Bà Rịa-Vũng Tàu: Trồng bưởi hữu cơ theo hướng sản xuất an toàn, bền vững ở thị xã Phú Mỹ

Hiện nay, tại Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ. Điển hình là mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ ở thị xã Phú Mỹ đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, bền vững, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Anh Hồ Hoàng Kha tại xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chăm sóc vườn bưởi được canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Anh Hồ Hoàng Kha tại xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chăm sóc vườn bưởi được canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Vườn bưởi da xanh trồng được hơn 3 năm tuổi, rộng 2,8 ha của gia đình anh Hồ Sĩ Bảo, khu phố 1, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ đang dần chuyển qua chăm sóc theo phương pháp hữu cơ sinh học gần 1 năm nay. Nhờ theo đuổi quy trình sản xuất an toàn và hướng đến chuẩn hữu cơ nên vườn bưởi của anh Bảo phát triển xanh tốt, chất lượng, sự an toàn nên được thương lái và khách hàng đánh giá cao.

Mặc dù vườn bưởi hiện còn non và bắt đầu chuyển qua chăm sóc theo phương pháp hữu cơ sinh học khiến năng suất chưa cao nhưng theo anh Bảo, sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo được tính bền vững cho đất; vườn cây phát triển tốt và đảm bảo sức khỏe, an toàn về lâu dài cho người trồng cũng như người sử dụng.

Dù chỉ mới năm đầu tiên cho trái nhưng vườn bưởi 2,8 ha của gia đình anh Bảo đã cho thu hơn 2 tấn trái với mức giá ổn định trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng.

Anh Bảo cho biết, sản xuất theo phương pháp hữu cơ bằng được thực hiện bằng việc thay thế phân bón hóa học bằng phân bò ủ hoai và phân trùn quế, thuốc trừ sâu từ các chế phẩm vi sinh an toàn thân thiện với môi trường. Sản xuất sạch, đặc biệt là canh tác theo hướng hữu cơ thời gian đầu khó khăn và vất vả hơn vô cơ. Khi chuyển qua sản xuất theo phương pháp hữu cơ, cây bưởi chưa thể hấp thu ngay và nhanh với loại phân bón mới như phân vô cơ nên không thể cho ra nhiều trái như bình thường.

Nhưng sau gần 1 năm chăm sóc, đến nay, vườn bưởi của gia đình anh Bảo đã xanh tốt, phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hơn so với trước đây; nền đất thì tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn so với trước rất nhiều. Cùng đó, môi trường cũng được đảm bảo. Về lâu dài, cây ít bị bệnh tật và tuổi thọ của cây tăng lên. Mặc dù năng suất không cao nhưng chất lượng của trái bưởi được cải thiện - anh Bảo chia sẻ thêm.

Hiện nay, tại khu vực phía Nam, rất nhiều vùng bưởi lớn, có tiếng và luôn bán được giá nên nhiều người đổ xô trồng. Thế nhưng, do chạy theo số lượng nên chất lượng bưởi bị giảm sút.

Nhiều năm nay, thương hiệu bưởi da xanh Sông Xoài đã là trái cây có tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về mẫu mã cũng như chất lượng. Anh Hồ Sĩ Bảo mong muốn việc canh tác theo phương pháp hoàn toàn bằng hữu cơ sinh học hướng đến chứng nhận cho vườn bưởi của gia đình để một lần nữa khẳng định thêm về chất lượng của quả, tính bền vững trong phát triển và nhân rộng để hình thành vùng đất chuyên canh tại tỉnh.

Gia đình anh Hồ Hoàng Kha, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, sau gần 8 tháng chuyển dần 3 ha vườn bưởi sang canh tác theo phương pháp này cũng nhận thấy, trông hữu cơ không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất khi hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các loại phân, thuốc hóa học mà còn mang lại sản phẩm chất lượng, tốt cho môi trường; tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cây phát triển bền vững, lâu dài.

Thay vì sử dụng các sản phẩm hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, anh Kha chuyển sang sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai và các loại thuốc vi sinh. Để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ.

Sau thời gian chuyển đổi sang phương pháp canh tác mới, năng suất thời gian đầu có giảm, nhưng đến nay, vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh. Khi mới canh tác theo phương pháp hữu cơ, anh Kha rất bối rối khi cây bị sâu bệnh tấn công nên ngay lúc đầu không dám chuyển đổi toàn bộ diện tích mà phải làm từ từ để cây có thể thích nghi dần. Đây cũng là thời gian giúp anh dần thay đổi tư duy sản xuất cũ.

Hiện giá bán bưởi tại vườn thông thường được thương lái thu mua khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng vườn bưởi của gia đình anh Kha luôn bán được giá 35.000 đồng/kg và trong tình trạng không có hàng để bán. Với 3 ha bưởi sản xuất theo phương pháp hữu cơ, anh thu khoảng 75 tấn/năm (trước đây khoảng trên 80 tấn/năm).

Tuy năng suất giảm nhưng chất lượng và sự an toàn cho cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng đang ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, anh Kha có ý định mở rộng toàn bộ diện tích 10 ha bưởi theo hướng hữu cơ nhằm phục vụ nhu cầu thị trường.

Năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai 4 mô hình nông nghiệp hữu cơ trên 4 loại cây. Cụ thể, chuyển đổi trồng tiêu hữu cơ tại huyện Xuyên Mộc với diện tích khoảng 0,5 ha; cây ca cao tại huyện Châu Đức khoảng 0,5 ha; cây rau tại Đất Đỏ với diện tích 2.000 m2 và cây bưởi tại thị xác Phú Mỹ với diện tích khoảng 0,4 ha.

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang tiến hành chọn các hộ và diện tích đất để chuyển đổi sang hình thức trồng hữu cơ. Sau khi thực hiện các thủ tục kí kết, Chi cục tiến hành lấy mẫu đất và nước để xét nghiệm, kiểm tra và phân tích. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành đồng loạt thực hiện việc chuyển đổi.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù trên địa bàn đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng diện tích chưa nhiều. Trở ngại đầu tiên khi xây dựng nông nghiệp hữu cơ là thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận.

Trước thực tế này, ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và các thủ tục chuyển đổi, tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, cần đưa ra có chính sách khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua tập trung nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài. Ngoài ra, nên vận động các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ tạo liên kết với nhau, thành mô hình hợp tác xã có phương thức liên kết để bảo đảm thị trường tiêu thụ.

Hoàng Nhị

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ria-vung-tau-trong-buoi-huu-co-theo-huong-san-xuat-an-toan-ben-vung-o-thi-xa-phu-my-77162