Ba Vì phát triển thể thao quần chúng

Việc đưa phong trào 'Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại' gắn với phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' tại Ba Vì đã và đang đạt kết quả tốt. Phong trào thể dục - thể thao (TDTT) phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Đấu vật dân tộc tại Lễ hội Đình Trúc Lâm xã Đồng Thái.

Đấu vật dân tộc tại Lễ hội Đình Trúc Lâm xã Đồng Thái.

Thu hút đông đảo người dân tham gia

Những năm qua, trên địa bàn huyện Ba Vì, phong trào TDTT được duy trì khá nền nếp trong mọi tổ chức xã hội, người dân, nhất là thanh thiếu niên, người cao tuổi và công nhân lao động… Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện đã được địa phương quan tâm. Việc quy hoạch các sân bãi tập luyện TDTT cho Nhân dân là một trong những tiêu chí để được công nhận là đơn vị, xã văn hóa, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động TDTT, góp phần bảo đảm sức khỏe đời sống tinh thần và thể chất cho Nhân dân.

Theo số liệu thống kê năm 2018, trên địa bàn huyện Ba Vì, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tính theo dân số huyện đạt 23,5%. Toàn huyện hiện có 9.707 gia đình thể thao, 115 câu lạc bộ (CLB) thể thao được thành lập và thường xuyên luyện tập như CLB bóng bàn, bóng đá, quần vợt, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, vật dân tộc, đua thuyền rồng, thái cực quyền và các vũ điệu thể thao...

Phong trào TDTT trong trường học được nâng cao. Định kỳ hàng năm, ngành GD&ĐT huyện đều tổ chức cho học sinh tham gia các giải thể thao học sinh như bóng đá, điền kinh, cầu lông, cờ tướng...; tham gia giải chạy Vì hòa bình, giải chạy báo Hànôịmới thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Đội ngũ vận động viên thành tích cao của huyện ngày càng đông đảo và giành được nhiều thành tích trong các giải đấu quốc gia và TP. Riêng năm 2018, tham gia các giải thể thao quốc gia và TP, đoàn vận động viên của huyện Ba Vì đã giành được 12 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc và 15 huy chương Đồng. Ba Vì cũng là 1 trong 6 đơn vị được nhận cờ tại Giải chạy Vì hòa bình năm 2018 cấp TP.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì Bùi Trần Hà cho biết: Huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình tập luyện thể thao phục vụ Nhân dân. Kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT phong trào được đảm bảo. Hiện trên địa bàn huyện Ba Vì có 43 sân vận động ngoài trời; hơn 600 sân cầu lông; hơn 200 sân bóng đá, bóng chuyền... phần nào đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của Nhân dân. 100% các xã, thị trấn có kế hoạch để quy hoạch quỹ đất dành cho TDTT. Hiện nay, 100% các thôn tại các xã có nhà văn hóa với sân tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu hoạt động TDTT cho đông đảo quần chúng Nhân dân ở địa phương.

Gắn thể thao với hoạt động lễ hội

Ba Vì là vùng đất cổ với nhiều di tích lịch sử văn hóa và cũng là vùng đất của lễ hội. Vào dịp đầu Xuân mới, trên địa bàn huyện có hàng chục lễ hội được tổ chức với quy mô vùng như Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, Lễ hội Hội Miếu Mèn - xã Cam Thượng; Lễ hội Vân Sa - Tản Hồng; Lễ hội truyền thống đình Tây Đằng; Lễ hội truyền thống đình làng Chu Quyến - Chu Minh; Lễ hội làng Khê Thượng...

Bên cạnh phần lễ mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng, nội dung phần hội luôn thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân địa phương và khách thập phương bởi sự phong phú của các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, vật, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, leo núi, ném còn, chọi gà, đi cà kheo, đập niêu, bắt vịt…

Thi bắn nỏ tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

Hiện nay, một số môn đã được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao, hội khỏe. Mỗi năm vào dịp lễ hội, huyện tổ chức 7 giải thi đấu các môn thể thao dân tộc, thể thao quần chúng. Trong đó, các môn thu hút được đông đảo vận động viên tham gia là đẩy gậy. Đây là một trò chơi dân gian quen thuộc với dân tộc Mường Ba Vì hiện được tổ chức thường xuyên tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Đẩy gậy là trò chơi đòi hỏi sức khỏe tốt, bền bỉ và biết chớp thời cơ nhanh.

Đặc biệt, những năm gần đây, ban tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và Lễ hội đền Trúc Lâm, xã Đồng Thái đã khôi phục giải vật cổ truyền. Môn thể thao truyền thống này đã thu hút sự tham gia tranh tài của hàng chục đô vật thuộc các địa phương có sới vật cổ truyền nổi tiếng trong huyện như Đồng Thái, Vạn Thắng, Yên Bài, Chu Minh. Phó Chủ nhiệm CLB vật xã Đồng Thái Trần Bá Tấn cho biết: Trước mùa lễ hội, CLB đã mời các kiện tướng vật của địa phương tham gia huấn luyện các đô vật vào buổi chiều hàng ngày. Theo anh Tấn, từ năm 2015 đến nay, CLB vật Đồng Thái đã đào tạo được nhiều đô tham gia thi đấu và giành thành tích cao trong các giải vật của TP, T.Ư và tham gia thi đấu quốc tế.

Trong những năm gần đây, phong trào thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống ở Ba Vì đã thu hút ngày càng đông người tham gia tập luyện. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, số lượng cộng tác viên, hướng dẫn viên các môn thể thao truyền thống chưa nhiều, Phòng VH-TT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo 31 xã, thị trấn tập trung khôi phục và phát triển các môn thể thao mũi nhọn được nhiều người dân tập luyện.

Nhiều xã đã thành lập các CLB thể thao truyền thống, duy trì sinh hoạt thường xuyên như CLB vật xã Đồng Thái, xã Vạn Thắng; CLB bắn nỏ xã Minh Quang, Khánh Thượng; CLB đẩy gậy xã Vân Hòa, Yên Bài; CLB đua thuyền rồng xã Cam Thượng… Thành viên của các CLB này là lực lượng nòng cốt tổ chức các môn thể thao, các trò chơi truyền thống trong lễ hội đầu Xuân, sân chơi để người dân vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động vất vả. Qua đó, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe phục vụ lao động, sản xuất.

Để tiếp sức cho phong trào TDTT cơ sở, đồng thời lựa chọn các VĐV có năng khiếu từ cơ sở để bồi dưỡng, đào tạo tham gia các giải của TP, hàng năm Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì cũng kết hợp với các địa phương tổ chức một số giải thể thao dân tộc, truyền thống. Đó là các giải cờ tướng, bắn nỏ, đẩy gậy, vật dân tộc tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch. Các giải này nhiều năm qua đã thu hút được đông đảo VĐV ở các xã trong huyện tham gia thi đấu đạt chất lượng ngày càng cao.

Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Vì Nguyễn Việt Giao cho biết: Ban Tổ chức Lễ hội của huyện đặc biệt quan tâm khôi phục các trò chơi dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa mang tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Bởi các trò chơi dân gian này chỉ được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng và được học hỏi trong quá trình biểu diễn hay thi đấu. Bên cạnh đó, các phong trào tổ chức ngày hội văn hóa thể thao diễn ra sôi nổi cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tổ chức các hoạt động này thường xuyên, tạo thành nếp sinh hoạt trong cộng đồng dân cư.

Chuẩn bị lễ hội Xuân năm nay, đặc biệt là Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, ngay từ đầu năm, Ba Vì đã xây dựng kế hoạch, đồng thời, hướng dẫn 31 xã, thị trấn tuyển chọn, bồi dưỡng các VĐV thuộc nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian để tham gia tranh tài, tạo sự sôi động, đặc sắc của các lễ hội, trở thành điểm nhấn thu hút Nhân dân và du khách thập phương.

Khuất Duyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ba-vi-phat-trien-the-thao-quan-chung-336046.html