Bắc Giang: Nâng tầm thương hiệu nông sản nhờ Chương trình OCOP - Bài 2: Nâng cao hiệu quả chương trình OCOP

Mặc dù đã đạt được một số thành công, song chương trình OCOP Bắc Giang vẫn đang đối diện với một số khó khăn cần giải quyết.

Chưa có nhiều sản phẩm mới

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP” năm 2022 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây, ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép các Chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình.

Công tác rà soát phát triển sản phẩm mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp.

Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thêm, hiện nay bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; nhiều quy định pháp luật, hình thức kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện, tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới công tác xúc tiến thương mại. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 10 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu (chiếm 5,5%) và có khoảng 56 sản phẩm OCOP (chiếm 31,1%) vào được siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong nước. Như vậy có thể nói công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm quan gian hàng sản phẩm OCOP Bắc Giang

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm quan gian hàng sản phẩm OCOP Bắc Giang

Những hạn chế này có nguyên nhân có thể kể đến như trong tổng số 97 chủ thể của 180 sản phẩm OCOP thì chỉ có 08 chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 8,2%), số chủ thể là HTX là 76 chủ thể (chiếm 78,4%), số chủ thể là Cơ sở sản xuất là 13 chủ thể (chiếm 13,4%).

Trong khi đó, hiện nay, HTX còn đang tồn tại rất nhiều hạn chế về trình độ năng lực, nhân lực, kinh tế… dẫn đến còn chưa có sự hiểu biết cũng như chưa có sự quan tâm nhất định đến việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; chủ yếu sản xuất theo thị trường nhưng chưa quan tâm đến hồ sơ chất lượng sản phẩm cũng như các yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP còn chưa thật sự quan tâm đến đầu tư xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, nhãn mác sản phẩm. Điều này khiến cho sản phẩm của chúng ta gặp nhiều khó khăn rất lớn trong cạnh tranh với các sản phẩm khác cũng như hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP còn mang tính mùa vụ cao, được sản xuất với sản lượng thấp, quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các yêu cầu về sản lượng của thị trường.

“Các hạn chế trên đã ảnh hưởng lớn đến công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh”, đại diện Sở Công Thương nêu rõ.

Về phía doanh nghiệp, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn cho biết, thực tế quá trình triển khai thực hiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng đã cho thấy những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là, sản phẩm đặc trưng của các địa phương chưa sản suất được nhiều, việc sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao, tức là ở mức trung bình.

Chưa kể, nhận thức của một số người trong sản xuất về việc tham gia chương trình OCOP, dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đầy đủ. Sản suất còn nhiều khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm chưa bài bản; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn. sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP còn có những hạn chế nhất định, nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chưa hiệu quả. Trong khi đó, bản thân các hộ sản xuất còn thụ động trong tổ chức sản xuất, chưa nhiệt tình tham gia. Việc triển khai ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị còn thấp.

Việc duy trì sản lượng sản phẩm để tiêu thụ cũng là điều khó khăn. Thực tế từ Công ty TNHH JOY Việt Nam cho thấy, khi vào hàng được các hệ thống có độ phủ, số lượng điểm bán lớn thì sản lượng là một vấn đề lớn của nhà sản xuất nhỏ lẻ. Ban đầu khi vào hàng khoảng 50 siêu thị lớn của hệ thống Winmart và 3 điểm Coop mart, cùng các chuỗi khác như: Bác Tôm, Sói Biển. Sản lượng tăng lên như vậy đã lấy làm mừng, nhưng cũng bắt đầu lo. Cho tới khi sản phẩm phân phối ở khu vực phía Nam, cùng lúc Winmart mở mã vào hàng ở các điểm Vinmart+ ở toàn bộ khu vực phía Bắc, sản lượng tăng lên đột biến thì đó thực sự là một khủng hoảng thiếu của đơn vị nhỏ với nguồn lực còn hạn chế như công ty.

“Thời điểm đó xưởng liên tục phải tăng ca mà sản lượng hàng giao vẫn thiếu. Đây cũng là một phần đề khá phổ biến ở các đơn vị sản xuất nhỏ với nguồn lực hạn chế, hàng mới ra bán nhỏ giọt thì cố sức bán, khi hàng vào hệ thống lớn rồi thì không đủ sản lượng, do đầu tư không tính được dài hoặc thiếu vốn đầu tư máy móc, vốn lưu động, mặt bằng sản xuất…” - đại diện Công ty TNHH JOY Việt Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám Đốc Công ty Cổ phần XNK Thực phẩm Toàn Cầu nêu vẫn đề, việc quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các đối tượng vẫn chưa thực sự giúp doanh nghiệp tự tin trong việc triển khai hàng xuất khẩu đại trà. Chúng tôi đã từng gặp trường hợp, khi lấy mẫu test dư lượng thì đạt nhưng khi sản xuất đại trà và kiểm mẫu ngẫu nhiên thì vẫn bắt gặp kết quả vượt ngưỡng dư lượng mà thị trường cho phép. Việc thu hoạch tại các vùng được kiểm soát về dư lượng nhiều khi không đủ để đáp ứng đơn hàng, do đặc thù cần đủ nguyên liệu ngay cho tối thiểu một cont sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Duy trì và nâng cao hiệu quả chương trình

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, thời gian tới, để duy trì và nâng cao hiệu quả chương trình, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua tất cả các kênh thông tin truyền thông, truyền hình, báo chí và mạng xã hội. Đây được xác định là công tác then chốt giúp sản phẩm chất lượng của tỉnh tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng và các thị trường mới.

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Bắc Giang

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thực hiện có trọng điểm, tập trung vào thị trường có thế mạnh. Trong đó, tập trung tổ chức hội nghị, diễn đàn kết hợp trưng bày triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm; xúc tiến thương mại kết hợp xúc tiến đầu tư và xúc tiến quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương; cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp truyền thống và trực tuyến, phù hợp với xu thế và điều kiện thực tế, giúp thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu được ổn định.

Xác định việc chinh phục thị trường tiêu thụ trong nước vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại.

Chính vì thế công tác tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài, hỗ trợ thâm nhập thị trường đã được quan tâm đặc biệt như tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố; hỗ trợ kinh phí gian hàng tiêu chuẩn cho hàng trăm lượt doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trưng bày, triển lãm tại hội chợ thương mại trong nước. Các gian hàng trưng bày triển lãm của tỉnh Bắc Giang đã thu hút hàng vạn lượt khách hàng đến thăm quan, tìm hiểu, đánh giá cao về sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và có chất lượng… Qua đó đã góp phần giúp thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định và được mở rộng.

Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm theo hướng không chỉ hỗ trợ về mặt kinh phí mà còn đẩy mạnh việc tuyên truyền hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu, quảng bá chất lượng đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thông qua bao bì nhãn mác. Qua đó các đơn vị đã quan tâm đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời chú trọng hơn đến khâu thiết kế, in ấn, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, góp phần tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thuận lợi với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng cũng như sản phẩm nông sản khác tiếp cận thương mại điện tử trong thời kỳ mới.

Trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID 19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; tiêu thụ hàng hóa, nông sản đã được định hướng chuyển sang phục vụ tối đa các nhu cầu của thị trường trong nước. Sở đã tiến hành hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến (gồm website, hệ thống email, Fanpage trên Facebook, landing page); xây dựng gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Giang trên sàn TMĐT Alibaba.com. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tạo các gian hàng trên các sàn TMĐT nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp website thương mại điển hình; ứng dụng phần mềm bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp, HTX.

Trong năm nay Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang nói chung cũng như các sản phẩm OCOP nói riêng xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm tối ưu tự động quy trình kinh doanh trực tuyến giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ tối ưu quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là bước chuyển hướng đúng đắn và phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới cũng như sẽ dễ dàng giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh có cơ hội tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, đã có một số HTX tiếp cận thay đổi phương thức hoạt động qua ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tổ chức quản lý sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch tiêu thụ lớn, như Ladaza, Shopee… Qua đó phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang thời gian tới sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung vào các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản và OCOP để phát huy vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của các chủ thể kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn với hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu cho cơ sở, doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh.

Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và các đơn vị sản xuất, kinh doanh về sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm và phối hợp của các chủ thể, các bên liên quan tham gia vào các hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống đầu mối các sở, ngành liên quan và địa phương để hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động tạo lập, quản lý phát triển tài sản trí tuệ và phát triển sản phẩm OCOP, từ đó từng bước hình thành nên mạng lưới hỗ trợ chung của tỉnh.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-giang-nang-tam-thuong-hieu-nong-san-nho-chuong-trinh-ocop-bai-2-nang-cao-hieu-qua-chuong-trinh-ocop-242856.html