Bà Tư và mô hình thiện nguyện mới: Dựng đời trẻ trong nụ cười

Những đứa trẻ thất học ở một xóm nghèo, vùng ven TP.HCM, nhờ có những tấm lòng, mà bọn trẻ không bỏ học nửa chừng, để các em được lớn lên trở thành một người bình thường, tử tế…

Sài Gòn mùa mưa, những cơn mưa trắng trời, có khi sụt sùi, rả rích cả ngày. Không còn một “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng” trong lành. Nó khiến người ta có cảm giác “biến đổi khí hậu” đã đến rất gần, không phải đâu đó trên tivi hay thời gian nào xa xôi, chưa chạm đến mình.

Đường Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM dẫn vào một khu xóm nghèo thuộc ấp 2 vẫn ngập, lầy lội, ổ gà ổ voi như suốt chục năm trước. Đi sâu vào con hẻm đất quanh co với số nhà số hẻm lộn xộn, cuối đường là khu mồ mả, nhưng cũng là nơi quy tụ nhiều mảnh đời dân nhập cư, công nhân. Cả khu vực này, dù là dân địa phương hay nơi khác tới, đa số đều nghèo, học thấp, thường chưa hết cấp 1.

10 năm qua, ngôi nhà của bà Tư đã cưu mang 101 trẻ bất hạnh.

Trong ngôi nhà cấp 4, có rất nhiều đứa trẻ ăn ngủ, sinh hoạt ca hát, ôn bài, học tiếng, kỹ năng, cùng những ý tưởng, dự án bảo vệ môi trường, làm vườn rau sạch,… Sôi nổi nhất là vào những ngày Chủ nhật. Mỗi em nhỏ là một số phận, không mồ côi cha thì mồ côi mẹ, hoặc con nhà nghèo; có em là nạn nhân của bạo hành gia đình, xâm hại tình dục... Nhiều cha mẹ các em cũng bị cái nghèo vây bủa, thất nghiệp, nợ nần...

Ngôi nhà thiện nguyện

“Tụi con muốn cải tạo vườn nhà bà Tư thành một khu vườn bảo vệ môi trường, trồng cây to lấy bóng mát, làm giàn cây khổ qua, gấc, chanh dây, còn bên dưới trồng rau ăn, trồng quế sả đuổi ruồi muỗi, trồng cây lưỡi cọp để lọc không khí cả ngày lẫn đêm” - Hồng Phúc hào hứng kể.

Dự án, được thực hiện bởi năm bạn nhỏ tuổi từ 12 - 14, gồm Hồng Phúc, Minh Tuấn, Huỳnh Thy, Minh Đạt, Ngọc Hân “chủ trì”, đã giành được 5.000 USD tài trợ từ một công ty giáo dục ở Mỹ, đang chờ giải ngân. Các em bảo sẽ cần rất nhiều đất tôn nền, để mỗi khi mưa thì nước ngoài đường không tràn vô vườn gây ngập úng. Nhóm em nhỏ này mời thêm hai kỹ sư nông nghiệp, các anh chị tình nguyện viên, người dân xung quanh, và tất cả bọn trẻ con trong nhà sẽ cùng làm với chúng.

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Ảnh: CEPORER

Dự án này được hình thành từ kết quả lớp học kỹ năng “cây vấn đề”, nhằm kích thích khả năng nhận diện và giải quyết vấn đề của tụi nhỏ. Tất nhiên trước đó chúng cũng đã rất hào hứng đi tìm hiểu hiện trạng ổ voi ổ gà ngoài lộ dễ gây tai nạn, nước rác ô nhiễm ngoài đường trôi ngập vô nhà mỗi khi mưa. Rồi làm bảng câu hỏi, đi phỏng vấn người dân xung quanh. Nhưng chúng là trẻ nhỏ, không thể đi vá đường hay làm cống thoát nước giải quyết vấn đề được. Sau nhiều phép thử ngồi vẽ, bàn, tính với nhau cả tháng trời, chúng quay về chính ngôi nhà vẫn sinh hoạt mỗi ngày.

Ngôi nhà bà Tư - với nhiều đứa nhỏ khác thì gọi thân mật là ngoại - là nơi buổi sáng đón bọn nhỏ tới ăn sáng rồi đi học, về ăn trưa, ngủ trưa, tối mới về với gia đình. Đây cũng là nơi chúng được ca múa, đóng kịch, thảo luận qua những lớp học kỹ năng theo chủ đề, tùy độ tuổi như: phòng tránh bị xâm hại tình dục, an toàn mạng, bóng cười, nghiện - chất gây nghiện, hướng nghiệp, các bài học STEAM (phương pháp học trải nghiệm thực hành) về dinh dưỡng sức khỏe, năng lượng, thiên nhiên, toán học, khoa học, nghệ thuật,... Từ ngôi nhà, chúng được đi khám sức khỏe định kỳ, khám tâm lý, điều trị tâm lý; được hỗ trợ tiền học và theo sát việc học.

Cha mẹ của các em cũng tham gia các lớp tập huấn. Là cam kết “Con cần gì, mình học nấy”. Để không còn những quan niệm “con tui tui đánh, nhà nước không có quyền”, “tụi tui thấy nó cứ úp mặt vô net tụi tui mừng lắm”, thậm chí “con người nào xui mới bị xâm hại, chứ con tui không có đâu”... Nhưng cơm áo mưu sinh vẫn oằn nặng trên vai người lớn. Chạy lo mỗi ngày. Vậy nên ngôi nhà làm thêm việc hỗ trợ vốn, dù mỗi người chỉ một vài triệu đồng. Đó là hình thức sắm xe đẩy cho một bà mẹ thất nghiệp bán cà phê, nước trái cây. Có khi thì đứng ra nhận làm sổ tiết kiệm cho phụ huynh, mỗi ngày họ đến góp vài chục ngàn đồng, gom lại để trả nợ mỗi tháng...

Kỳ vọng một lối ra

Để duy trì được những hoạt động này, khó. Bà Tư như con kiến tha mồi về tổ từng chút một, có khi chỉ vài chục ngàn đồng, như “nuôi” con mọn. Mỗi em ở đây đều được bà Tư đi tìm cho một nhà hảo tâm đỡ đầu đến khi em ra đời và có việc làm ổn định. Nguồn tài trợ chủ yếu là từ Hội Huynh đệ Âu Á (Fraternite Europe Asie - FEA), với khoảng 400 ngàn đồng/em/tháng. Còn lại, bà dựa vào các kết nối khác, từ những cá nhân khác. Trong đó đòi hỏi sự hợp tác, tự nguyện của chính các em và gia đình, và chịu sự giám sát từ những đối tác hỗ trợ.

Công việc thiện nguyện của bà Tư giờ đã có sự tiếp nối của con gái Lã Hồng Anh Thư và cháu ngoại. Ảnh: Lê Quang Nhật

Nhờ vào sự kết nối với các tổ chức phi chính phủ, trường học, chia sẻ của doanh nghiệp, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF),... và nhất là sự theo sát của các tình nguyện viên, mà hoạt động cho các em được duy trì. Khó hơn nữa là nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và duy trì của người thân những đứa trẻ. Không phải lúc nào cũng thuận như kỳ vọng.

Ngôi nhà bà Tư chỉ là nơi bảo trợ, giúp các em được đến trường, tạo một môi trường an toàn và lành mạnh cho các em. Bà Tư bảo, dù các em mồ côi hay bị bỏ rơi thì vẫn cần được sống gần với gia đình, người thân; vẫn cần tình thương từ gia đình. Trừ trường hợp trẻ bị bạo hành ghê gớm trong gia đình, bà mới đưa về nhà nuôi. Vì ai cũng cần có cha, có mẹ, cội nguồn.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Trường Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, nơi đã hỗ trợ và kết nối bà Tư với nhiều bên, nói với chúng tôi rằng: đây là một mô hình trong tương lai cho công tác xã hội với trẻ. Thực tế hiện nay đang đặt lại câu hỏi về hiệu quả của mô hình mái ấm nuôi dạy trẻ. Vì vậy, việc vẫn cho trẻ ở cộng đồng, còn tổ chức cắm ngay cộng đồng đó, hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu của trẻ ngay tại cộng đồng đang là lối ra kỳ vọng. Tại Sài Gòn hiện đã có một vài tổ chức/nhóm đang hoạt động theo mô hình này.

Mười năm hoạt động, trong đó có gần 7 năm hoạt động với danh nghĩa chính thức là Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn, ngôi nhà của bà Tư đã đưa được lứa trẻ đầu tiên, khi còn lẫm chẫm tập đi nay đã học lên được cấp 3. Có em thì ra đời sớm hơn, đi làm với dự định sẽ quay lại học tiếp khi có điều kiện. Có em đã tốt nghiệp được đại học, cao đẳng; có em vừa đi làm vừa học online thêm ngành quản trị kinh doanh, học vẽ,...

Các bạn nhỏ cắt dán mô hình dự án Vườn rau và tập thuyết trình trước nhà tài trợ. Ảnh: CEPORER

Như Hằng, mồ côi cha từ năm 3 tuổi, sống với mẹ và chị gái, vừa tốt nghiệp cấp 3. Hiện đang thử việc tại siêu thị Bách Hóa Xanh, Hằng bảo rằng “nếu không có bà Tư, chắc em đã bỏ học từ năm lớp 10”. Ngày đi học, tối phụ quán cafe, giờ Hằng muốn đi làm kiếm tiền, tự nuôi được bản thân mình, dành một số tiền để sau này làm được việc mình yêu thích.

Để được những điều giản dị như thế, học hành, lớn lên, trở thành một người bình thường, lễ phép, tự tin, với những đứa trẻ ở xóm nghèo này, là cả một quá trình vật lộn, giành giật không chỉ vì cơm áo gạo tiền mà còn vì đời sống tinh thần, môi trường sống của các em.

Tiếp nối

Bà Tư trong câu chuyện này là bà Hồng Tô Huệ Lan, Giám đốc Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn. Căn nhà cấp 4 của gia đình bà cũng là nơi hoạt động của Chi hội, là ngôi nhà thứ hai của bọn trẻ suốt 10 năm qua. Ngôi nhà của bà cũng đã và đang cưu mang nhiều gia đình của trẻ gần chục năm nay.

Ngoài những khoản tiền tìm tài trợ được dùng toàn bộ cho việc học, chăm sóc các em, thì gia đình bà Lan tự bỏ tiền ra hàng tháng lo ăn uống, sinh hoạt cho các em. Cả Chi hội làm việc, không ai có lương. Chỉ mới một năm nay, nhờ khoản hỗ trợ từ một tổ chức nước ngoài, bà Lan đã có thể trả lương 4 triệu đồng/tháng cho một cô chăm sóc trẻ. Những khoản phát sinh khác, gia đình bà tự lo. Vì vậy Quỹ khẩn cấp ra đời, từ đóng góp lương của chồng bà (một chuyên gia tư vấn nông nghiệp) và khoản trích tiền lương của người con gái út, từ việc kinh doanh làm bánh, cơm văn phòng của cô con gái lớn. Mỗi tháng cũng phải trên dưới 10 triệu đồng mới đủ...

Nhiều bạn nhỏ lần đầu tiên được ra biển chơi. Ảnh: CEPORER

Bà Lan nói bà may mắn được gia đình chia sẻ. Duyên nợ gắn bà với số phận trẻ em đến từ rất sớm, khi bà còn là một cô bé con nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi lem luốc trên đường phố Sài Gòn. Sau hơn 20 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh, bà chuyển sang làm việc tại Trung tâm mồ côi Khánh Hội (bộ phận học bổng) và trở thành phó giám đốc trung tâm. Đến năm 2011, bà Lan chuyển sang làm việc với Hội Huynh đệ Âu Á Việt Nam. Đầu năm 2012, bà về Hóc Môn, một vùng ven còn ít các tổ chức xã hội cắm chốt, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và phụ huynh của các em.

Có một điều cảm động. Lớn lên trong môi trường thiện nguyện của gia đình, cô con gái lớn của bà, Lã Hồng Anh Thư đang có hướng tiếp nối con đường của má. Sau nhiều năm làm việc bên ngoài, hiện chị đã về cùng gia đình, cùng má chăm lo bọn trẻ. Tất nhiên, với bệnh tim của mình, bà Lan cũng đang tìm đào tạo thêm người tiếp tục công việc cùng Anh Thư.

Đã mười năm qua, ngôi nhà ấy đã cưu mang 101 trẻ, và có 4 em bỏ ngang việc học, có em dở dang phải làm mẹ ở tuổi 14. Anh Thư, một bà mẹ trẻ hiền lành, hay cười khi nói chuyện, đã nói với chúng tôi rằng, lúc ấy khiến chị và má ray rứt. Bỗng thấy hoang mang, tự hỏi liệu mình đã mang đến những điều các em cần, hay đó chỉ là điều mình muốn? Nhưng ngã thì đứng dậy đi tiếp. Một bảng câu hỏi khảo sát lại nhu cầu các em và phụ huynh, là dự tính gần. Còn tương lai xa, để tổ chức ổn định hơn, Thư nói, chị đang mày mò tìm hiểu làm mô hình doanh nghiệp xã hội song song và độc lập với Chi hội.

Con đường còn dài, chắc chắn nhiều khó khăn trong đặc thù công việc và bối cảnh xã hội hiện nay. Nhưng có niềm tin, dù nhọc nhằn, thì ắt cánh cửa sẽ mở, cho mỗi phận đời…

"Bà đỡ", cầu nối cho những vấn đề cộng đồng

Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn là một trong rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận địa phương hoạt động qua sự hỗ trợ, kết nối của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (LIN) với nhà tài trợ và tình nguyện viên chuyên môn. LIN là trung tâm nguồn duy nhất dành cho các cá nhân và tổ chức cam kết giải quyết những vấn đề cộng đồng ở miền Nam Việt Nam. Sau 10 năm hoạt động, LIN đã hỗ trợ được 350 tổ chức phi lợi nhuận, kết nối 1.828 tình nguyện viên với các tổ chức này, tổ chức thành công 6 sự kiện hợp tác đa phương.

Thực tế cho thấy, có hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận vẫn đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những nhóm người dễ bị tổn thương. Các tổ chức này dù trong lĩnh vực nào (trẻ em, môi trường, giảm nghèo đói, giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường, người khuyết tật, bình đẳng giới, bảo tồn động vật hoang dã,...) cũng đều có nhu cầu hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và nhân sự để cải thiện hoạt động.

Trong khi đó, xã hội luôn có các nhà tài trợ cá nhân và doanh nghiệp tìm cách tham gia vào hoạt động từ thiện phát triển, và/hoặc đẩy mạnh các chương trình tham gia vào cộng đồng ở Việt Nam; các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang tìm kiếm đối tác địa phương; các nhà nghiên cứu và cá nhân đang nghiên cứu về phát triển cộng đồng và vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam.

Sự kết nối giữa các bên giúp kêu gọi những người có chung chí hướng, tập hợp hiệu quả những nguồn lực hiện có và cùng đầu tư vào các dự án giải quyết các thách thức, vấn đề nổi cộm ở địa phương. Thông qua các dự án, người hưởng lợi cuối cùng là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương chưa được tiếp cận một cách bình đẳng với các cơ hội. Những nhóm đối tượng này bao gồm: người nhập cư không có giấy tờ tùy thân, người khuyết tật, dân nghèo thành thị, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những nhóm người có khả năng bị phân biệt đối xử.

“LIN nhắm đến hỗ trợ những nhà lãnh đạo và những người giải quyết vấn đề trong cộng đồng. Họ là những người không chờ đợi người khác giải quyết các thách thức thực sự, mà chủ động đưa ra sáng kiến để làm điều đó”, ông Phạm Trường Sơn, Phó giám đốc LIN cho biết.

Bài và ảnh: Lê Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ba-tu-va-mo-hinh-thien-nguyen-moi-dung-doi-tre-trong-nu-cuoi-20674.html