Bắc Giang: Kiến nghị xử lý bất cập về xác định án chưa có điều kiện thi hành

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại án chưa có điều kiện thi hành trong thời gian qua tại Bắc Giang còn gặp một số vướng mắc,cần sớm được cơ quan cấp trên có giải pháp để giải quyết.

Buổi gặp mặt nhân Ngày truyền thống tại Cục THADS tỉnh Bắc Giang

Buổi gặp mặt nhân Ngày truyền thống tại Cục THADS tỉnh Bắc Giang

Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bắc Giang lý giải những vướng mắc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến hai nguyên nhân chính là tình huống xảy ra trên thực tế nhưng pháp luật chưa quy định và xung đột ngay trong chính các quy định của pháp luật hiện hành.

“Ảo” về tiền có điều kiện thi hành

Mặc dù Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định cụ thể các trường hợp để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án nhưng thực tế tại địa phương còn có rất nhiều trường hợp người được thi hành án có tài sản song cũng không thể thi hành được và cần phải được phân loại xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành. Theo đại diện Cục THADS tỉnh Bắc Giang, đó là trường hợp một người phải thi hành án số tiền rất lớn (có thể lên đến vài trăm tỷ đồng) nhưng chỉ có tài sản duy nhất đang xử lý để thi hành án, có điều tài sản xử lý thẩm định giá chỉ có giá trị bằng một phần rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì toàn bộ số tiền, nghĩa vụ của người đó vẫn phải xếp vào diện có điều kiện thi hành bất chấp trên thực tế phần lớn số tiền này là không có điều kiện thi hành án vì họ chỉ có một tài sản duy nhất đang xử lý. Thời gian xử lý tài sản thường kéo dài, đặc biệt là việc xử lý các tài sản liên quan đến bất động sản, có những vụ việc cơ quan THADS đã đưa ra bán đấu giá rồi phải giảm giá nhiều lần (cá biệt có vụ việc phải giảm giá đến lần thứ 31) mới có người mua tài sản, do vậy không thể chủ động trong tổ chức thi hành án.

Cục THADS tỉnh Bắc Giang thẳng thắn cho rằng quy định trên dẫn đến số tiền có điều kiện thi hành trên báo cáo thống kê không đúng với thực tế, gây áp lực cho chấp hành viên và các cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án theo chỉ tiêu được Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao hàng năm, là con số ảo so với thực tế. Vì thế, Bắc Giang đề nghị, đối với những vụ việc người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất, hiện đã bị cơ quan THADS kê biên, thẩm định giá, ký hợp đồng bán đấu giá mà giá trị tài sản theo chứng thư thẩm định thấp hơn nghĩa vụ phải thi hành án thì số tiền chênh lệch theo quyết định thi hành án và giá tài sản thực tế được chuyển sang diện chưa có điều kiện thi hành để số liệu trên báo cáo phản ánh đúng thực tế hồ sơ tổ chức thi hành vụ việc.

Sẽ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung

Cũng theo Cục THADS tỉnh, thực tế thi hành án tại địa phương có rất nhiều vụ việc người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp xử lý tài sản chung)… đang đi xuất khẩu lao động hoặc làm ăn sinh sống ở nước ngoài, không xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài nên không thể thực hiện được việc yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự trong THADS theo quy định tại Điều 181 Luật THADS. Trong trường hợp này, không thể xử lý tài sản, giải quyết việc thi hành án dù người phải thi hành án có tài sản, dẫn đến tồn đọng án. Để xử lý, Bắc Giang đề nghị bổ sung thêm quy định để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp này, bảo đảm phù hợp với thực tế.

Đáng chú ý còn có trường hợp tài sản thế chấp là động sản (ô tô, xe máy...) bản án, quyết định tuyên phát mại để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hoặc trường hợp mua xe trả góp có sự bảo lãnh bằng tín chấp tại ngân hàng… nhưng đến thời điểm tổ chức việc thi hành án, xác minh tài sản hiện không còn, không xác định được tài sản ở đâu, người phải thi hành án không còn tài sản, thu nhập đảm bảo thi hành án.

Theo quy định hiện hành thì trường hợp này chưa có căn cứ xác định việc chưa có điều kiện thi hành án vì trên giấy tờ thế chấp tài sản vẫn mang tên chủ sở hữu là người phải thi hành án, chưa sang tên, chuyển nhượng cho ai. Bởi thế, khi xác minh điều kiện thi hành án tại cơ quan có thẩm quyền thì người phải thi hành án vẫn có tài sản là ô tô, xe máy, trong khi tài sản đã được bán cho người khác… Loại việc “có điều kiện” mà không thể thi hành này phát sinh ngày càng nhiều tại địa phương và chưa có hướng giải quyết nên cũng cần được xác định là thuộc diện chưa có điều kiện thi hành.

Tiếp nhận các kiến nghị từ địa phương về xác định án chưa có điều kiện. Tổng cục THADS chia sẻ rằng, quy định về các căn cứ xác định việc chưa có điều kiện tại Điều 44a là chưa phù hợp. Trong đó, đã ghi nhận sự bất hợp lý của trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành số tiền rất lớn mà tài sản của họ có giá trị rất nhỏ (kể cả trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp) nhưng vẫn phải chờ xử lý xong tài sản mới được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành.

Tổng cục phân tích, về nguyên tắc khi chưa bán (xử lý) xong tài sản thì không xác định được chính xác số tiền thi hành án mà cơ quan thi hành án thu được nên quy định hiện hành là phù hợp. Tuy nhiên, đối với trường hợp trên, Tổng cục cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật./.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/bac-giang-kien-nghi-xu-ly-bat-cap-ve-xac-dinh-an-chua-co-dieu-kien-thi-hanh-408467.html