Ba Vì, Hà Nội: Dự án 'ì ạch', 8 năm dân vẫn dài cổ chờ nước sạch

Dự án (D.A) Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã bị thu hồi đất thực hiện D.A mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã lân cận, được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2011, giao UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư, nhưng đến nay, D.A phải chuyển đổi chủ đầu tư, dân vẫn chưa có nước sạch dùng; Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm tại D.A này.

Trách nhiệm của UBND huyện Ba Vì không hề nhỏ trong việc để dân mòn mỏi chờ nước sạch. Ảnh: TK

Trách nhiệm của UBND huyện Ba Vì không hề nhỏ trong việc để dân mòn mỏi chờ nước sạch. Ảnh: TK

Xuất phát từ thực tế “khát” nước sạch của người dân huyện Ba Vì, mặc dù là công dân Thủ đô nhưng chỉ có một phần nhỏ dân số thị trấn Tây Đằng và vài xã phụ cận đang được sử dụng nước sạch, ngày 4/5/2011, UBND TP Hà Nội có Quyết định 2019/QĐ-UBND phê duyệt D.A Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã bị thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã lân cận, giao UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư.

Mục tiêu là cung cấp nước sạch cho 4 xã (Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh và Vật Lại) bị mất đất xây dựng nghĩa trang, các xã vùng lân cận (Đồng Thái, Tản Lĩnh) bị ảnh hưởng bởi bãi rác khu vực, thị trấn Tây Đằng và Trung tâm xã hội 07 của thành phố; công suất thiết kế đến năm 2020 là 14.600m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 358.273 triệu đồng (ngân sách thành phố hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư, phần còn lại ngân sách huyện Ba Vì đầu tư); thời gian thực hiện D.A từ năm 2011 - 2013.

Đến tháng 11/2017, D.A vẫn chưa hoàn thành; UBND thành phố đã có Thông báo kết luận số 1229/TB-UBND ngày 17/10/2017, trong đó chấp thuận cho phép chuyển đổi chủ đầu tư D.A từ UBND huyện Ba Vì sang Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước và Môi trường Ba Vì.

Như vậy, sau gần 8 năm triển khai D.A, người dân vẫn chưa có nước sạch dùng, cùng với việc chuyển đổi chủ đầu tư thì liệu cơn “khát” nước sạch của người dân đến bao giờ mới được giải quyết.

Mới đây, Thanh tra Hà Nội đã thanh tra dự án trên, qua đó phát hiện và chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong phân bổ, bố trí vốn đầu tư cho D.A, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lập và thẩm định dự toán…; trong đó chỉ rõ trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Ba Vì, đơn vị tư vấn đầu tư và đơn vị thi công.

Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND huyện Ba Vì không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố tại Quyết định số 2091/QĐ-UBND ngày 4/5/2011, vì tại thời điểm 30/6/2011, trên địa bàn huyện Ba Vì chưa có quy hoạch xây dựng cấp nước sạch nông thôn, nhưng UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán (ngày 10/6/2014, UBND huyện Ba Vì mới có Quyết định số 596/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn huyện Ba Vì, giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030).

D.A do UBND huyện Ba Vì lập, được các ngành của thành phố thẩm định phê duyệt không phù hợp với định hướng xã hội hóa ngành cấp nước sạch nông thôn theo quy định tại Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ, vì không đề cập đến việc giao đơn vị quản lý, khai thác sau khi D.A hoàn thành; đồng thời, nguồn nước sạch để cung cấp cho D.A được lấy từ nguồn nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây, sau khi được UBND thành phố phê duyệt cho đầu tư nâng cấp công suất, nhưng không thực hiện được (hiện nay đang bị dừng việc đầu tư nâng cấp) là thiếu căn cứ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến D.A phải dừng và chuyển chủ đầu tư.

Việc phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho D.A còn chậm, không đảm bảo nguồn vốn thực hiện. Tính đến năm 2013 (thời điểm hoàn thành D.A), nhưng UBND thành phố mới chỉ bố trí được 28.250/179.167 triệu đồng; UBND huyện Ba Vì cũng chưa bố trí được nguồn vốn theo tiến độ D.A. Hiện nay, tổng nguồn kinh phí thực hiện D.A ngân sách thành phố chỉ bố trí được để chi trả khối lượng hoàn thành là 90.432 triệu đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến D.A phải dừng và chuyển chủ đầu tư.

Trong công tác lập, thẩm định dự toán, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán đối với công trình xảy ra tồn tại, thiếu sót do áp dụng hệ số nhân công và việc thanh toán khối lượng không đúng hơn 832 triệu đồng.

Kiểm tra chiều dài tuyến ống và chủng loại vật tư, vật liệu đưa vào công trình 7 tuyến ống thì có 2 tuyến thừa chiều dài, 4 tuyến thiếu chiều dài.

Chánh Thanh tra thành phố đã ban hành quyết định thu hồi số tiền hơn 832 triệu đồng nói trên chờ xử lý. Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Ba Vì, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện D.A; giao UBND huyện Ba Vì rà soát khối lượng thi công thực tế, trên cơ sở đó điều chỉnh bản vẽ hoàn công, điều chỉnh giá trị quyết toán trước khi bàn giao tài sản cho Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước và Môi trường Ba Vì; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn UBND huyện Ba Vì, Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước và Môi trường Ba Vì thực hiện bàn giao tài sản theo quy định.

Mặc dù những tồn tại trong việc triển khai D.A thuộc về lãnh đạo UBND huyện Ba Vì nhiệm kỳ trước, nhưng trao đổi với phóng viên, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm cũng không thoái thác trách nhiệm, ông cho biết, UBND huyện đang tích cực thực hiện những nội dung Thanh tra thành phố kiến nghị và đang chờ hướng dẫn cụ thể của thành phố để bàn giao tài sản cho Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước và môi trường Ba Vì triển khai D.A, để nhân dân sớm có nước sạch dùng.

Trần Kiên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/ba-vi-ha-noi-du-an-i-ach-8-nam-dan-van-dai-co-cho-nuoc-sach_t114c1002n134417