Bắc Giang: Cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế thông thường

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế trong cả nước xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, các mặt hàng thuốc, vật tư y tế, hóa chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, tình trạng thiếu chỉ xảy ra đối với một số dược phẩm, thiết bị y tế đặc thù và thuộc gói thầu tập trung quốc gia.

Tính đến tháng 6/2022, Sở Y tế đã có kết quả đấu thầu tập trung đối với hơn một nghìn danh mục thuốc chữa bệnh (phê duyệt tháng 9/2021) và vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán In vitro (gồm: Thuốc thử, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát, dụng cụ, máy, thiết bị để phục vụ cho việc kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể người, phê duyệt tháng 1/2022). Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế thông thường phục vụ công tác điều trị.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Bắc Giang chuẩn bị thuốc.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Bắc Giang chuẩn bị thuốc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vị thuốc phục vụ công tác chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa mua được do chưa có số đăng ký lưu hành. Dù Bắc Giang có kết quả đấu thầu tập trung đối với danh mục thuốc từ tháng 9/2021 song đến ngày 31/12/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư 38/2021/TT-BYT (hiệu lực 15/2/2022) nêu rõ các cơ sở y tế không mua, bán, sử dụng vị thuốc cổ truyền khi chưa có số đăng ký lưu hành.

Hiện nay, các vị thuốc cổ truyền chưa có số đăng ký lưu hành nên một số đơn vị trúng thầu vẫn đợi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Một số loại thuốc đặc thù như: Cerebrolysin (dùng trong điều trị rối loạn trí nhớ, rối loạn độ tập trung, sa sút trí tuệ), Gliatin (chỉ định điều trị một số trường hợp đột quỵ cấp, phục hồi chức năng sau đột quỵ, chấn thương sọ não, phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não và sau phẫu thuật thần kinh), Citicolin (có tác dụng kích thích sinh tổng hợp các phospholipid trên màng tế bào thần kinh, giúp chống tổn thương não, tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh)… đã trúng thầu theo kết quả đấu thầu cấp quốc gia; thuốc Dopamin nhập khẩu từ nước ngoài (sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân do sốc).

Tuy vậy, do kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán về giá chậm tiến độ, một số thuốc có thay đổi thông tin nơi sản xuất hoặc thuốc nhập ngoại khiến nhà thầu hoặc doanh nghiệp cung cấp không chủ động được mặt hàng. Trước mắt, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế sử dụng thuốc khác thay thế.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, hiện một số nhóm vật tư, hóa chất đặc thù (như: Đinh, nẹp, vít, sten...) chưa có trong kết quả đấu thầu tập trung nên các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đang xúc tiến tổ chức đấu thầu để sớm bảo đảm nguồn thuốc, vật tư y tế, hóa chất.

Căn cứ theo kế hoạch và nhu cầu thực tế, đề xuất từ cơ sở, từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế, TP Bắc Giang. Việc đấu thầu, mua thuốc đang được các đơn vị xúc tiến theo kế hoạch.

Để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm có đủ các vị thuốc y học cổ truyền chữa bệnh, Sở Y tế Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021. Cùng đó, đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh nâng cao năng lực dự báo, xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế hợp lý, tiết kiệm, khoa học. Bám sát các văn bản quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế để chủ động mua sắm các mặt hàng hiện chưa có kết quả trúng thầu tập trung, vì mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Tin, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/386186/bac-giang-co-ban-dap-ung-nhu-cau-su-dung-thuoc-vat-tu-y-te-thong-thuong.html