Bắc Giang: Quan họ cổ làng Đình Cả

Ở làng Đình Cả, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều thế hệ cùng đam mê hát dân ca quan họ. Đáng mừng hơn, trong câu lạc bộ (CLB) quan họ của làng có nhiều thành viên đã lớn tuổi song vẫn đầy nhiệt huyết, lặng lẽ truyền dạy dân ca cho lớp trẻ.

Làng Đình Cả trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Mật Ninh. Trong làng có 2 dòng họ cư trú lâu đời là Nguyễn Danh và Phạm Hữu. Làng có 3 xóm gồm: Thón, Đình, Mang. Đây là một làng cổ nên từ xa xưa đã lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như các di tích lịch sử đình, chùa, miếu, từ chỉ… có niên đại từ thời nhà Lê.

Các liền chị quan họ làng Đình Cả.

Đặc biệt, nhân dân còn lưu giữ lại những nét đặc trưng của dân ca quan họ vùng Bắc sông Cầu. Người dân nơi đây yêu quan họ, coi đó là món ăn tinh thần, vậy nên có những cụ ngoài 80 tuổi vẫn say sưa quan họ.

Đến thôn Đình Cả vào dịp dân làng đang mùa thu hoạch lúa, dù ngày mùa rất bận rộn nhưng các thành viên trong CLB vẫn đến từ chỉ của làng từ rất sớm, trong đó có một số liền anh, liền chị đã cao tuổi. Trong trang phục truyền thống họ “khoe” những làn điệu dân ca truyền thống của quê hương. Những câu hát lề lối, phong tục cổ truyền trong văn hóa ứng xử của người quan họ được các cụ thuộc nằm lòng và thể hiện say sưa.

Điển hình là cụ Chu Thị Ngói, 87 tuổi. Cụ Ngói biết hát dân ca quan họ từ thời niên thiếu và được xem là người “biết đủ lối, thuộc đủ câu”. Mặc dù sức không còn khỏe, giọng không còn được vang, mắt đã mờ, chân tay đã chậm nhưng cụ thuộc cả trăm câu quan họ cổ.

Cụ Ngói tự hào kể: Từ thời còn con gái, cụ đã được ông bà, bố mẹ và những người lớn trong làng truyền dạy quan họ. Mọi người thường hát quan họ vào những buổi đi làm đồng, những đêm trăng thanh gió mát thanh niên làng rủ nhau giao lưu văn nghệ, hoặc hăng hái tham gia hát trong các lễ hội xuân của làng, xã.

Theo liền chị Ngói, hồi xưa hát quan họ không có nhịp đàn mà toàn hát “chay” (không đệm đàn). Các làn điệu đều là lời cổ, hát canh, hát đối. Để hát thuần thục, hiểu tận tường tập quán trong sinh hoạt của người quan họ cần phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài như phải tập cách lấy hơi, kỹ thuật luyến láy rồi mới tính đến vang, rền, nền, nảy.

Người chơi phải hiểu và hát được các giọng: Vặt, kết, giã, hát lề lối, hát đối, hát canh… Cụ Ngói thể hiện cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài quan họ cổ “Tứ hải giao tình”. Trong gia đình cụ, con gái, con dâu và các cháu nội, ngoại đều biết hát quan họ mà chính cụ Ngói là người truyền cảm hứng cho lớp trẻ.

Còn theo như cụ Trần Thị Sáu, 85 tuổi, ngày còn trẻ cụ và một số người cùng trang lứa ở Đình Cả sang tận Bắc Ninh hát giao lưu. Những bài quan họ cổ mà các bậc cao niên trong làng vẫn còn thuộc như: Kim Lan nhớ bạn, Kim Lan ra đứng cổng chùa, Lên núi Ba Vì, Tuấn Khanh, Gọi đò, Đôi bên bác mẹ đều già, Nguyệt gác mái đình...

Bao nhiêu năm gìn giữ dân ca, nhiều thành viên trong CLB quan họ Đình Cả vẫn tự hào cất cao những làn điệu dân ca truyền thống. Nhiều người trẻ trong làng được trao truyền, nâng niu những giá trị quý báu ấy. Chủ nhiệm CLB quan họ làng Đình Cả - Nguyễn Danh Hiển, 63 tuổi cho biết: Năm 2005, nhận thấy những người lưu giữ các làn điệu quan họ cổ ở Đình Cả hầu hết tuổi đã cao.

Một mai các cụ qua đời, những vốn cổ quý ấy sẽ đi theo cùng nên tập thể cán bộ và nhân dân trong thôn đã đứng ra thành lập CLB quan họ và tạo điều kiện động viên mọi người cố gắng duy trì để giữ lại vốn tinh hoa văn hóa của quê hương. Các thành viên đều là những hạt nhân văn nghệ, nhiệt tình với phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Hiện nay, CLB có hơn 50 thành viên, người cao tuổi nhất đã 94. Mọi người tự đóng kinh phí may trang phục, thuê âm thanh, nhạc công, tổ chức các hoạt động giao lưu hát quan họ trong, ngoài tỉnh... Vào ngày lễ hội làng (mùng 9 tháng Giêng), CLB biểu diễn dân ca quan họ trên thuyền trước cổng đình thu hút đông đảo khán giả cổ vũ. Hằng năm, tại liên hoan hát quan họ tại chùa Bổ Đà, CLB đều tham gia và giành nhiều giải thưởng cao.

Ông Nguyễn Danh Hiển tâm sự: Thực tế lớp trẻ đang ngày càng ít quan tâm đến dân ca quan họ cổ. Để các thế hệ mai sau không quên đi gốc tích, bản thân các thành viên trong CLB đang nỗ lực duy trì sinh hoạt, truyền dạy cho con em mình.

Cũng may trong làng còn có những người như cụ Sáu, cụ Ngói, cụ Nhung… biết nhiều về quan họ cổ và tích cực trao truyền cho hậu thế những làn điệu dân ca đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuấn Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-quan-ho-co-lang-dinh-ca-72487