Bắc Giang: Cấp cứu kịp thời một bệnh nhân bị thang máy rơi trúng đầu

Ngày 22/5, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu một ca tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do thang máy vận chuyển thức ăn của nhà hàng rơi trúng đầu.

Bệnh nhân là bà D.T.H (SN 1965) ở xã Tiền Phong (Yên Dũng) được người nhà đưa vào viện lúc 12 giờ ngày 21/5 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, kích thích vật vã, thở yếu, tím môi và đầu chi, mạch đập nhanh, phía trước cổ có vết hằn tím như bị dây thắt.

Bệnh nhân D.T.H đang được theo dõi sức khỏe tại Khoa Cấp cứu.

Bệnh nhân D.T.H đang được theo dõi sức khỏe tại Khoa Cấp cứu.

Nhận thấy tình trạng người bệnh rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, kíp trực đã nhanh chóng xử trí cấp cứu bằng cách truyền dịch chống sốc, đặt nội khí quản đồng thời cho bệnh nhân thở máy xâm nhập để theo dõi các chỉ số sinh tồn.

Người nhà cho biết, gia đình mở nhà hàng, có thang máy vận chuyển thức ăn. Ngày 21/5, gia đình gọi thợ đến sửa thang máy trong lúc bà H đi vắng. Khi bà trở về và dọn dẹp ở tầng 3; lúc nghiêng người vào buồng thang máy đúng thời điểm thợ sửa chữa ở tầng 4 vận hành khiến thiết bị rơi xuống trúng đầu, đè vào ngang cổ làm bà H bất tỉnh.

Bác sĩ Phạm Tùng Sơn cho biết: “Đây là tai nạn hiếm gặp trong đời sống nhưng vô cùng nguy hiểm, khả năng sống sót thấp. Rất may cho người bệnh vì thời điểm xảy ra vụ việc có nhiều người ở nhà nên được phát hiện, xử trí cấp cứu tạm thời sau đó đưa đến cơ sở y tế cấp cứu theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đến ngày 22/5, bệnh nhân đã qua nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và có thể tự thở".

Hiện nay, nhiều gia đình xây nhà cao tầng có thang máy giúp thuận tiện khi di chuyển. Sau một thời gian sử dụng, thiết bị này sẽ bị hao mòn nên cần được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Để phòng tránh tai nạn trong quá trình sửa chữa thiết bị, người dân không có liên quan nên tránh xa khu vực này.

Mặt khác, khi hợp đồng với thợ sửa chữa cần yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt quy trình làm việc an toàn, có phương án chăng dây, đặt biển báo hoặc thông báo cho người dân về địa điểm, khu vực đang sửa chữa.

Bác sĩ Phạm Tùng Sơn cũng khuyến cáo, nếu gặp phải các trường hợp suy hô hấp do tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng tìm cách giải cứu người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm. Cùng đó, hỗ trợ người bị nạn duy trì khả năng hô hấp bằng phương pháp hà hơi, thổi ngạt sau đó đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Tin, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/405185/bac-giang-cap-cuu-kip-thoi-mot-benh-nhan-bi-thang-may-roi-trung-dau.html