Ba vụ chuyển nhượng hơn 30 tỷ của Công Vinh

Ngoài tài năng được công nhận trong một thời gian dài, Lê Công Vinh còn gắn liền với những thương vụ chuyển nhượng đình đám đầy ồn ào của BĐVN.

Từ SLNA sang Hà Nội T&T (8 tỷ)

Cuối mùa giải năm 2008, Lê Công Vinh đầu quân cho Hà Nội T&T với số tiền lót tay kỷ lục thời điểm đó là 8 tỷ đồng sau 4 năm khoác áo đội bóng quê hương Sông Lam Nghệ An.

Công Vinh ngày còn ở SLNA.

Đây là mức phí chuyển nhượng kỷ lục của bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó. Ngoài ra, Hà Nội T&T còn phải trả cho SLNA 500 triệu đồng chi phí đào tạo. Mức lương hàng tháng mà Công Vinh nhận được là khoảng 50 triệu đồng.

Tại đội bóng của bầu Hiển, mức lương mà CV9 nhận được tăng lên gấp ba so với mức 14 triệu đồng/tháng ở SLNA, ở mức 50 triệu mỗi tháng. Ngoài ra, Hà Nội T&T còn phải trả cho SLNA 500 triệu đồng chi phí đào tạo.

Từ Hà Nội T&T đến CLB Hà Nội (14 tỷ)

Đây là thương vụ đầy bất ngờ và tốn không ít giấy mực của báo chí lúc bấy giờ. Cuối mùa giải 2011, Công Vinh và Hà Nội T&T gặp bế tắc trong việc gia hạn hợp đồng. Chân sút xứ Nghệ khi ấy đang mục tiêu săn đón của hàng loạt CLB lớn ở V.League và một số đội bóng nước ngoài như Muangthong United hay Slavia Prague. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với bầu Hiển, Công Vinh bất ngờ tuyên bố sẽ ở lại Hà Nội T&T thêm ba năm. Khi ấy, bầu Hiển đồng ý trả cho Công Vinh 10 tỷ tiền phí lót tay, lương 80 triệu mỗi tháng.

Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra khi chỉ ít ngày sau đó, cầu thủ này gây sốc hơn khi “lật kèo” với Hà Nội T&T để gia nhập CLB Hà Nội theo lời mời của bầu Kiên. Số tiền mà CLB Hà Nội phải chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh được cho là lên tới 14 tỷ đồng, kèm theo mức lương hơn 80 triệu đồng mỗi tháng.

Công Vinh và bầu Kiên tại CLB Hà Nội.

Tuy nhiên, Công Vinh cũng chỉ thi đấu cho CLB Hà Nội trong 1 năm và đội bóng không tham dự V.League 2013. Sau đó, CV9 trở lại khoác áo đội bóng cũ SLNA theo dạng cho mượn.

Năm 2013, Công Vinh được cho Consadole Sapporo mượn trong 5 tháng để chơi tại giải J.League 2 của Nhật Bản. Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh khoảng 1,2 tỷ.

Từ SLNA sang Bình Dương (10 tỷ)

Hết hợp đồng cho mượn tại SLNA năm 2014, Công Vinh tìm kiếm bản hợp đồng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ. Anh mong muốn ở lại đội bóng quê hương nhưng bất thành. Bình Dương sau đó có được chữ ký của Công Vinh, mức lót tay được tiết lộ là 7 tỷ nhưng thực tế lên đến 10 tỷ.

Tuy vậy, khoảng thời gian ở Bình Dương lại mang đến không ít sự ồn ào với Công Vinh khi anh chàng lại tiếp tục vướng vào những rắc rối với BHL và đồng đội ở sân Gò Đậu.

Trong 2 năm ở Bình Dương (2014-2016), Công Vinh từng vướng vào những lùm xùm, gây bất hòa nội bộ như chuyện sang Thái Lan đóng quảng cáo khi chưa được ban lãnh đạo đồng ý hay phát ngôn liên quan tới chuyện Anh Đức xin rút lui khỏi đội tuyển Việt Nam.

Công Vinh thời khoác áo Bình Dương.

Sở hữu cho mình 12 năm thi đấu chuyên nghiệp, ba lần chuyển nhượng chính thức với tổng số tiền lót tay đến 30 tỷ, có thể nói, không cầu thủ nào ở Việt Nam đọ lại Công Vinh về khoản kiếm tiền. Bên cạnh đó, những vụ “lùm xùm” chuyển nhượng cũng trở thành một thương hiệu không mấy tốt đẹp mỗi khi NHM nhắc đến cựu thủ quân ĐTVN.

Bảo Phương

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/bong-da/ba-vu-chuyen-nhuong-hon-30-ty-cua-cong-vinh-7398615.html