Bác Hồ đã từng nói: 'Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn'…

Cùng với sự kiện trọng đại kỷ niệm ngày thành lập nước 2/9, Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9, Nam Bộ kháng chiến 23/9, còn có ngày kỷ niệm thành lập TAND 13/09/1945.

Tháng Chín. Mùa Thu…

Theo biên sử của TAND, ngày 13/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập Tòa án binh, tiền thân của TAND ngày nay.

Thấm thoắt đã 74 năm trôi qua. 74 năm đất nước thăng trầm, biến thiên trong mấy cuộc kháng chiến bảo vệ giang sơn; biết bao sự kiện diễn ra trên mảnh đất Việt Nam, biết bao những thay đổi, cải cách để bộ máy Nhà nước ngày thêm vững chắc, xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước, TAND đã trải qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới theo định hướng và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Anh bạn vong niên của tôi là Tiến sĩ Luật học, công tác ở một Viện nghiên cứu Luật pháp, một người gần như cả đời chuyên nghiên cứu về tư pháp, đặc biệt là về hoạt động xét xử của Tòa án. Trong tiết thu mát mẻ, cuộc trò chuyện Tháng Chín giữa tôi với anh bạn Tiến sĩ về một vài đổi mới căn bản của Tòa án trong hành trình bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

- Tòa án đã có nhiều cải cách, đổi mới để xét xử tốt hơn… Anh có nhớ cụ thể đổi mới ở những giai đoạn nào không? Tôi hỏi anh bạn vong niên.

- Đổi mới nhiều chứ! Bắt đầu từ giai đoạn “bốn lăm”. Sau khi thành lập Tòa án binh, Tòa án thường bắt đầu hình thành, tên gọi vẫn giữ như cũ là Tòa sơ cấp, Tòa đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm. Từ năm 1950, do tính chất chế độ ta là Nhà nước của nhân dân, dẫn đến đổi tên các Tòa án thành TAND huyện, TAND tỉnh và TAND phúc thẩm. Tổ chức và hoạt động của Tòa án tiếp tục có nhiều thay đổi qua các giai đoạn lịch sử để phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước…

- Còn TANDTC?

- Lúc đó chưa có Tòa án tối cao. Mãi tới năm 1958, Quốc hội, Chính phủ mới thành lập TANDTC và Viện Công tố TW, tách hai cơ quan này độc lập… Nói những thay đổi đó thì dài lắm, cậu muốn biết cứ giở cuốn Kỷ yếu Tòa án ra mà đọc, có hết trong đó đấy…

- Vâng. Nhưng theo anh, thay đổi nào là cơ bản nhất trong hoạt động xét xử của Tòa án suốt từ đó đến nay?

 Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Anh bạn Tiến sĩ mắt bừng sáng:

- Thay đổi quan trọng nhất, theo mình là đã bỏ hẳn được quan niệm cũ là “án tại hồ sơ”… Thực ra, hồ sơ vụ án chỉ là căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét, điều tra tại phiên tòa. Nếu chỉ nhất nhất tin theo hồ sơ dễ dẫn đến oan sai… Ở ta, nhiều năm áp dụng mô hình thẩm vấn, thế giới từ lâu đã áp dụng tranh tụng. Gần đây, nhất là từ khi thực hiện cải cách tư pháp, các Tòa án đã kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng vào xét xử. Mình nhớ tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Có nghĩa là phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

- Ra là vậy. Nhưng mấy năm rồi, thấy Tòa án phải công khai xin lỗi rồi bồi thường cho dân trong mấy vụ án oan… Dư luận có người cho rằng nền tư pháp của ta chưa có nhiều tiến bộ…?!

Khẽ lắc đầu, anh bạn vong niên, nhìn tôi, nhẹ nhàng nói:

- Nghĩ thế là sai. Thực ra, mấy vụ án oan đó xảy ra từ lâu, chính xác là từ thế kỷ trước, khi chúng ta chưa đề cao tranh tụng, hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ, tư duy “án tại hồ sơ” còn nặng nề, cơ chế kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ như hiện nay… Phải hiểu rằng phát hiện ra oan sai, rồi bồi thường, thẳng thắn xin lỗi người dân là bước tiến của nền tư pháp mới đúng. Một chế độ văn minh, tiến bộ là khi biết sai lầm thì công khai xin lỗi và bồi thường cho người dân. Nếu không công khai, minh bạch, không cầu thị, không vì dân thì làm gì có chuyện bồi thường, xin lỗi người dân như vậy…

- Anh nói chí lý. Gần đây, thấy nói Tòa án có nhiều giải pháp đổi mới hoạt động, mang lại hiệu quả tốt… anh có theo dõi và nắm được không ? Em nghe nói lượng án tồn đọng tại các Tòa án (năm này qua năm khác) thường xảy ra các năm trước đây, nay đã được khắc phục khá tốt… Theo anh, nhờ giải pháp nào?

- Khắc phục được là nhờ thực hiện nhiều giải pháp. Một trong các giải pháp đó, chính là việc Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tôi nhớ không nhầm là tại mục 2, quy định nhiệm vụ cải cách tư pháp Nghị quyết số 49, đã nêu rõ: Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Thực hiện nội dung này, Tòa án tối cao đã triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng, sau đó mở rộng diện thí điểm ra 16 địa phương trên cả nước. Tôi được biết là kết quả rất tốt, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành lên tới trên 70%. Điều đó, không những tiết kiệm thời gian, chi phí không phải mở phiên tòa, giảm căng thẳng, hóa giải mâu thuẫn giữa các bên, mà còn bớt đi một số lượng lớn các vụ án phải xét xử, giảm tải áp lực cho các Tòa án. Tòa án đang dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại trình Quốc hội xem xét, chắc sang năm sẽ thông qua…

- Tòa án độc lập xét xử, Hiến pháp quy định rõ rồi. Nhưng cá nhân Thẩm phán cùng với Hội đồng xét xử là người được Nhà nước giao trọng trách đưa ra những phán quyết trong các vụ án… Theo anh, có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát Thẩm phán, nhất là những quyết định, phán quyết mà họ đưa ra?

Anh bạn vong niên trầm ngâm:

- Vấn đề này cũng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Từ khi Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Tòa án 2014 ra đời, đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn. Cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán đều phải qua đào tạo, bồi dưỡng và thi tuyển công khai chứ không như xưa. Tòa án tối cao đã thường xuyên lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ đối với các Tòa án địa phương. Các bản án, quyết định đều phải công khai trên cổng thông tin điện tử để nhân dân, xã hội giám sát. Mình được biết, Tòa án tối cao và Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Quy định xử lý các chức danh tư pháp trong Tòa án và Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử của Thẩm phán… Cùng với đó, đã tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện sai sót, khắc phục ngay, hướng tới các phiên tòa đều phải là những phiên tòa mẫu mực…

Gần đây, Tòa án tối cao đã thí điểm nhận và gửi đơn, tài liệu tố tụng qua hộp thư điện tử, tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức và cá nhân có việc liên quan đến Tòa án. Người dân có thể ngồi ở nhà gửi đơn đến Tòa án, có thể xem được bản án mà Tòa án đã ban hành… Rất thuận tiện và tiết kiệm! Đây là bước đầu thể nghiệm để hướng tới xây dựng Tòa án điện tử trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển.

- Nghe anh nói càng thấy Tòa án có nhiều cải cách, đổi mới, và người hưởng lợi chính là người dân, tổ chức và toàn xã hội…

- Mình được biết gần đây, Chánh án TANDTC có đưa ra hai khái niệm pháp lý mới: Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân. Đây là khái niệm mới rất xác đáng, cũng chính là mục tiêu của nền tư pháp chúng ta, làm sao để nâng cao kiến thức, trình độ nhận thức pháp luật của người dân, để bản thân họ tự đoán định, tự quyết định những vấn đề tư pháp có liên quan đến bản thân họ. Khi người dân đã tự giác chấp hành pháp luật thì Tòa án cũng như các cơ quan pháp luật sẽ nhàn tênh, giảm tải rất nhiều khối lượng công việc phải thực hiện. Đúng như lời Bác Hồ đã nói với cán bộ Tòa án từ thế kỷ trước: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”…

- Cảm ơn TS đã trao đổi. Em nghe anh nói càng thấy sáng ra nhiều điều. Thi thoảng, mong anh dành thời gian trò chuyện về những vấn đề tư pháp mà em cùng nhiều người dân đang quan tâm.

Hà Nội, ngày đầu Thu - Tháng Chín 2019.

Hà Cầm Phong

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/bac-ho-da-tung-noi-xet-xu-dung-la-tot-nhung-neu-khong-phai-xet-xu-thi-cang-tot-hon-312398.html