Bắc Giang: Gỡ vướng cho phát triển điện mặt trời mái nhà

Dù góp phần tạo ra nguồn điện hiệu quả từ khai thác năng lượng tự nhiên song việc phát triển điện mặt trời mái nhà đang gặp khó. Bắc Giang đã đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích, tăng lượng điện 'xanh' phù hợp với tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh.

Thêm nguồn cung cho ngành điện

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, đến nay đơn vị đang ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với hơn 600 khách hàng, tổng công suất lắp đặt là 15,97 MWp. Năm 2022, sản lượng điện từ nguồn này phát lưới bình quân khoảng 748.000 kWh/tháng với số tiền trước thuế khoảng 1,5 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2023 khoảng 460.000 kWh với số tiền trước thuế khoảng 0,9 tỷ đồng. Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã giúp người dân, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm điện, giảm chi phí.

Nhờ có nguồn điện mặt trời, gia đình bà Nguyễn Thị Sáng tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt.

Nhờ có nguồn điện mặt trời, gia đình bà Nguyễn Thị Sáng tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sáng, thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ năm 2020. Nhờ vậy, nguồn điện ngoài đủ sử dụng trong gia đình còn dư ra, bán cho ngành điện được khoảng 400-500 nghìn đồng/tháng. Cùng với một số hộ gia đình, không ít DN đã giảm được chi phí đầu vào do có điện mặt trời.

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, đến nay đơn vị đang ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với hơn 600 khách hàng, tổng công suất lắp đặt là 15,97 MWp. Năm 2022, sản lượng điện từ nguồn này phát lưới bình quân khoảng 748.000 kWh/tháng.

Ông Trương Thanh Nghị, cán bộ phụ trách lĩnh vực điện của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu thông tin, hiện DN đã đầu tư hai hệ thống điện mặt trời mái nhà. Từ hệ thống này, đơn vị tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu kWh mỗi năm, tương đương hàng tỷ đồng. Hay Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) cũng đầu tư hơn 12 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện từ năng lượng mặt trời. Sau khi đưa vào sử dụng, nguồn điện bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho 6 xí nghiệp. Đơn vị ước tính mỗi năm tiết kiệm từ 3-5 tỷ đồng chi phí về điện.

Sớm có hướng dẫn cụ thể

Mặc dù giúp DN, người dân giảm chi phí, bổ sung nguồn, giảm áp lực cho ngành điện song việc phát triển điện mặt trời mái nhà đang gặp một số trở ngại. Hiện nay, điện dư thừa từ nguồn năng lượng mặt trời nếu không sử dụng hết đã không được ngành điện mua. Nguyên nhân là do từ ngày 1/1/2021 đến nay, Chính phủ và Bộ Công Thương chưa ban hành cơ chế về giá, chưa hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà sau ngày 31/12/2020 nên ngành điện chưa có cơ sở để thỏa thuận đấu nối, hướng dẫn việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Vì vậy, Công ty Điện lực Bắc Giang đã chấp thuận đấu nối 14 hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự dùng với tổng công suất 2,76 MWp.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại DN thuộc KCN Vân Trung.

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, nhiều DN trong KCN mong muốn đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái như: Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang); Công ty TNHH Vật liệu điện tử Việt Nam; Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam; Công ty TNHH Lukshare ICT (Việt Nam); Công ty TNHH công nghệ Chính xác Fuyu; Công ty TNHH Fuhong precision component (Bắc Giang); Công ty TNHH Vina Cell Technology; Công ty TNHH Vina Solar Technology...

Tuy nhiên, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái nên các DN gặp khó trong đầu tư, triển khai thực hiện và thỏa thuận đấu nối với ngành điện. Đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về đầu tư, lắp đặt và đấu nối với hệ thống điện quốc gia nhằm khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và chi phí của DN trong quá trình hoạt động.

Theo Sở Công Thương, tỉnh Bắc Giang có tiềm năng để khai thác điện mặt trời mái nhà tại tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học, khu, cụm công nghiệp với tiềm năng kỹ thuật khoảng 2.320 MW. Hơn nữa, tỉnh đã hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển thêm 72 cụm công nghiệp, 33 KCN với tổng diện tích 12.855 ha; giai đoạn đến 2030, tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8.959 ha.

Theo đó nhu cầu nguồn điện cấp cho tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 khoảng 4.500 MVA. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp thì việc bổ sung các nguồn phát điện cấp cho tỉnh Bắc Giang là hết sức cần thiết. Trong đó, ưu tiên việc phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, vì vậy cần văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để khuyến khích và phát triển điện mặt trời mái nhà có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, không để xảy ra việc phát triển tràn lan; đồng thời bảo đảm vận hành và độ tin cậy hệ thống điện.

“Điều kiện địa hình có số giờ nắng trung bình, cường độ bức xạ trung bình khác nhau nên đề nghị Bộ Công Thương xem xét có cơ chế đặc thù đối với hệ thống điện mặt trời theo vùng miền khác nhau, đặc biệt đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc để phù hợp với điều kiện thực tế. Hướng dẫn cụ thể các chế tài xử lý đối với các dự án điện mặt trời không bảo đảm quy định”, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất.

Thực tế, việc cung cấp điện cho mùa nắng nóng năm nay ở cả miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Mới đầu mùa, Bắc Giang đã phải tiết giảm điện tại một số KCN, khu vực dân sinh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất. Việc có thêm nguồn điện bổ sung cho điện lưới từ điện mặt trời mái nhà được coi là một trong những giải pháp hiệu quả. Với việc ngày 15/5/2023, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, hy vọng sẽ sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo để khuyến khích và thu hút người dân, DN tham gia.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/405349/bac-giang-go-vuong-cho-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha.html