Bắc Cạn nhức nhối vì 'khoáng tặc'

Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Bắc Cạn diễn ra âm ỉ, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Lực lượng chức năng tập trung truy quét nhưng vẫn chỉ như 'đá ném ao bèo'.

Chỉ trong vài tháng đầu năm, huyện Chợ Đồn đã tịch thu hơn 81 tấn quặng lậu. Trong ảnh: Quặng lậu được tạm giữ tại trụ sở UBND huyện.

Âm ỉ nạn khai thác trái phép

Nhức nhối nhất hiện nay về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ. Hàng chục năm qua, nạn “vàng tặc” trong khu vực này chưa được xử lý dứt điểm. Có thời điểm rầm rộ, số người tham gia lên đến hàng nghìn. Hiện nay, tình trạng này diễn ra ở quy mô nhỏ nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được.

Chúng tôi đã vượt rừng tới khu vực Lũng Lương trong khu bảo tồn. Trên đường đi, không khó để bắt gặp rải rác trong những sải rừng già là lán trại, đường ống dẫn nước… Theo người dẫn đường, chỉ cần có người lạ xuất hiện ở khu vực những thôn dưới núi thì chắc chắn khi vào rừng sẽ chỉ còn thấy lán, trại mà không thấy “vàng tặc” vì đã có “chim lợn” báo tin. Trong rừng, nhiều hang sâu hun hút, nhiều bãi đất đào xới không thương tiếc, bên cạnh đó là những bể đãi vàng được chế từ bạt lót trên nền đất…

Theo kết quả rà soát của huyện Na Rì, đến tháng 8-2018, ở 10 lũng có 15 địa điểm có hoạt động khai thác vàng trái phép, khoảng 17 chủ lán với hơn 50 người. Trong đó có năm chủ lán là người dân xã Kim Hỷ với 15 người, tám chủ lán là người huyện Bạch Thông với 23 người, bốn chủ lán là người thành phố Bắc Cạn và Thái Nguyên có khoảng 14 người. Có khoảng tám địa điểm có thể có máy được cất giấu dưới hang sâu. Hoạt động khai thác thủ công, chui hang, đãi sái vẫn diễn ra với đối tượng là dân bản địa và ngoại tỉnh, có nhiều đối tượng vô gia cư, nghiện hút. Khu vực Lũng Mòn, Xạ Hang, Lũng Cốp vẫn còn hoạt động khai thác nhưng máy móc giấu trong hang, không xuống để xử lý được.

Từ đầu tháng 7-2018 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã phối hợp chính quyền xã Kim Hỷ, các ngành chức năng tổ chức được bảy đợt truy quét khai thác khoáng sản trái phép tập trung tại các điểm như: Lủng Đẩy, Lũng Lương, Cốc Tỳ, Lũng Phầy, Lũng Lực… Kết quả đã tiêu hủy 11 máy móc các loại, 350 m vòi dẫn nước, 60 lít xăng dầu, hai lán tạm, hai cưa xăng và nhiều vật dụng khác phục vụ cho khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, cứ truy quét đợt này xong thì một thời gian sau lại tái diễn.

Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, có những hang nhỏ, lực lượng đã tiến hành dùng đá lấp cửa hang. Tuy nhiên, có những hang rất lớn, sâu không thể dùng sức người để lấp được. Việc truy quét nhiều khi không hiệu quả khi lực lượng chức năng xuất phát thì vàng tặc đã nắm được thông tin. Khi đến nơi, chỉ tìm, phá hủy được máy móc, phương tiện chứ không bắt được đối tượng.

Tại huyện Chợ Đồn, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản chì, kẽm diễn biến phức tạp tại ba khu vực, gồm: xã Quảng Bạch, khu vực giáp ranh giữa Kho K380 của quân đội với xã Yên Thượng và các khu vực rải rác quanh thị trấn Bằng Lũng như Bản Tàn, Nà Khắt… Thống kê chưa đầy đủ, tại các khu vực này có khoảng 40 điểm khai thác trái phép. Các đối tượng khai thác nhỏ, thủ công nhưng có lúc sử dụng cả xe ô-tô bán tải để chở quặng lậu. Tổ liên ngành của huyện thường xuyên túc trực, truy quét bất ngờ cả đêm tối nhưng thường chỉ thu giữ được tang vật, không bắt được thủ phạm.

Một “bãi” đào xới, tạo bể lắng khai thác vàng trái phép trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ.

Cần xử lý dứt điểm

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Bắc Cạn không mới, nhưng luôn diễn ra âm ỉ khi công tác truy quét, xử lý chưa triệt để vì nhiều lý do. Tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, các đối tượng đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: cắt cử người cảnh giới và thông báo qua điện thoại di động; cài cắm những người bán hàng, người nghiện ma túy ngoài thôn, khi thấy có tổ truy quét thì báo cho các đối tượng khai thác cất giấu máy móc, vật dụng và bỏ trốn. Nhiều điểm khai thác vàng, các đối tượng đặt máy dưới hang sâu từ 20 - 50 m, sử dụng cây que chống tạm bợ, ẩm thấp, trơn trượt rất nguy hiểm. Nhiều lần tổ truy quét đã nỗ lực vượt qua nguy hiểm để xuống hang tiêu hủy máy móc, phương tiện khai thác vàng nhưng chỉ được một hai lần đầu. Những lần sau, các đối tượng phát hiện có tổ truy quét đã đổ thuốc sâu, hóa chất, đốt cao-su tạo khói trong hang hoặc dỡ bỏ thang, do đó tổ truy quét không vào hang để tiêu hủy được.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 120 lượt truy quét tại 40 địa điểm, tiêu hủy 70 lán trại, 304 máy móc, 525 lít dầu, 89.945 m vòi dẫn nước. Đồng thời, đẩy đuổi, trục xuất các đối tượng ra khỏi khu bảo tồn, bước đầu làm giảm số lượng, quy mô, vị trí, máy móc đưa vào khu bảo tồn để phục vụ khai thác vàng trái phép. Nhiều điểm trước đây có hoạt động khai thác với số người đông, số máy nhiều thì nay không còn hoạt động khai thác nữa như Tốc Lù, Lũng Mạt, Lũng Dảo, Lũng Phúng, Lũng Phấy... Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, năm nào cũng tổ chức giải tỏa khai thác vàng trái phép nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Hà Sỹ Huân cho biết, việc ngăn chặn, xử lý nạn khai thác trái phép khoáng sản chì, kẽm trên địa bàn cũng chưa hiệu quả. Có những đối tượng xử lý hành chính tới ba lần nhưng vẫn tái diễn vì không có chế tài răn đe mạnh hơn. Từ đầu năm tới nay, toàn huyện mới xử lý được 18 vụ, thu giữ hơn 81 tấn quặng, 19 máy móc, xử phạt vi phạm hành chính chín vụ với tám đối tượng, tổng số tiền phạt 11 triệu đồng. Nhiều vụ việc, huyện giao công an điều tra để khởi tố hình sự nhưng cũng không thành vì không đủ căn cứ.

Thực tế, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, thời gian qua, có hai xe bán tải thường xuyên đi vào xã Kim Hỷ theo đường Vũ Muộn - Kim Vân để đưa đón người và cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng khai thác vàng trái phép tại Lũng Lương. Một số người dân xã Kim Hỷ vẫn tham gia cung cấp lương thực, thực phẩm, dụng cụ, phương tiện, nhiên liệu và vận chuyển thuê máy móc vào lũng bãi cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Tại huyện Chợ Đồn, hiện nay, có rất nhiều nhà máy chế biến quặng chì, kẽm hoạt động. Trong khi, không có mấy xe chở quặng lậu ra khỏi địa bàn. Do đó, dư luận nghi ngờ, có thể có việc các nhà máy lén lút tiêu thụ quặng lậu được khai thác trái phép.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải đã chỉ đạo huyện khẩn trương rà soát, thống kê chi tiết các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án, huy động lực lượng truy quét, xử lý dứt điểm không để tái diễn. Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Cạn trực tiếp cùng các lực lượng đi kiểm tra tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ để tìm phương án xử lý nạn “vàng tặc”.

Không thể phủ nhận những khó khăn trong truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì cách thức phát hiện khai thác trái phép thì truy đuổi, có lẽ sẽ khó dẹp bỏ được tình trạng này. Tỉnh Bắc Cạn cần quyết liệt chỉ đạo các lực lượng, phối hợp chặt chẽ trong truy quét, xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, trục xuất những đối tượng vãng lai. Đồng thời, tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống vùng đệm khu bảo tồn để từng bước xóa bỏ nạn khai thác trái phép âm ỉ, nhức nhối hiện nay.

Âm ỉ nạn khai thác trái phép

Nhức nhối nhất hiện nay về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ. Hàng chục năm qua, nạn “vàng tặc” trong khu vực này chưa được xử lý dứt điểm. Có thời điểm rầm rộ, số người tham gia lên đến hàng nghìn. Hiện nay, tình trạng này diễn ra ở quy mô nhỏ nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được.

Chúng tôi đã vượt rừng tới khu vực Lũng Lương trong khu bảo tồn. Trên đường đi, không khó để bắt gặp rải rác trong những sải rừng già là lán trại, đường ống dẫn nước… Theo người dẫn đường, chỉ cần có người lạ xuất hiện ở khu vực những thôn dưới núi thì chắc chắn khi vào rừng sẽ chỉ còn thấy lán, trại mà không thấy “vàng tặc” vì đã có “chim lợn” báo tin. Trong rừng, nhiều hang sâu hun hút, nhiều bãi đất đào xới không thương tiếc, bên cạnh đó là những bể đãi vàng được chế từ bạt lót trên nền đất…

Theo kết quả rà soát của huyện Na Rì, đến tháng 8-2018, ở 10 lũng có 15 địa điểm có hoạt động khai thác vàng trái phép, khoảng 17 chủ lán với hơn 50 người. Trong đó có năm chủ lán là người dân xã Kim Hỷ với 15 người, tám chủ lán là người huyện Bạch Thông với 23 người, bốn chủ lán là người thành phố Bắc Cạn và Thái Nguyên có khoảng 14 người. Có khoảng tám địa điểm có thể có máy được cất giấu dưới hang sâu. Hoạt động khai thác thủ công, chui hang, đãi sái vẫn diễn ra với đối tượng là dân bản địa và ngoại tỉnh, có nhiều đối tượng vô gia cư, nghiện hút. Khu vực Lũng Mòn, Xạ Hang, Lũng Cốp vẫn còn hoạt động khai thác nhưng máy móc giấu trong hang, không xuống để xử lý được.

Từ đầu tháng 7-2018 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã phối hợp chính quyền xã Kim Hỷ, các ngành chức năng tổ chức được bảy đợt truy quét khai thác khoáng sản trái phép tập trung tại các điểm như: Lủng Đẩy, Lũng Lương, Cốc Tỳ, Lũng Phầy, Lũng Lực… Kết quả đã tiêu hủy 11 máy móc các loại, 350 m vòi dẫn nước, 60 lít xăng dầu, hai lán tạm, hai cưa xăng và nhiều vật dụng khác phục vụ cho khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, cứ truy quét đợt này xong thì một thời gian sau lại tái diễn.

Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, có những hang nhỏ, lực lượng đã tiến hành dùng đá lấp cửa hang. Tuy nhiên, có những hang rất lớn, sâu không thể dùng sức người để lấp được. Việc truy quét nhiều khi không hiệu quả khi lực lượng chức năng xuất phát thì vàng tặc đã nắm được thông tin. Khi đến nơi, chỉ tìm, phá hủy được máy móc, phương tiện chứ không bắt được đối tượng.

Tại huyện Chợ Đồn, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản chì, kẽm diễn biến phức tạp tại ba khu vực, gồm: xã Quảng Bạch, khu vực giáp ranh giữa Kho K380 của quân đội với xã Yên Thượng và các khu vực rải rác quanh thị trấn Bằng Lũng như Bản Tàn, Nà Khắt… Thống kê chưa đầy đủ, tại các khu vực này có khoảng 40 điểm khai thác trái phép. Các đối tượng khai thác nhỏ, thủ công nhưng có lúc sử dụng cả xe ô-tô bán tải để chở quặng lậu. Tổ liên ngành của huyện thường xuyên túc trực, truy quét bất ngờ cả đêm tối nhưng thường chỉ thu giữ được tang vật, không bắt được thủ phạm.

Một “bãi” đào xới, tạo bể lắng khai thác vàng trái phép trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ.

Cần xử lý dứt điểm

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Bắc Cạn không mới, nhưng luôn diễn ra âm ỉ khi công tác truy quét, xử lý chưa triệt để vì nhiều lý do. Tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, các đối tượng đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: cắt cử người cảnh giới và thông báo qua điện thoại di động; cài cắm những người bán hàng, người nghiện ma túy ngoài thôn, khi thấy có tổ truy quét thì báo cho các đối tượng khai thác cất giấu máy móc, vật dụng và bỏ trốn. Nhiều điểm khai thác vàng, các đối tượng đặt máy dưới hang sâu từ 20 - 50 m, sử dụng cây que chống tạm bợ, ẩm thấp, trơn trượt rất nguy hiểm. Nhiều lần tổ truy quét đã nỗ lực vượt qua nguy hiểm để xuống hang tiêu hủy máy móc, phương tiện khai thác vàng nhưng chỉ được một hai lần đầu. Những lần sau, các đối tượng phát hiện có tổ truy quét đã đổ thuốc sâu, hóa chất, đốt cao-su tạo khói trong hang hoặc dỡ bỏ thang, do đó tổ truy quét không vào hang để tiêu hủy được.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 120 lượt truy quét tại 40 địa điểm, tiêu hủy 70 lán trại, 304 máy móc, 525 lít dầu, 89.945 m vòi dẫn nước. Đồng thời, đẩy đuổi, trục xuất các đối tượng ra khỏi khu bảo tồn, bước đầu làm giảm số lượng, quy mô, vị trí, máy móc đưa vào khu bảo tồn để phục vụ khai thác vàng trái phép. Nhiều điểm trước đây có hoạt động khai thác với số người đông, số máy nhiều thì nay không còn hoạt động khai thác nữa như Tốc Lù, Lũng Mạt, Lũng Dảo, Lũng Phúng, Lũng Phấy... Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, năm nào cũng tổ chức giải tỏa khai thác vàng trái phép nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Hà Sỹ Huân cho biết, việc ngăn chặn, xử lý nạn khai thác trái phép khoáng sản chì, kẽm trên địa bàn cũng chưa hiệu quả. Có những đối tượng xử lý hành chính tới ba lần nhưng vẫn tái diễn vì không có chế tài răn đe mạnh hơn. Từ đầu năm tới nay, toàn huyện mới xử lý được 18 vụ, thu giữ hơn 81 tấn quặng, 19 máy móc, xử phạt vi phạm hành chính chín vụ với tám đối tượng, tổng số tiền phạt 11 triệu đồng. Nhiều vụ việc, huyện giao công an điều tra để khởi tố hình sự nhưng cũng không thành vì không đủ căn cứ.

Thực tế, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, thời gian qua, có hai xe bán tải thường xuyên đi vào xã Kim Hỷ theo đường Vũ Muộn - Kim Vân để đưa đón người và cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng khai thác vàng trái phép tại Lũng Lương. Một số người dân xã Kim Hỷ vẫn tham gia cung cấp lương thực, thực phẩm, dụng cụ, phương tiện, nhiên liệu và vận chuyển thuê máy móc vào lũng bãi cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Tại huyện Chợ Đồn, hiện nay, có rất nhiều nhà máy chế biến quặng chì, kẽm hoạt động. Trong khi, không có mấy xe chở quặng lậu ra khỏi địa bàn. Do đó, dư luận nghi ngờ, có thể có việc các nhà máy lén lút tiêu thụ quặng lậu được khai thác trái phép.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải đã chỉ đạo huyện khẩn trương rà soát, thống kê chi tiết các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án, huy động lực lượng truy quét, xử lý dứt điểm không để tái diễn. Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Cạn trực tiếp cùng các lực lượng đi kiểm tra tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ để tìm phương án xử lý nạn “vàng tặc”.

Không thể phủ nhận những khó khăn trong truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì cách thức phát hiện khai thác trái phép thì truy đuổi, có lẽ sẽ khó dẹp bỏ được tình trạng này. Tỉnh Bắc Cạn cần quyết liệt chỉ đạo các lực lượng, phối hợp chặt chẽ trong truy quét, xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, trục xuất những đối tượng vãng lai. Đồng thời, tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống vùng đệm khu bảo tồn để từng bước xóa bỏ nạn khai thác trái phép âm ỉ, nhức nhối hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/37626402-bac-can-nhuc-nhoi-vi-%E2%80%9Ckhoang-tac%E2%80%9D.html