'Babylon' - khi điện ảnh trở thành nhân vật chính

'Babylon' được làm để tôn vinh nghệ thuật thứ bảy và tất nhiên cả những người đứng sau, làm ra nó và chết vì nó. Có nhiều kiểu chết được mô tả trong phim: tai nạn trường quay, sốc thuốc, nhưng có vẻ tự tử phổ biến hơn cả…

Điện ảnh trong suốt hành trình dài của nó đã cuốn vào, đưa lên đỉnh cũng như nghiền nát bao phận người. Trong phim, Brad Pitt thủ vai Jack Conrad - một diễn viên hư cấu (gần với hình ảnh của ngôi sao phim câm John Gilbert) trong thời hoàng kim tự cho mình vai trò cứu rỗi Hollywood. Anh ta dùng cả sự nghiệp nhằm chứng minh điện ảnh cũng sang cả như sân khấu.

Với những đại cảnh công phu, duy mỹ đến từng chi tiết, Babylon được cho là theo phong cách tối đa

Bạn có thể chưa thấy đã, thấy đủ với từng số phận trong phim. Dễ hiểu thôi, điện ảnh mới là nhân vật chính của phim này. Và điều này có lẽ cũng phù hợp với ý nguyện của những nhân vật muốn trở thành minh tinh hay đơn giản muốn tham gia vào một cái gì đó lớn hơn, quan trọng hơn bản thân và được nhắc nhớ lâu dài về sau. Chẳng phải họ muốn trở thành huyền thoại hay sao?

Tức là cuộc đời của riêng họ không đủ với chính họ. Có thể họ chạy theo danh vọng hay ảo vọng, nhưng nhìn từ một góc độ khác, đó cũng là một kiểu cống hiến. Điện ảnh khi mới xuất hiện chỉ mới là những thước phim tài liệu mờ mịt hay phim câm thôi đã làm người ta phát cuồng. Những người xuất hiện trên những thước phim một cách chủ động đương nhiên còn cuồng đến cỡ nào. Tất cả trải nghiệm đều là lần đầu, từ xem phim, đóng phim, tới đạo diễn, quay phim, làm âm thanh… Phim lúc đó là một cái gì cao cả và thiêng liêng. Nên việc dùng xe cứu thương để chuyên chở máy quay đến phục vụ cho cảnh quay cũng là bình thường.

Những “bom tấn” của buổi ban đầu có hình hài như những đoạn phim ngắn mô tả những cảnh tượng kỳ ảo, siêu thực. Như một chuyến du hành lên mặt trăng. Và con tàu trở thành viên đạn làm chột mắt Mặt Trăng. Có ý nghĩa gì ngoài việc giải trí, gây kinh ngạc?! Cuộc đời của những nhân vật trong phim cũng được mô tả theo lăng kính đó. Chúng là những lát cắt chủ quan được phóng đại, được kể một cách cường điệu. Kiểu hay thấy trong các phim nhạc kịch, nhưng Babylon lại chỉ có kịch mà không có hát múa nên chắc một số khán giả sẽ bị hẫng...

Các diễn viên đóng vai diễn viên trong phim lúc nào cũng trong trạng thái tăng động hoặc lâng lâng phê pha. Họ đang sống trong giấc mơ. Mơ đời mình cũng như phim, cũng đáng kể, đáng ghi lại cho người đương thời, hậu thế thưởng thức. Họ vô tình hoặc cố ý tác phẩm hóa, tượng đài hóa bản thân.

Và phim ảnh tiếp tay, cho họ khả năng ghi lại đời họ như họ muốn. Nellie LaRoy muốn tự đạo diễn đời mình như một ngôi sao và như thế là đủ, thà chết chứ không quay lại làm người thường. Cô thỏa mãn khi hình ảnh cuối cùng để lại cho hậu thế là nụ hôn trong vòng tay một người yêu cô thật lòng. Đó, tôi vừa là minh tinh vừa được cầu hôn. Và thế là đủ, tôi chìm trong bóng tối còn hơn làm một bà nội trợ trong sáng. Trọn vẹn tinh thần “Bẩm sinh là sao thì chết đi cũng phải như vậy”... Té ra cô chết vì cái tôi. Hollywood chỉ cung cấp một bối cảnh không thể phù hợp hơn.

Cuộc đời của nhân loại tại kinh đô điện ảnh nước Mỹ (trong sự đối sánh với đô thành huyền thoại Babylon) cho đến giữa những năm 1920 cũng đủ độ rực rỡ và rùm beng cần được lưu ảnh. Đó chắc là một trong những tác nhân sâu xa thúc đẩy điện ảnh ra đời và phát triển nhanh chóng. Bộ phim mô tả sự biến đổi dữ dội của phim ảnh và cách làm phim trong chưa đầy một thập kỷ.

Một phim lộng lẫy và hoành tráng như Babylon vẫn có thể bị chê, bị ế ngoài phòng vé nhưng phải ghi nhận tài nghệ của đạo diễn Damien Chazelle đã “gô cổ” được điện ảnh vào phim của mình, lại còn biến nó trở thành diễn viên hài.

Lối gây cười của phim khác lạ so với cung cách thông thường. Thủ pháp cường điệu không được sử dụng trong diễn xuất hay ngoại hình mà trong hành động, mà ta hay gọi là “làm lố”. Thực ra những người trong cuộc chỉ đang làm công việc mà họ cho là thiêng liêng đến quên mình mà thôi. Tinh thần hài đen của phim chỉ ra sự tâm huyết, của người này lại có thể khiến một người cũng hết sức trách nhiệm khác trở nên sa lầy hơn (vào nghiện hút chẳng hạn), thậm chí bỏ mạng.

Phim chỉ trình bày những số phận và cách chúng cắt ngang đời nhau chứ không chê trách hay phán xét. Vì tất cả bằng sự thành công hay thất bại cá nhân, bằng việc giữ hay bỏ mạng... đều đã trở thành một thành phần, một mắt xích đã được an bài trong quá trình khai sinh và nuôi dưỡng con quái thú 7 đầu có tên Điện ảnh.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/babylon-khi-dien-anh-tro-thanh-nhan-vat-chinh-post1509455.tpo