Bà Rịa-Vũng Tàu tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm OCOP

Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Các gian hàng sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia hội chợ tại địa phương và được người dân và du khách tin dùng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Thời gian qua, để các sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, ngoài việc nâng cao chất lượng, đa dạng các loại sản phẩm cũng như mẫu mã sản phẩm của các chủ thể thì sự hỗ trợ kịp thời từ các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang tạo động lực quan trọng để các sản phẩm OCOP vươn xa hơn.

Năm 2022, hai sản phẩm là nước cốt và tinh dầu nhàu của Công ty Xuất nhập khẩu Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Với phương pháp trồng hoàn toàn hữu cơ, sản phẩm làm từ trái nhàu của Công ty Xuất nhập khẩu Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo đạt chất lượng và kiểm định thực phẩm sạch an toàn; đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Và 80% sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường: Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 10 tỷ đồng.

Anh Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo chia sẻ, để được chứng nhận là sản phẩm OCOP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước, công ty đã phải tuân thủ rất nghiêm ngặt trong khâu trồng đạt chuẩn hữu cơ, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến với các máy móc hiện đại. Khi có chứng nhận OCOP thì hàng hóa lưu thông dễ hơn, các đơn vì tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp cũng nhiều hơn.

Cơ sở hạt Điều Nam Long, khu phố Phước Sơn, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ có các sản phẩm OCOP được gắn 4 sao như hạt điều rang muối, hạt điều tẩm vị tỏi ớt và hạt điều Capuchino. Nhờ chú trọng nâng cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì nên sản phẩm của cơ sở đang ngày càng được người tiêu dùng ưu chuộng.

Anh Nguyễn Văn Thuận, quản lý tại Cơ sở chế biến hạt điều Nam Long kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Các quy trình sản xuất hạt điều đều tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% nguyên liệu được chọn từ hạt điều tươi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; riêng với công đoạn rang thực hiện hoàn toàn bằng củi để hạt điều tẩm muối giữ nguyên hương vị.

Đăng kỳ tham gia chương trình OCOP, cơ sở hạt Điều Nam Long đã nhận được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ việc mời đơn vị tư vấn xây dựng sản phẩm; đến hỗ trợ doanh nghiệp thuyết trình, giới thiệu sản phẩm.

Theo thống kê, tính đến nay toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 89 sản phẩm nông nghiệp của 43 chủ thể đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó 62 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm này ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay là điều không đơn giản. Để giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường, công tác quản lý để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm, kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Các địa phương cũng như sở, ngành của tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ làng nghề để quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP…

Ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc chia sẻ, xác định đạt tiêu chuẩn OCOP chính là định vị chất lượng, thương hiệu nông sản, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân một cách bền vững, các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn đã nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP mang dấu ấn riêng của địa phương.

Trong thời gian tới UBND huyện tiếp tục quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho các cơ sở, chủ thể tham gia OCOP ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất cũng như trong bán hàng, nâng cao vai trò bảo hộ trí tuệ để nâng cao sức cạnh tranh.

Tại huyện Đất Đỏ đang tích cực phối hợp với các sở, ngành tỉnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương; kết nối sản xuất với tiêu thụ sản; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, và phấn đấu: 100% sản phẩm OCOP được tạo tài khoản, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ thông tin, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung triển khai các chính sách để hỗ trợ người dân hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt là trong quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời hoàn thành các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để được công nhận là sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Châu Đức tham quan gian hàng OCOP của huyện Châu Đức tại hội chợ nông sản huyện năm 2023. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên, UBND tỉnh triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó tỉnh tập trung thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn; kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu Chương trình OCOP của Trung ương đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dụng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững.

Mục tiêu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tới đây, Sở Công Thương tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm… để có thể mở rộng chuỗi tiêu thụ, nhất là trong siêu thị./.

Hoàng Nhị/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ba-ria-vung-tau-tao-dung-cho-dung-cho-san-pham-ocop/297895.html