Đề án đã có từ 3 năm nay, nhưng kế hoạch chi tiết về phương án quản lý khai thác Chợ nổi thì vẫn chưa có. Điều này gây khó khăn trong công tác triển khai. Đồng thời, theo ông Nguyện, cần xây dựng bến, điểm giữ xe phục vụ khách: “Lễ tết xe rất đông nhưng không có chỗ đậu chuyên nghiệp, khách loay hoay tìm chỗ đậu”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ tiếp lời: Trong 3 năm qua, Chợ nổi đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề rác thải vẫn còn rất đáng lo ngại: “Khách đến Chợ nổi vì sự mới lạ, đam mê và thích thú nhưng rác thải quá nhiều cũng làm du khách mất cảm tình với nơi đây. Chúng ta có nhiều chương trình vớt rác, thu gom rác nhưng vấn đề là hành động vứt rác. Du khách đánh giá về Cần Thơ rất tốt, chỉ góp ý về vấn đề rác thải”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, các cấp địa phương cần có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời những khó khăn, hạn chế và những khuyết điểm của ngôi chợ di sản để bảo tồn và phát triển nét truyền thống, dân dã, đậm tính sông nước của ngôi chợ trăm tuổi.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/ba-nam-thuc-hien-de-an-bao-ton-va-phat-trien-cho-noi-cai-rang-lam-nhieu-hieu-qua-bao-nhieu-462137.html