Bà Suu Kyi công du: Thử thách sức mạnh Myanmar - Mỹ

Chuyến thăm Mỹ củng cố vai trò “nhà lãnh đạo thực tế” của bà Suu Kyi cũng như là phép thử mối quan hệ song phương trong chính sách xoay trục của Washington.

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ gặp gỡ Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 14/9 trong chuyến thăm tới Mỹ đầu tiên kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo Wall Street Journal (WSJ), động thái này sẽ khẳng định vai trò của bà Suu Kyi như nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cũng như tập trung thảo luận việc Washington đã sẵn sàng để dỡ bỏ những lệnh trừng phạt còn lại đối với Myanmar hay chưa. Chuyến thăm này của bà Suu Kyi cũng là tâm điểm những nỗ lực của ông Obama để củng cố sức ảnh hưởng của chiến lược xoay trục tại châu Á trong những tháng cuối cùng tại nhiệm.

Bà Suu Kyi tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào đầu tháng này. (Nguồn: AFP)

Nền tảng chuyến thăm

Cả hai bên đã đặt ra những nền tảng cần thiết cho chuyến thăm. Bà Suu Kyi vào tháng trước đã đến thăm Trung Quốc, láng giềng và đối tác thương mại quan trọng nhất của Myanmar. Động thái này nhằm khôi phục quan hệ giữa hai bên khi vài năm gần đây Myanmar nghiêng nhiều hơn về phương Tây sau những cải cách chính trị của chính quyền quân đội.

Nhằm đạt được nhiều sự ủng hộ của Mỹ về tiến trình dân chủ, NLD cũng đang nỗ lực giải quyết xung đột sắc tộc cũng như vấn đề người thiểu số Rohingya tại nước này.

Còn Mỹ, trong một nỗ lực để thúc đẩy thương mại và gửi tín hiệu tích cực tới Myanmar, đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế trong tháng 5 sau khi NLD thắng cử tháng 11/2015. Việc nới lỏng bao gồm giảm bớt sự hạn chế đối với các tổ chức tài chính của Myanmar (tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công dân Mỹ và người nước ngoài tới làm ăn tại Myanmar), loại bỏ bảy tập đoàn và 3 ngân hàng nhà nước của Myanmar ra khỏi danh sách đen thương mại của Mỹ và cho phép trung chuyển hàng hóa của Myanmar qua các cảng biển và cảng hàng không.

Nhiều mong đợi

Đầu tiên, theo nhiều quan chức Myanmar, bà Suu Kyi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rõ ràng hơn từ phía Mỹ đối với cách tiếp cận hiện nay về những căng thẳng đang diễn ra ở miền tây bang Rakhine.

Trong tháng này, bà Suu Kyi đã hội đàm với cựu thư ký LHQ Kofi Annan, người sẽ đứng đầu một Hội đồng tư vấn tại bang Rakhine giúp giải quyết xung đột sắc tộc hiện nay. Hơn 100 người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã bị giết hại tại Rakhine trong suốt cuộc bạo loạn sắc tộc vào năm 2012; hàng ngàn người Rohingya khác đã cố gắng để thoát khỏi xung đột trên những chiếc thuyền đến Malaysia hay Thái Lan.

Một số tổ chức nhân quyền đã hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Annan – người có thể giúp tiến trình điều tra xung đột thêm uy tín hơn. Tuy nhiên, vai trò của ông Annan hiện vẫn chưa rõ ràng và ông Obama có thể sẽ yêu cầu bà Suu Kyi bày tỏ rõ ràng hơn về cách thức giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế tại Rakhine.

Điều thứ hai, bà Aung San Suu Kyi sẽ thúc đẩy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ trong chiến lược xây dựng nền hòa bình bền vững của Myanmar. Hội nghị hòa bình Panglong thế kỉ 21 được tổ chức tháng trước vẫn chưa có được sự tham gia của đầy đủ các lực lượng nổi dậy cũng như chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên.

Bà Aung San Suu Kyi cũng có thể sẽ muốn chính quyền Obama, và các nhà đầu tư Hoa Kỳ hỗ trợ chiến lược kinh tế của NLD cũng như sẽ thúc đẩy Nhà Trắng tiếp tục nới lỏng lệnh trừng phạt với nước này như một tín hiệu ủng hộ rộng rãi hơn đối với tiến trình dân chủ của Myanmar. Mặc dù vẫn còn khá mơ hồ, chiến lược kinh tế mới của Myanmar dường như sẽ dành nhiều ưu tiên làm cho khu vực nông nghiệp của Myanmar, cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô, làm cho khu vực tài chính ổn định hơn, và giải quyết nạn tham nhũng.

Tuy nhiên, một số vấn đề kinh tế vô cùng quan trọng vẫn chưa có biện pháp rõ ràng, bao gồm các vấn đề tiếp tục thu hồi đất, và việc thiếu các luật sở hữu đất đai rõ ràng. Đồng thời, hiện cũng chưa có định hướng rõ ràng để giải quyết tình trạng nhiều nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Myanmar đang nắm quyền kiểm soát nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Myanmar. Dư luận Myanmar hi vọng rằng, tín hiệu tích cực từ Mỹ có thể là động lực cho các chương trình chính trị và kinh tế của nước này.

(Theo CFR, WSJ)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ba-suu-kyi-cong-du-thu-thach-suc-manh-myanmar-my-210176.html