Ba vấn đề về công tác tư pháp được cử tri nhìn nhận, đánh giá cao

Không chỉ cơ quan thẩm tra mà các đại biểu đều có thống nhất đánh giá: Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên; hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

Năm 2018 chưa phát hiện án oan

Thảo luận tại hội trường, nhiều Đại biểu (ĐB) đồng tình với Báo cáo thẩm tra của UBTP về công tác của ngành TAND. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, những diễn biến phức tạp của tình hình nhưng các cơ quan tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là điều rất đáng ghi nhận.

Năm 2018 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Đặc biệt, TANDTC đã tiến hành công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm; bố trí lại phòng xử án theo yêu cầu cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình ủng hộ.

ĐB Nguyễn Thái Học - Phú Yên cho rằng, trong năm 2018 có 3 việc mà cử tri nhìn nhận, đánh giá cao.

Đó là: Công tác kiện toàn, củng cố, chăm lo đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp được chú trọng. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực thi công vụ cũng như phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm, tạo được niềm tin trong nhân dân; Việc nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, tuy tố, xét xử, thi hành án theo tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, chống oan sai, chống lọt tội phạm. Có thể nói quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

ĐB Nguyễn Thái Học - Phú Yên

Cuối cùng là sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp. Nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

ĐB Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc cũng nhận xét, năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, ĐB cũng chỉ ra một số những tồn tại cần khắc phục. Đó là, việc xử lý mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.

Cần chú trọng giải pháp công tác cán bộ

Qua nghiên cứu báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TANDTC và VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018.

Nhiều ĐB đánh giá, thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của hai cơ quan này ngày càng nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp; số lượng các đơn đề nghị kiểm tra xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao, kể cả khi đã có kết luận vụ việc được giải quyết đúng pháp luật hoặc không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì đương sự vẫn không đồng ý,…làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chiều hướng tăng và phức tạp.

Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà - Ninh Thuận, một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt thấp là do đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu về số lượng và và cả kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Dẫn ra việc, báo cáo thẩm tra, các báo cáo giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo của ngành TAND và ngành KSND năm 2018 của UBTP Quốc hội cho thấy chưa ban hành quy trình quản lý thống nhất các vụ, việc; chưa ban hành các kỹ năng giải quyết đơn; kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của việc kéo dài thời gian giải quyết và chậm trả lời cho đương sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Thực tế, vụ án dân sự khi đang được đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chưa có kết quả giải quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì tâm lý của đương sự sẽ không đồng ý thi hành án, như vậy sẽ làm cho việc thi hành án bị kéo dài gây khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thi hành. Trường hợp vẫn thi hành án thì đương sự sẽ tiếp tục khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan thi hành án dân sự hoặc khiếu nại, tố cáo chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ…ĐB cho biết.

Từ kết quả thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà - Ninh Thuận đề nghị: các ngành cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và tích cực hơn nữa nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhất là nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm trong thời gian tới. Trong đó, cần đặc biệt chú ý về giải pháp công tác cán bộ cũng như thực hiện phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao. Về Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC năm 2018, đa số các ý kiến cho rằng năm 2018 công tác xét xử của TAND các cấp đã đạt kết quả khả quan. Mặc dù số lượng vụ án thụ lý tăng nhiều hơn so với 2017 nhưng tỷ lệ giải quyết án đạt tỷ lệ cao, trong thời hạn luật định. TANDTC đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin trong công khai bản án, tiếp nhân đơn thư,…Năm qua không phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà các Tòa án đưa ra tương xứng với hành vi phạm tội, đúng người, đúng pháp luật và không để lọt tội phạm. Tỷ lệ bản án bị hủy sửa do lỗi chủ quan của Tòa án tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ. Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng còn nhiều,…Đề nghị TANDTC tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/ba-van-de-ve-cong-tac-tu-phap-duoc-cu-tri-nhin-nhan-danh-gia-cao-276160.html