Bà Trà và sự hiển hách của một nữ khai quốc công thần duy nhất thời Nguyễn

Không nhiều người để ý, trong số 15 vị khai quốc công thần của triều Nguyễn buổi quốc sơ, có một người là 'Trà quận công phu nhân Trần thị', được triều Nguyễn sắc tặng vì có công cứu giá chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong một trận đánh. Đến nay, lăng mộ, miếu thờ của 'Trà quận công phu nhân Trần thị' vẫn còn được lưu giữ ở làng Diêm Trường (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Am thờ bà Trà ở đình làng Diêm Trường. Ảnh: T.L

Nữ khai quốc công thần

Bà Trà – Trà quận công phu nhân là tên của một nhân vật lịch sử “từ xưa lắm” được người dân làng Diêm Trường truyền kể với rất nhiều giai thoại khác nhau liên quan đến việc đánh giặc, bắt cướp lúc trên phá Tam Giang, lúc làm chủ quán ăn bên vệ đường... vô cùng ly kỳ và hấp dẫn.

Bất ngờ là sau một hồi say sưa kể chuyện, ông Bùi Ngọc – Trưởng làng Diêm Trường còn dẫn chúng tôi đi tham quan di tích am Bà Trà, một cái miếu nhỏ nằm ngoài trời như bao nhiêu ngôi miếu thờ những “bà cô” hay vong hồn lang bạt khác của người miền Trung. Chỉ khác bài vị ghi: “Phụng vị bổn thổ Vũ thụy Trà quận công phu nhân tôn thần”.

Theo ông Bùi Ngọc thì am Bà Trà cũ vốn tọa lạc tại vị trí nay đã bị ủi thành hồ, làm lò vôi. Trước đó năm 1963, do am xuống cấp nghiêm trọng nên dân làng cung thỉnh Bà về để thiết trí ngôi miếu nhỏ phía trước nhà thờ làng như hiện nay. Ngoài am thờ, tại làng Diêm Trường còn có lăng mộ Bà Trà và chồng, được người dân tái thiết vào năm 2013, theo dạng lục giác, bằng xi măng kiên cố và vẫn giữ lại hai tấm bia cổ mang phong cách Nguyễn, nổi bật họa tiết trang trí long, phụng trên trán bia.

Văn bia cho biết toàn thể chức sắc, thân hào, binh lính và dân chúng xã Diêm Trường kính ghi vào ngày tốt tháng 10 Đinh Hợi (1827 hay 1887, thuộc Hoàng triều - triều Nguyễn), cho ông là “Hoàng triều cáo thụ Chỉ huy sứ Thanh Hà quận Trương quý công, thụy Trung Lương” và bà là “Hoàng triều cáo thụ Chỉ huy sứ Kinh Triệu quận Trà quận công phu nhân, thụy Trinh Uyển”.

“Làng từng có 6 mẫu tự điền của Bà ở Lương Văn (Thủy Lương, Hương Thủy bây giờ) để lo cúng tế trọng thể với dấu tích được bảo lưu qua địa danh xứ “ruộng cúng cơm”. Từ cuối những năm 1970, bởi khó khăn nên lễ nghi có phần giản tiện, thường hiệp tế vào đại lễ thu tế và đông chí tảo mộ”- ông Bùi Ngọc cho biết.

Theo TS Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng Phân viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Huế, “Bà Trà” chính là một trong 15 vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và chân dung, công trạng của “Bà Trà” là vô cùng hiển hách.

“Đầu đội nón chóp, tay cầm giáo sắc, cưỡi voi ra trận...”

Theo “Đại Nam thực lục”, chuyện bắt đầu từ sự biến tháng 7 Tân Mùi (1571). Ba anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn ở Khang Lộc (Quảng Bình) cấu kết với họ Trịnh ở đàng Ngoài nổi loạn, định đánh úp Vũ Xương nên cho quân mai phục ở Minh Linh và Cầu Ngói (Hải Lăng, Quảng Trị).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng biết được, thân chinh ngầm đánh Mỹ Lương ở Cầu Ngói, sai phó tướng Trương Trà (bấy giờ xưng là Trà quận công) đánh Nghĩa Sơn ở Minh Linh. Giao tranh ác liệt, Mỹ Lương trốn chạy bị đuổi chém. Trương Trà tiến quân đến Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết.

“Vợ Trà là Trần thị (người xã Diêm Trường) nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Trịnh. (Thế là) dẹp hết đảng giặc. Chúa đem quân về. Phong Trần thị làm quận phu nhân”.

Trong “Khâm định Việt sử thông giám Cương mục” cũng ghi nhận sự kiện này một cách chi tiết, như nhấn mạnh “vợ Trương Trà, Trần thị, sôi sục căm thù, cải trang giả làm đàn ông, ra trận đốc chiến, bắn giết được Nghĩa Sơn”. Và còn cho biết Trương Trà là người Hoành Vân, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa và Trần thị là người Diêm Trường, huyện Phú Vinh (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế bây giờ).

Trong “Trịnh - Nguyễn diễn chí” cũng cho biết Văn Lan, Nghĩa Sơn đem quân đến mai phục ở xã Hương Da huyện Minh Linh, Quận Mỹ đóng quân ở Cầu Gạch thuộc xã Trà Trì huyện Hải Lăng. Lúc chiến sự, vợ Quận Trà được mô tả “đầu đội nón chóp, tay cầm giáo sắc, cưỡi voi ra trận đốc thúc quân sĩ đánh gấp để báo thù chồng”. Sau khi thắng trận, chúa Tiên “hậu thưởng cho Trần thị, ban hiệu là Quận Trà phu nhân, cấp bổng lộc, ơn sủng lụa tiền trọng hậu. Truyền lệnh an táng linh cữu quận Trà”.

Sau trận chiến đó, Bà Trà được triều đình ân điển huân công. Ngày 2.1. Gia Long 4 (tức 22.11.1805), vua đặc biệt ban chiếu khẳng định Trà quận công phu nhân là bậc nữ lưu, gánh vác chí lớn của kẻ trượng phu, đem thân lâm trận, bắn giết quân giặc rất cừ. Công lao to lớn vĩnh viễn lưu truyền, danh thơm chẳng mất.

Đến ngày thống nhất hải vũ, triều đình khảo cứu những sự tốt lành của các bậc thạc đức xưa, ghi vào điển chế các bậc anh tài có công trạng. Chuẩn theo Hội nghị Công đồng định lệ cho Bà được dự tòng Khai quốc Công thần đệ nhị cấp, cho 1 hậu duệ chánh phái họ Trương giữ chức Thứ đội trưởng, cấp cho sái phu, ruộng thờ cúng theo cấp bậc.

Nhờ đó, chuẩn cho Trương Văn Chuột (xã Diêm Trường, tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong) là hậu duệ họ Trương làm Thứ đội trưởng, tước Thuật Tài bá, coi sóc thờ tự Bà, được miễn nạp thuế, quy tập 3 suất dân ở ngoài làng làm sái phu (chuẩn được miễn việc tòng quân).

Hằng năm, chỉnh sửa sổ bộ gia đình gửi lên quan có thẩm quyền để lãnh nhận bằng cấp. Lại cấp cho 6 mẫu ruộng thờ, gồm 2 mẫu nhất đẳng điền, 2 mẫu nhị đẳng điền, 2 mẫu tam đẳng điền. Theo lệ, hậu duệ phải gửi đơn trình bẩm lên quan Hộ bộ để được xét cấp theo thứ hạng. Mỗi năm đều được miễn tô thuế, và nhận cấp tiền, vật hạng để cúng tế thờ phụng. Lại được đời đời nối tiếp tập ấm, ghi vào điển chế thờ tự vĩnh viễn.

Chưa đánh giá và vinh danh đúng tầm

Theo TS Trần Đình Hằng, sự kiện chúa tôi họ Nguyễn vào Nam năm Mậu Ngọ (1558) trong bối cảnh lịch sử đương thời có thể coi là một bước mạo hiểm, dấn thân vào một vùng tử địa, qua nút thắt Hoành Sơn trong hành trình độc đạo đi về phương Nam của dân tộc.

Tuy nhiên, với tài năng chính trị lỗi lạc của chúa Tiên và bề tôi giúp đỡ, dù trải qua một hành trình dài cam go, tử địa đó đã được chuyển hóa, trở thành sinh lộ cho cả quốc gia dân tộc đi về phương Nam. Chiến lược nhân tâm cao cả đã giúp chúa Nguyễn chuyển hóa những yếu tố văn hóa bản địa phi Việt vốn xa lạ trở lại phò trợ cho chính thể mới cũng như khuếch trương những yếu tố Việt ra đi từ cố hương, nhất là trong vai trò “Trung nghĩa quân” của cộng đồng Thanh - Nghệ.

Qua khảo sát nhiều trường hợp cụ thể trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở vùng Thuận Hóa xưa, TS Trần Đình Hằng cho rằng tài năng của Chúa Tiên đã thấy được ở đó sức mạnh cố kết nhân tâm một cách thiết yếu cho ông lúc đang mưu cầu nghiệp bá, xây dựng chính thể mới, trên vùng đất mới.

Nguyên tắc "thiêng hóa" và sự khẳng định yếu tố bản sắc - bản địa hóa được thể hiện rõ nét từ cấp độ các làng xã cho đến vùng miền, và sau cùng là quốc gia lãnh thổ. Tất cả nhằm giúp khẳng định tính chính danh và vấn đề nhân tâm của họ Nguyễn, là hợp lòng Người, thuận ý Trời, khi được cả người và thần đều ra sức ủng hộ.

Cũng theo TS Trần Đình Hằng, phải xem xét sự kiện liên quan tới chiến công của Trà Quận công và Trà Quận công phu nhân trong bối cảnh lịch sử đương thời, mới thấy hết được tính chất đặc biệt quan trọng của nó.

Chúa tôi họ Nguyễn vào Ái Tử từ năm Mậu Ngọ (1558) và phải chống chọi với vô vàn khó khăn, nhất là bị kẹp giữa sức ép của dư đảng nhà Mạc, thổ tù và áp lực từ phía Lê - Trịnh, mà vẫn chưa có trận thắng nào để kịp động viên, làm nức lòng tướng sĩ. Sự liên minh giữa quân Lê - Trịnh và các thế lực chống đối tại địa phương là một dạng thù trong giặc ngoài theo lối nội công ngoại kích, đe dọa sự an nguy của Ái Tử vốn còn nhiều nan giải khi bị cô lập bởi cánh quân mai phục ở Cầu Ngói (Hải Lăng) đánh thốc từ phía nam ra và trận địa phục binh ở Phúc Thị (Gio Linh hiện nay) từ phía bắc vào.

Cũng cần lưu ý là năm Canh Ngọ (1570), chúa Nguyễn Hoàng vừa trở về từ miền Bắc sau một thời gian dài “đánh đông dẹp bắc” trong vai trò “con tin”, bắt đầu thực hiện cuộc cải cách hành chính đầu tiên, dời dựng thủ phủ... thì chỉ một năm sau, đã diễn ra cuộc tạo phản dẫn tới chiến công rỡ ràng của ông bà Trà Quận công. Ngoài chiến thắng trên sa trường, chiến công của Bà Trà còn có ý nghĩa phò giá Chúa Tiên buổi đầu đầy gian nan, nên mới được hiếm hoi ân điển dự hàng Khai quốc công thần tiền triều.

Đáng tiếc là công lao đặc biệt, sự hiển hách của Bà Trà lại không được hậu thế đánh giá đúng tầm. Năm 2018 này là tròn 460 năm chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào nam mở cõi (1558 - 2018). Để ghi nhớ công ơn tiền nhân và giáo dục hậu thế, quốc gia dân tộc nói chung và Thừa Thiên Huế, huyện Phú Lộc, xã Vinh Hưng, làng Diêm Trường nói riêng cần có phương thức vinh danh công lao đặc biệt của Bà Trà một cách xứng đáng, phù hợp.

hoàng văn minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ba-tra-va-su-hien-hach-cua-mot-nu-khai-quoc-cong-than-duy-nhat-thoi-nguyen-614184.ldo