Bắc Giang: Chưa tìm thấy 4 pho tượng quý bị mất trộm tại chùa Vẽ

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để có phương án bảo vệ khẩn cấp các pho tượng Phật trong chùa Vẽ tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tòa thượng điện chùa Vẽ, Bắc Giang

Chùa Vẽ mất tượng quý

Chùa Vẽ, tự là Huyền Khuê Tự, ngôi chùa này được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Hiện nay chùa Vẽ nằm trên địa bàn phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, trong chùa còn rất nhiều tượng phật quý. Nhưng mới đây, chùa Vẽ bị kẻ gian đột nhập lấy cắp mất 4 pho tượng quý có niên đại mấy trăm năm, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ cao.

Người đầu tiên phát hiện ra sự việc là ông Nguyễn Quốc Triệu, sinh năm 1952, trú tại tổ dân phố Hậu, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông Triệu là bảo vệ tại chùa Vẽ, sáng sớm ngày 28/12/2017, ông Triệu phát hiện ra chùa bị kẻ gian đột nhập, đã lập tức báo cho sư chủ trì tại chùa là sư Thích Thanh Tuấn (sư Thích Thanh Tuấn sinh năm 1978).

Sư Thích Thanh Tuấn lập tức đi kiểm tra và phát hiện chùa bị mất 4 pho tượng quý, sư Tuấn lập tức ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Triệu đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Bắc Giang trình báo về sự việc: Đêm 27, rạng sáng ngày 28/12/2017 chùa Vẽ bị kẻ gian đột nhập trộm cắp lấy đi mất 4 pho tượng quý, ngay sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Bắc Giang đã tiến hành điều tra, xác minh theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Cổng chùa Vẽ to đẹp, nhưng không có cửa để khóa, vì vậy kẻ gian rất dễ đột nhập từ cửa chính diện

Cụ thể chùa Vẽ đã bị mất những pho tượng quý sau: Hai bên tả, hữu ở chính điện bị mất hai bức tượng là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, và Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, đặt ở vị trí phía bên phải hàng thứ hai trong tòa thượng điện (nhìn từ trong chùa ra), đang trong tư thế đứng trên bệ đài sen, đầu đội mũ tì lừ tròn, có trang trí hình hoa dây neo, mặt sơn phấn hồng, hai tay nâng đỡ cuộn giải vân mây hướng về bên trái, tượng tạc chất liệu gỗ, mặc hai lớp áo buông giải sơn màu mận chín.

Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ở vị trí hàng thứ hai phía bên trái tòa thượng điện (nhìn từ trong chùa ra) đang trong tư thế đúng trên bệ đài sen (đặc điểm kích thước giống tượng Quan Thế Âm Bồ Tát) và hai tay nâng cuộn giải vân mây, đặt trên bình cam lồ hướng về bên phải. Cả hai pho tượng mang phong cách thời Lê Trung Hưngthế kỷ XVIII.

Ở trên chính điện bị mất hai pho tượng là Tam Thế Phật, tượng ngồi ở vị trí hàng thứ nhất bên trái tòa thượng điện (nhìn từ trong chùa ra) tóc xoắn ốc, ngồi trên đài sen bằng gỗ, mắt khép hờ, tai to dài, mặt hiền từ, hai tay khép ấn trong lòng đùi, tượng tạc chất liệu gỗ, có chiều cao 80cm, vai rỗng 35cm, hai gối mở rộng 50cm, mặc hai lớp áo sơn thếp màu mận chín. Cả hai pho tượng trên cũng mang phong cách thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII.

Ổ khóa cửa bên trong chỉ móc cho đẹp

Truy tìm tượng Phật bất thành

Sau khi nhận được thông báo tại chùa Vẽ mất 4 pho tượng quý, các cơ quan chức năng ở Bắc Giang đã vào cuộc điều tra xác minh theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Ngày 2/2/2018 UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 394/UBND –KGVX gửi Sở Văn hóa thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Báo Bắc Giang; Đài PTTH tỉnh; UBND các huyện, thành phố nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ di vật cổ vật tại các di tích.

Ngày 3/1/2018, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang nhận được báo cáo số 93/BC – VHTT ngày 29/12/2017 của Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Bắc Giang về việc mất cắp tượng Phật tại chùa Vẽ, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.

Ngày 4/1/2018, bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Bắc Giang, UBND phường Thọ Xương tiến hành kiểm tra thực tế tại chùa Vẽ. Qua kiểm tra thực tế, bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã có ý kiến đề nghị Ban Quản lý di tích chùa Vẽ đề cao cảnh giác, tăng cường công tác quản lý, chống mất cắp di vật, cổ vật trong thời gian tới.

Căn cứ Công văn số 206/SVHTTDL – QLDSVH, ngày 1/3/2018 của Sở Văn Hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang về việc xác định niên đại, giá trị của 4 pho tượng bị mất tại chùa Vẽ, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và các tài liệu điều tra thu thập được thấy có dấu hiệu tội phạm “Trộm cắp tài sản”. Ngày 2/3/2018, Cơ quan Công an thành phố Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 64 về tội trộm cắp tài sản theo quy định tài điều 173 BLHS để tiến hành điều tra theo luật định.

Quá trình điều tra đã tiến hành xác minh, ra thông báo truy tìm vật chứng vụ án, nhưng đến nay chưa thu hồi được vật chứng, chưa chứng minh làm rõ đối tượng gây án. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, nhưng chưa xác định được bị can, căn cứ điểm a, khoản 1 điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự, ngày 12/5/2018 Cơ quan điều tra Công an thành phố Bắc Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự trên.

Mất 4 tượng Phật quý hiếm, nhưng sao trong chùa còn nhiều tượng quý hiếm chưa có biện pháp để bảo vệ?

Được biết ngay sau khi nhận được thông báo việc mất trộm tượng Phật ở chùa Vẽ, phường Thọ Xương, ngày 29/12/2017, UBND thành phố Bắc Giang đã có công văn số 2964/UBND –VHTT gửi UBND phường Thọ Xương có trách nhiệm phối hợp với Công an thành phố để điều tra, làm rõ vụ việc trên. Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý di tích chùa Vẽ tăng cường công tác quản lý, bố trí người trông coi, bảo vệ di tích, đảm bảo an ninh trật tự và ổn định tình hình trong nhân dân.

Phường Thọ Xương và Ban Quản lý chùa Vẽ cố tình phớt lờ sự chỉ đạo của UBND thành phố Bắc Giang? Ông Nguyễn Văn Tư phó chủ tịch UBND phường Thọ Xương cho biết sau khi nhận được thông báo mất tượng Phật, phường cũng đã cử cán bộ Công chức VH – XH vào nắm tình hình, chỉ đạo tổ dân phố, nhà sư trụ trì chùa Vẽ, Ban Hội đồng hương lão Đình chùa Vẽ phối hợp với lực lượng công an phường, công an thành phố kiểm tra hiện trường.

UBND thành phố Bắc Giang đã có công văn như trên, nhưng hiện nay tại chùa Vẽ vấn đề bảo vệ, và phương án bảo vệ các tượng Phật còn lại xem ra vẫn sơ sài, hay nói đúng ra là chưa có một phương án bảo vệ nào hết.

Vị trí kẻ gian đục tường ăn trộm tượng Phật đã được xây bịt kín lại

Trước khi mất 4 pho tượng Phật trên, tại chùa Vẽ đã có camera giám sát, và hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi so với trước lúc mất tượng. Trong chùa Vẽ, ngoài 4 pho tượng bị mất, vẫn còn rất nhiều pho tượng khác (cùng thời cùng niên đại với 4 pho tượng trên), cổng chùa xây rất hoành tráng, nhưng không có cửa để khóa, vì vậy kẻ trộm ban đêm vẫn có thể đột nhập rất dễ dàng để trộm cắp những pho tượng còn lại.

Bảo vệ vẫn chưa được tăng cường, trong chùa vẫn chỉ có một mình ông Nguyễn Quốc Triệu làm bảo vệ, đặc biệt là theo quan sát của phóng viên, phía trong cửa chùa có rất nhiều ổ khóa, nhưng chỉ móc vào cho đẹp? chứ không khóa lại. Vì vậy khi kẻ gian đục tường chỉ cần một lỗ nhỏ chui vừa người, sau đó mở cửa chính khuân vác tượng Phật ra ngoài rất dễ dàng.

Lẽ ra sau khi mất 4 pho tượng trên, việc đầu tiên là phải canh phòng nghiêm chỉnh, ban đêm phải khóa cửa cẩn thận, chỉ mở vào ban ngày để khách thập phương vào chừa (ban đêm khi nào chùa làm lễ thì mới mở cửa để người dân ra vào). Nhìn chung việc đảm bảo an toàn cho các bức tượng Phật tại chùa Vẽ hiện nay thấy vẫn đang còn rất sơ sài và lỏng lẽo. Kẻ gian cũng như ngựa quen đường cũ, chúng mà ăn quen bén mồi rồi, chỉ cần chờ cơ hội đến, nếu kẻ gian đột nhập một lần nữa thì những pho tượng Phật quý hiếm trong chùa liệu có còn?

Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để có phương án bảo vệ khẩn cấp các pho tượng Phật trong chùa Vẽ tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.

Vị trí đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trước khi tượng bị mất

Vị trí đặt tượng Đại Thế Chí Bồ Tát và 2 pho tượng Phật Tam Thế

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-khong-tim-thay-4-pho-tuong-quy-bi-mat-trom-tai-chua-ve-63528