Bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành Dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Công ty SGS Việt Nam: Sản xuất bền vững là điều kiện để doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thế giới

Bà Nguyễn Nam Trân. Ảnh: V.GIA

Ngành gỗ là một trong những lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quan trọng của cả nước cũng như Đồng Nai. Hiện nay, tiêu dùng thế giới đang thay đổi theo hướng bền vững hơn, nhất là các sản phẩm đến từ thiên nhiên, điều đó đòi hỏi ngành sản xuất gỗ cũng phải điều chỉnh lại để đáp ứng những quy chuẩn ngày càng khắt khe.

Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành Dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Công ty SGS Việt Nam (chi nhánh của một tổ chức toàn cầu đến từ Thụy Sĩ) đã chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về tầm quan trọng trong việc đáp ứng chứng chỉ rừng bền vững (FSC) và những lưu ý mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu.

Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi theo hướng bền vững

* Thưa bà, chứng chỉ rừng bền vững (FSC) có vai trò như thế nào đối với ngành sản xuất chế biến đồ gỗ hiện nay?

- FSC là một chứng nhận quốc tế, để có thể được chứng nhận thì các cánh rừng phải tuân thủ những vấn đề về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Rất nhiều yêu cầu, thủ tục khắt khe cần phải thực hiện để người trồng rừng có thể đạt được chứng nhận này.

Khi lấy được chứng nhận FSC thì các đơn vị khai thác rừng nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đồ gỗ có chứng nhận bán ra thị trường xuất khẩu đảm bảo được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, EU, người tiêu dùng rất coi trọng vấn đề hợp pháp, có các chứng chỉ về bảo vệ môi trường.

* Cụ thể thì xu hướng tiêu dùng đó ra sao, thưa bà?

- Có thể lấy châu Âu làm ví dụ, 85% người tiêu dùng khu vực này coi tính bền vững là yếu tố quan trọng khi mua sản phẩm gỗ. Nhu cầu về các sản phẩm gỗ được chứng nhận đã tăng đều đặn với mức tăng trưởng 40% về số lượng được bán ra từ năm 2013 đến nay. Trong năm 2020, khu vực này chiếm đến chiếm 37% tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận bền vững của toàn cầu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Môi trường châu Âu cho thấy, 76% người tiêu dùng châu Âu tin rằng các sản phẩm nên được thiết kế để tồn tại càng lâu càng tốt. Khảo sát của Eurobarometer cũng hiển thị 77% người châu Âu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền, bao gồm cả các sản phẩm gỗ, có thể dễ dàng sửa chữa.

Những nghiên cứu, khảo sát trên cho thấy, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhằm giảm tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo theo phương pháp tái sử dụng, tái chế để đảm bảo sử dụng nguyên liệu bền vững. Xu hướng thiết kế xanh, sử dụng sơn không chứa chất độc hại và các phụ gia tự nhiên để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tác động xấu đến xã hội cũng rất quan trọng.

* Như vậy, bên cạnh việc bảo vệ môi trường thì khi tuân thủ các quy tắc này, DN sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ sẽ có thêm những thuận lợi gì?

- Như tôi đã nói ở trên, sản phẩm gỗ mà có chứng chỉ FSC thì có lợi thế về thương mại hơn khi mà yêu cầu về “bền vững” và “hợp pháp” đã trở thành nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do vậy, các DN sẽ lựa chọn gỗ có chứng chỉ thay vì gỗ không rõ nguồn gốc, điều này cũng là để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân đã có mức độ nhận thức và tính khắt khe rất cao.

Phát triển bền vững là bắt buộc đối với DN

* Theo bà thì các DN ngành gỗ ở Việt Nam đã quan tâm đến phát triển bền vững như thế nào?

- Vấn đề quản lý rừng bền vững luôn là một trong những mục tiêu chiến lược của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động bảo vệ, phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững hướng đến chứng chỉ rừng, trong đó có chứng chỉ FSC. Khoảng 10 năm nay, trước những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lớn, tôi nhận thấy DN đã có sự quan tâm nhiều hơn. Đã có rất nhiều DN nỗ lực thực hiện và đạt được các chứng nhận phát triển bền vững, từ đó góp phần đưa sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam trở thành một trong những ngành mạnh, có giá trị xuất khẩu lớn.

Tại Đồng Nai, ngoài việc đang triển khai thẩm định, cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng thì chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều DN sản xuất gỗ, không chỉ là trong trồng rừng mà chứng chỉ này còn được cấp cho các đơn vị sản xuất đáp ứng các tiêu chí bền vững, sản xuất xanh.

Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tham quan gian hàng gỗ nguyên liệu hợp pháp

* Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai các chứng nhận trên ở Đồng Nai?

- Đồng Nai như chúng ta thấy có rừng nhiều và từ lâu đã đóng cửa rừng, diện tích rừng trồng cũng lớn và ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ phát triển. Đó là điều kiện cần thiết để chúng ta có thể triển khai FSC rộng khắp, tuy nhiên đạt được nó không phải dễ dàng. Dù là những bước đi đầu tiên trong việc hướng tới xây dựng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng hợp pháp, đạt chứng chỉ tại địa phương nhưng tôi thấy rằng sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng DN cũng rất lớn. Tỉnh đã có chiến lược, các DN sản xuất gỗ cũng có đơn vị làm cầu nối để đưa người trồng rừng gặp gỡ, kết nối được với nhà sản xuất… nên sẽ tạo điều kiện để thực hiện.

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Với vai trò là người bạn đồng hành của các DN ngành gỗ rừng, SGS Việt Nam cam kết hỗ trợ họ trong quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống hướng đến phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của DN và của cả ngành công nghiệp. Ngoài cấp chứng nhận FSC cho ngành gỗ thì chúng tôi cũng đang làm việc, cung cấp chứng nhận quan trọng khác cho các DN thuộc nhiều lĩnh vực nhằm hỗ trợ DN của Việt Nam trong hội nhập.

* Để thực hiện được yêu cầu về phát triển bền vững, DN phải chuẩn bị những gì?

- Sự quan tâm của cộng đồng DN Việt đến sản xuất bền vững hiện nay là có nhưng vẫn đang ở mức bị động. Nghĩa là khi nào các đối tác hỏi đến thì DN mới bắt đầu triển khai những phần việc cần thiết chứ chưa thực sự chủ động, tìm hiểu để có chiến lược ngay từ đầu. Trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt sau đại dịch đã có sự biến chuyển trong cộng đồng DN Việt, họ muốn bước lên nấc cao hơn, từ đó đã có ý thức ngay từ đầu. Xây dựng DN sản xuất bài bản, hoạch định chính sách, quản trị bền vững là điều mà nhiều DN đang học hỏi. Chuẩn bị sẵn từ đầu, từng bước để khi sản phẩm của mình đưa ra thị trường là đã có sẵn, đáp ứng những điều kiện cần thiết cho khách hàng là rất quan trọng.

* Xin cảm ơn bà!

Văn Gia (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/ba-nguyen-nam-tran-giam-doc-dieu-hanh-dich-vu-chung-nhan-va-he-thong-cua-cong-ty-sgs-viet-nam-san-xuat-ben-vung-la-dieu-kien-de-doanh-nghiep-go-viet-vuon-ra-the-gioi-94b6c4d/