Bắc cầu đến 'tình lang cõi thơ Nôm'

Vẫn dùng điện thoại nhưng thường... khóa máy. Có facebook nhưng ít khi 'lên'. Ngoài một số buổi trong tuần đến cơ quan - Viện Hán Nôm - theo kế hoạch công tác, còn lại chủ yếu 'ở ẩn tại gia' - một căn hộ cũ giản dị trong khu tập thể thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bạn bè muốn tìm nhưng không dễ gặp và không phải lúc nào cũng liên lạc được... Đó là 'trường hợp' nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, tác giả của những cuốn sách sử đang khá thu hút độc giả.

Trước Tết, Tiến sĩ Trần Trọng Dương chào xuân với cuốn sách Phạm Thái toàn tập. Công trình được sự giúp đỡ, đầu tư của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm Nghiên cứu quốc học, do NXB Văn học ấn hành, mà Trần Trọng Dương là người khảo cứu, kính cẩn đề “Sở cuồng Lê Dư phiên chú” như một sự tri ân công lao của người đi trước. Theo Tiến sĩ Dương, học giả Lê Dư là người đầu tiên phiên âm phần lớn những di văn của Phạm Thái (1777 - 1813) từ đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, và coi Phạm Thái như đại diện của những văn nhân đời trước góp phần xây dựng nền quốc văn.

Trần Trọng Dương là người cẩn trọng. Trong Lời cảm ơn đầu sách, anh tri ân một loạt nhà nghiên cứu, tác giả; cẩn thận liệt kê 85 công trình trong phần Tài liệu tham khảo, lập Danh mục bảng biểu, Ký hiệu viết tắt cùng nhiều chú thích, trích dẫn cụ thể nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong việc đọc, hiểu, tra cứu. Đó là thao tác quen thuộc của nhà khoa học, đồng thời cũng là cái tâm chân thành của anh trước các bậc tiền nhân sáng tạo mà anh đã nghiên cứu và ngưỡng mộ. Điều ấy không chỉ thể hiện qua cách kết cấu công trình, mà còn hòa vào văn phong, ngôn ngữ, tinh thần, tình cảm của người khảo cứu khi tái hiện thân thế, sự nghiệp Phạm Thái, tác gia nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Bằng sự khảo cứu kỳ công, so sánh, đối chiếu các nguồn tư liệu cẩn trọng, và thể hiện một cách mạch lạc, trong sáng, lại “thổi” vào đó niềm yêu kính và hứng thú của mình, Trần Trọng Dương giúp người đọc có được sự thú vị khi tìm hiểu về “một tình lang tài hoa của cõi thơ Nôm”.

Trần Trọng Dương đưa người đọc lần lượt tìm hiểu về gia thế, hành trạng, các thể loại mà tác gia Phạm Thái sử dụng như câu đối, văn Nôm, phú, từ, thơ Nôm Đường luật... sau đó đi sâu vào quá trình sáng tác Sơ kính tân trang - tác phẩm quan trọng nhất của Phạm Thái - một trường hợp độc đáo, hiếm hoi trong văn thơ trung đại khi tác gia mượn chính chuyện đời phóng khoáng, chuyện tình bi thương của mình để sáng tác, đồng thời khai thác bối cảnh không gian là các miền đất, danh thắng của đất nước Việt Nam chứ không mượn tích truyện Trung Hoa như nhiều tác phẩm khác.

Qua từng tác phẩm được Trần Trọng Dương thống kê, giới thiệu cùng chú thích cụ thể, người đọc lắng vào ngôn ngữ, thi tứ, thi liệu từ hơn hai thế kỷ trước với sự hứng thú khi liên tưởng đến ngôn ngữ hôm nay, khi nhận ra tài hoa của tác giả với mạch văn trôi chảy, sự vận dụng các điển tích, điển cố, các biểu tượng và những miêu tả thiên nhiên sinh động, giàu hình vẻ, sắc thái. Những phân tích của Trần Trọng Dương giúp làm rõ thêm nỗi niềm thiết tha, nhiệt thành và những ý tình tinh tế của Phạm Thái khi vận nỗi đời, nỗi mình, vận cuộc đời phiêu du của mình vào trang viết. Cuốn sách truyền tải một cách mềm mại và tươi tắn điều mà nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương nhận định: “Phạm Thái đã có đóng góp không nhỏ ở phương diện lịch sử ngôn ngữ văn chương tiếng Việt. Sự đóng góp thể hiện ở phương diện thể loại - thể tài, ở phương diện kỹ thuật ngôn từ - kỹ pháp tu từ - kỹ xảo từ chương, với cái tôi cá nhân muốn vượt thoát khỏi thực tại xã hội đầy rẫy tai ương bất trắc!”.

Quang Hưng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/960903/bac-cau-den-tinh-lang-coi-tho-nom