Ba thách thức lớn

Chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, căng thẳng Mỹ - Iran chưa hạ nhiệt và nguy cơ bất ổn tài chính luôn hiện hữu là ba thách thức lớn mà các nền kinh tế trên thế giới đang phải đối mặt.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến “hao tài tốn của” giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất với kinh tế toàn cầu, trong khi mối lo ngại lớn hiện nay là triển vọng đàm phán và giải quyết mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn mờ mịt. Trong cuộc gặp cấp cao ở Nhật Bản gần đây, Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thỏa thuận hai bên tiếp tục “đình chiến thương mại” để khởi động lại vòng đàm phán mới. Ngày 19-7, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ R.Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin. Tuy nhiên, ngoài các cuộc điện đàm, hai bên chưa đưa ra lịch trình và bước đi cụ thể cho vòng đàm phán này. Trong khi đó, ông chủ Nhà trắng đang để ngỏ khả năng sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, nếu Mỹ áp đặt mức thuế quan mới, điều này sẽ “khiến lộ trình hướng tới việc đạt được một thỏa thuận sẽ càng kéo dài”.

Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa hạ nhiệt, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc cũng đang tạo ra các thách thức đối với kinh tế hai nước này và “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế khu vực. Các lĩnh vực thương mại, du lịch của Nhật Bản và Hàn Quốc đã “nhiễm lạnh” sau khi Tokyo áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Seoul. Theo đó, nhiều người dân Hàn Quốc đã tẩy chay hàng hóa và chương trình du lịch Nhật Bản. Công ty lữ hành Hana Tour, công ty du lịch có lượng khách mua chương trình du lịch nước ngoài số một Hàn Quốc vừa cho biết, kể từ sau ngày 8-7, số người đặt chương trình du lịch đến “xứ sở hoa anh đào” chỉ đạt một phần hai so với trước đây và hiện chỉ còn bình quân 500 người/ngày. Trong khi đó, lượng khách hủy đặt chương trình du lịch Nhật Bản của Công ty lữ hành trực tuyến Interpark Tour tăng tới 50% và số khách đặt mới cũng giảm còn một phần hai.

Thách thức lớn thứ hai với kinh tế thế giới là nguy cơ nổ ra cuộc chiến Mỹ - Iran. Những ngày gần đây, sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo với các quốc gia thành viên rằng, Iran đang làm giàu u-ra-ni tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc năm 2015, và giới chức Iran còn cảnh báo nước này có thể sẽ làm giàu u-ra-ni lên mức gần 20% trong thời gian tới, quan hệ Mỹ - Iran đã căng thẳng tới đỉnh điểm. Nguy cơ cuộc chiến Mỹ - Iran đã gây bất ổn cho các thị trường toàn cầu, khiến sàn chứng khoán nhiều phen “đỏ lửa”, trong khi giá vàng, giá dầu tăng vọt. Một khi “thùng thuốc súng” Iran không được tháo ngòi nổ, Trung Đông sẽ luôn đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tàn khốc đe dọa kinh tế khu vực và toàn cầu.

Ngoài hai thách thức lớn nêu trên, kinh tế thế giới còn đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng và bất ổn tài chính. Sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh, triển vọng kinh tế Mỹ bắt đầu ảm đạm. Trong khi đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố số liệu cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II-2019 đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm... Các nền kinh tế của khu vực Đông Á và Đông - Nam Á đều xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng khi xuất khẩu giảm sút.

Ngoài ra, các nguy cơ bất ổn tài chính vẫn hiện hữu. Dù cuộc khủng hoảng nợ công năm 2008 nay đã lùi xa, song nợ công vẫn luôn là “bài toán nan giải” với nhiều nền kinh tế lớn. Tổng nợ công của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục là 22 nghìn tỷ USD từ tháng 3 năm nay. Ở châu Âu, I-ta-li-a và Hy Lạp vẫn là các “mắt xích yếu” của kinh tế khu vực khi nợ công của hai quốc gia này tiếp tục tăng. Hy Lạp là nước có tỷ lệ nợ công tăng mạnh nhất trong các nước Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), từ 176,2% GDP trong năm 2017 lên 181,1% GDP năm 2018.

Một yếu tố nữa có thể gây bất ổn tài chính toàn cầu là một “cuộc đua lãi suất” đang manh nha. Sau khi lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây, hé lộ khả năng cơ quan này điều chỉnh lãi suất do kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện các nguy cơ suy giảm tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, một khi FED thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản cũng phải thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để bảo đảm khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của mình. Theo đó, một cuộc đua lãi suất có thể gây rối loạn cho thị trường tài chính thế giới và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế.

Ở thời điểm này, thế giới vừa ra khỏi một “thập kỷ mất mát” vì cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế nổ ra từ Mỹ, châu Âu từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, nếu ba thách thức nêu trên không sớm được giải quyết, rất có thể các nền kinh tế lại đứng trước ngưỡng của một cuộc khủng hoảng mới.

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40958302-ba-thach-thuc-lon.html