Bà Rịa-Vũng Tàu: Hơn 40% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động khá, tốt

Theo kết quả xếp loại hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 do Liên minh hợp tác xã tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khảo sát và đưa ra, toàn tỉnh có hơn 40% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động khá, tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 69 hợp tác xã hợp nông nghiệp đang hoạt động. Theo kết quả xếp loại hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 do Liên minh hợp tác xã tỉnh khảo sát và đưa ra, toàn tỉnh có hơn 40% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động khá, tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 7,7% hợp tác xã nông nghiệp xếp loại yếu. Hiện nay, nhiều hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của các thành viên.

Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len, ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ là hợp tác xã có 12 thành viên, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá lóc bông và nuôi cá chép, trắm, mè, rô phi…. với diện tích 23ha, sản lượng trung bình 100 tấn/1ha.

Ông Lê Đức Viếng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len cho biết, nếu thời điểm đầu ra có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, thì người nuôi cá lóc bông sau khi trừ chi phí thì có thu nhập từ 2-3 tỷ đồng/1ha.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cá lóc bông giảm mạnh chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi thua lỗ nặng (do vốn đầu tư cho nuôi cá lóc bông khá nặng khoảng 3 tỷ đồng tiền cá giống, thức ăn cho cá/1ha/vụ nuôi với 8 tháng đến 1 năm/vụ nuôi).

Bên cạnh khó khăn về giá cả bấp bênh, việc xả thải từ các ao nuôi cá cũng gặp rất nhiều khó khăn, gây kiện tụng kéo dài giữa lợi ích của người nuôi cá với người trồng lúa phía ngay bên dưới khu ao nuôi cá của hợp tác xã.

Cụ thể, hàng tuần phải thay nước ao nuôi 2 lần, lại không có đường nước thải riêng, nên nước thải từ ao cá chảy ra ruộng lúa của người dân, gây ảnh hưởng đến mùa màng của họ dẫn đến khiếu kiện.

“Chính vì những khó khăn trên, nên đến nay có đến 50% thành viên hợp tác xã phải chuyển qua nuôi lồng ghép với nhiều loại cá trong 1 ao nuôi như: cá chép, trăm, rô phi, mè… với các loại cá nuôi này, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều, cá cũng sẽ không phải phụ thuộc vào nguồn cá mồi từ biển (hiện đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ).

Tuy nhiên, thu nhập từ mô hình nuôi lồng ghép này sẽ không cho thu nhập cao như nuôi cá lóc bông”, ông Viếng chia sẻ thêm.

Còn Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt, xã An Nhứt, huyện Long Điền HTX hiện có 330 hộ với khoảng 1.000 xã viên đang tham gia sản xuất trên diện tích 222ha, mỗi năm 3 vụ lúa.

Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, hiện nay khó khăn nhất của hợp tác xã là vấn đề nhân sự, việc tìm lớp trẻ thay thế, kế cận cho Ban Giám đốc hợp tác xã hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, do lớp trẻ ở vùng nông thôn hầu hết đã đi làm việc nơi xa.

Tìm người có năng lực để điều hành hợp tác xã cũng là vấn đề khá nan giải với hợp tác xã hiện nay.

Cùng với đó là việc thiếu vốn để hoạt động, do hợp tác xã không có tài sản thế chấp. Hầu hết muốn vay vốn để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, Ban giám đốc hợp tác xã phải thế chấp ruộng, đất của gia đình mới vay được vốn. Ngoài ra, lúa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của hợp tác xã dù bán rất chạy nhưng hợp tác xã chưa thể mở rộng diện tích do kinh phí đầu tư trồng lúa theo chuẩn VietGAP rất lớn, vượt quá khả năng của hợp tác xã.

Còn Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp Xà Bang, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, được thành lập năm 2013 lại đang gặp khó khăn về đất sản xuất. Hiện nay, hợp tác xã có 70 thành viên canh tác ca cao trên diện tích hơn 30ha, sản lượng đạt 25 tấn ca cao tươi/ha/năm.

Với giá bán 5.500-6.000 đồng/kg quả ca cao tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên thu lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/ha.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, giá ca cao ổn định, lại được Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt ký kết bao tiêu sản phẩm nên hợp tác xã muốn mở rộng diện tích trồng ca cao để đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất nên việc mở rộng diện tích trồng ca cao vẫn chưa thể triển khai.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay rất phong phú như: bơ, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh Sông Xoài, ca cao…

Tuy nhiên, sản phẩm của các hợp tác xã mới chỉ dừng ở phục vụ tại chỗ, sản phẩm xuất đi nước ngoài còn rất hạn chế. Các sản phẩm của các hợp tác xã bung ra thị trường rộng lớn còn rất nhỏ bé và yếu kém. Bởi vì, điểm yếu khiến sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường là chưa có thương hiệu và tiêu chuẩn sản xuất.

Cũng theo ông Nam, giải pháp hữu hiệu nhất để các sản phẩm của các hợp tác xã vươn xa đó là các hợp tác xã phải bắt tay vào sản xuất theo chuẩn quy trình nông nghiệp an toàn, có như vậy các sản phẩm nông nghiệp mới có chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh được với các sản phẩm khác.

Còn theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nắm được thông tin và chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận các chính sách về vốn, kỹ thuật cũng như các mối liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các ngành chức năng sẽ đồng hành cùng các hợp tác xã nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn về vốn, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt.

Hoàng Nhị/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ba-ria-vung-tau-hon-40-hop-tac-xa-nong-nghiep-hoat-dong-kha-tot/97932.html