Bác Hồ ở Cairo, Ai Cập

Năm 1946, Hồ Chí Minh lên đường đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Hành trình lịch sử kéo dài hơn 4 tháng ấy đã được Thư ký của Bác là ông Vũ Đình Huỳnh ghi chép cẩn thận. Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác, Báo TG&VN xin trích đăng đoạn ghi chép về chặng dừng chân tại Ai Cập trên hành trình đến Pháp của Bác*.

Bác Hồ và Phái đoàn thăm quan Viện Bảo tàng Ai Cập ngày 9/6/1946. (Ảnh do gia đình Nhà văn Sơn Tùng cung cấp)

... Ngày 31/5/1946, từ sân bay Gia Lâm, Bác Hồ cùng đoàn lên máy bay sang Pháp. Ngồi chung máy bay với Bác có các ông: Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Đệ và hai tùy tùng của Bác là ông Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện, cùng với tướng Salan, ông Darcy, đại úy Cartier…

Ngày 7/6, từ Baghdad bay đến Le Caire (Cairo). Khi bay qua Jerusalem, máy bay có bay một vòng trên kinh thành để mọi người được xem nơi chúa Jésus ra đời nhưng không có địa đồ nên chỉ thấy cây cối nhà cửa, không biết lăng ở chỗ nào.

Những ngày ở Le Caire

Lúc đến Le Caire có đại biểu sứ thần Pháp ra đón. Hồ Chủ tịch đến nghỉ tại sứ quán Pháp (Sứ thần đi vắng) còn các anh em phái đoàn thì nghỉ tại lữ quán.

Ngày 8/6, theo phép lịch sự, Cụ Chủ tịch cùng Tướng Salan và Đại biểu Pháp đi thăm vua Ai Cập. Nhà vua đi vắng. Nội vụ đại thần là ông Mahmoud Siouf Bey thay mặt Vua ra tiếp chuyện và mời uống cà phê, gọi là cà phê Ai Cập hoặc cà phê Turque, ngon có tiếng pha trong chén nhỏ xíu, chuyện trò chừng 10 phút thì ra về. Sau đó, Quan nội vụ đại thần có thay mặt Vua đến chào lại Hồ Chủ tịch. Nhưng Chủ tịch đi vắng. Ông ấy để thư và danh thiếp lại tỏ ý cám ơn.

Le Caire là Kinh đô nước Ai Cập, ở gần Địa Trung Hải, nằm trên bờ sông Nile. Dân số hơn 2 triệu. Thành phố đắp theo kiểu mới. Nhà cửa, phố xá nguy nga, trồng cây hai bên. Trên chợ dưới thuyền, rất sầm uất.

Mấy năm chiến tranh, tuy có quân Anh đóng trong nước, nhưng Ai Cập không tham chiến. Người Ai Cập lợi dụng dịp đó mà buôn bán trở nên giàu có. Người ngoại quốc ở đây khá đông, cho nên có nhiều lữ quán và hàng cơm rất sang trọng. Có các sạp báo bán báo bằng tiếng Ai Cập, tiếng Pháp và tiếng Anh. Ai Cập tuy trong vòng ảnh hưởng của nước Anh, nhưng người Ai Cập lại ham văn hóa Pháp. Người Pháp có mở nhiều trường học tại đây. Lúc này Ai Cập đương yêu cầu Anh rút quân đội đi. Cuộc đàm phán chưa có kết quả, cho nên không khí có vẻ nặng nề.

Ngày 9/6, Hồ Chủ tịch và phái đoàn đi xem Viện Bảo tàng Ai Cập. Viện này nổi tiếng thế giới. Lúc đến có ông Giám đốc Viện Prioton ra tiếp và dẫn đi xem. Ông là một nhà bác học Pháp rất giỏi về khảo cổ, tính tình vui vẻ. Trong Viện có những quý vật từ thời thượng cổ, cách đây đã 4 - 5 nghìn năm. Những ngai, hòm toàn bằng vàng của vua chúa thời đó. Những pho tượng bằng đá, những thứ vòng xuyến, chén, đĩa, bát, bằng ngọc, bằng vàng, chạm trổ cực khéo. Nếu đem những thứ đó so với ngày nay thì thấy rằng: thủ công nghệ đời nay không hơn gì đời xưa.

Gần chiều, đi xem “Thành phố chết”. Đó là một nghĩa địa ở gần thành phố. Nhà cửa đường sá không khác một thành phố cho người sống ở. Nhưng suốt ngày vắng tanh. Chiều lại mới có người đến cúng vái. Cách đó không xa, có một pháo đài lớn có lính Anh đóng. Đứng trên có thể xem suốt thành phố Le Caire. Lúc đi vào lính Anh nói ai có máy chụp ảnh thì phải để bên ngoài. Pháo đài này đắp theo kiểu Mông Cổ. Chính phủ Anh hứa trong vòng vài tháng nữa sẽ trả pháo đài ấy cho Ai Cập. Xem pháo đài rồi, đi xem Kim tự tháp Giza. Xung quanh tháp, toàn là bãi cát không có cây cối gì. Hình tháp ba góc, như cái bánh ú. Dưới to trên nhỏ, cao như hòn núi, toàn xây bằng những hòn đá vừa vuông vừa dài chừng 3, 4 thước Tây. Đá đó đem từ nơi khác đến, cách đây có hàng trăm dặm. Đời xưa chưa có máy móc, mà lấy được những hòn đá to như thế, đắp được những cái tháp cao như thế, thật là một công trình vĩ đại.

Gần bên tháp, có một tượng nhân sư bằng đá, đầu thì như đầu đàn bà, mình thì như mình sư tử, nằm trên bệ. Riêng cái bàn chân nó đã cao quá đầu người đứng. Đêm trời sáng trăng, trông vào tượng đá, đượm một vẻ nghiêm trang và thần bí lạ!

Chiều 9/6, Sứ quán Pháp làm tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Đến dự tiệc có các ông: Đô đốc Amalrich, Giáo sư Jouguet, Tướng Salan, Nhà bác học Brioton, bà Camborde, bà De Bataille v.v...

Đi thăm Luxor

Ngày 9/6 được tin Paris nói: Chính phủ Pháp mời Hồ Chủ tịch đến Cannes (Pháp) tạm nghỉ, chờ Chính phủ mới thành lập, sẽ đón Cụ Chủ tịch về Paris. Cụ Chủ tịch và mấy anh em trong phái đoàn đi xem Kim tự tháp Saquara ở Luxor. Tháp này lâu đời hơn tháp ở Le Caire. Và ở đây có những “mả chôn bò” đời xưa. Mả ở trong một cái hầm sâu và rộng thênh thang. Vào xem phải có đèn đuốc. Cách một đoạn lại có một mả bò. Bây giờ chỉ còn hòm chứ bò không còn nữa. Hòm làm bằng đá, mài trơn lỳ hoặc có chạm trổ dài hơn 3 thước Tây, ngang chừng 2 thước, cao hơn 2 thước, đặt trên các bệ bằng đá.

Ở Luxor, đền đài xưa còn nhiều. Những di tích chứng tỏ nghề kiến trúc và chạm trổ hồi đó rất khéo. Nhiều tường vách trong đền chùa có những bức vẽ, tả đời sống của vua chúa đời đó, màu sắc vẫn còn tươi. Nhớ lại trong Viện Khảo cổ, có những cành lá và những xác người đã cách mấy ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ nghề chế thuốc đời xưa giỏi lắm.

Ngày 10/6 lại được điện Paris nói mời Hồ Chủ tịch đến Biarritz, chứ không phải đến Cannes. Anh em có người đề nghị đi xem Ismalia ở trên kênh Suez nhưng có người lại đề nghị nghỉ cho khỏe để mai đi. Đoàn đi dạo các hàng bán sách rồi Cụ Chủ tịch vào hàng cà phê uống nước chanh. Nhà hàng này cây nhiều, sân mát, khách ngồi đầy cả trong ngoài. Đương ngồi uống nước thì có một người lại, nói rất lễ phép xin chụp ảnh Hồ Chủ tịch.

Ngày 11/6 từ giã Le Caire, bay đến Benghazi. Nghỉ lại ăn cơm. Ăn rồi lại bay. Benghazi thuộc xứ Tripolitaine (Libya). Trước là thuộc địa Ý. Nay có quân đội Anh đóng. Có một ít tù binh Đức làm công tại trường bay.

Đến Paris và Fontainebleau

Ngày 22/6/1946, Bác đến Paris được Chính phủ và nhân dân Pháp đón tiếp long trọng suốt chặng đường Đoàn đi qua. Điều đó đã gây lòng tin tưởng sâu sắc trong giới kiều bào ta ở Pháp. Rất đông nhân dân Pháp ủng hộ lập trường của ta là nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Chính vì lẽ đó mà Chính phủ Pháp không muốn Hội nghị họp ở Thủ đô Paris, nên đã chuyển về họp ở Fontainebleau cách Paris khoảng 60 km.

Một chi tiết rất thú vị là trong diễn văn của Bác đáp lời Thủ tướng Pháp ở Hội nghị, Bác nhấn mạnh một câu nói của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Nghĩa là, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Câu nói đó được nhiều tờ báo Pháp in thành chữ to ở trang đầu, được dư luận Pháp và thế giới đánh giá rất cao.

Suốt 4 tháng trời làm thượng khách của nước Pháp, Bác còn thăm thú nhiều nơi trên đường đi. Bác tiếp chuyện đủ mọi tầng lớp từ quan khách cao cấp trong chính phủ Pháp, đến các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu. Bác gặp mặt các đoàn thể trên thế giới đang có mặt tại Pháp. Bác tiếp chuyện với bà con Việt kiều ở Pháp, các cháu thiếu nhi…

Hội nghị Fontainebleau khai mạc ngày 6/7/1946. Trải qua bao nhiêu tháng ngày đàm phán không thành, do thế lực thực dân hiếu chiến Pháp khăng khăng muốn đặt lại ách cai trị lên Tổ quốc Việt Nam. Ngày 12/9 phái đoàn Việt Nam lên đường về nước, nhưng Bác vẫn còn ở lại để tìm mọi cách cứu vãn Hội nghị. Trước khi rời Paris, đêm 14/9 tại tư dinh ông Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp chế hải ngoại, Bác đã ký Bản Tạm ước “…Việt - Pháp sẽ đàm phán chính thức vào tháng Giêng 1947”. Chiều ngày 15/9, Bản Tạm ước 14/9 do ông Hoàng Minh Giám trực tiếp nhận. Ngày 16/9, Bác đến cảng Toulon lên tàu Dumont d’Urville trở về Tổ quốc. Trước lúc lên tàu, Bác biết sớm muộn gì cũng xảy ra chiến tranh, nên Bác đã chủ động đón bốn nhân vật đặc biệt theo Bác về nước, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Bốn vị đó là: Kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau này là GS. Trần Đại Nghĩa), 2 kĩ sư đúc - luyện kim Võ Đình Quỳnh, Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước.

Sáng ngày 18/10, tàu về đến vùng biển Cam Ranh. Nửa đêm 17/10, Bác rụng mất một chiếc răng cửa. Ngày 20/10 Bác về đến cảng Hải Phòng kết thúc cuộc hành trình.

Chiều 21/10, Bác liên tiếp họp với Quốc Hội, Chính phủ… Ngày 22/10, Bác làm việc với các báo chí trong và ngoài nước, đến phỏng vấn sau hơn 4 tháng hoạt động trên đất Pháp.

--------------

*(Năm 1976, cụ Vũ Đình Huỳnh trao cuốn sổ ghi chép cho nhà văn Sơn Tùng làm tư liệu về Bác Hồ. Đoạn trích trên đây trong cuốn sổ ghi chép của cụ Vũ Đình Huỳnh được ông Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng gửi riêng cho Báo TG&VN).

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-ho-o-cairo-ai-cap-94452.html