'Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta'

'Trăm sông về lại Biển Đông/ Bắc Nam sẽ lại về trong một nhà'. Câu thơ trong trường ca 'Ba mươi năm đời ta có Đảng' của nhà thơ Tố Hữu viết từ năm 1960, sau 15 năm đã trở thành hiện thực: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đó là dự báo thiên tài của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của một tất yếu lịch sử đấu tranh giữ nước, bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Tháng 4 này, cả nước hân hoan kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta càng tự hào, biết ơn, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống cho non sông liền một dải.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Từ lúc đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã mang trong mình một khát vọng cho cả dân tộc là giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Chính nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, vào trưa 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thật xúc động, tự hào rưng rưng đến trào nước mắt trong giờ phút “toàn thắng về ta”. Vinh dự cho thành phố Sài Gòn - Gia Định, vào năm 1976 được mang tên TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Mong ước giải phóng miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt không gì có thể lay chuyển được. Ý chí quyết tâm ấy đã khơi dậy được tư tưởng, tình cảm, ý thức tự tôn, tự cường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc kết thành sức mạnh vĩ đại để đánh đuổi kẻ thù.

Niềm tin vào sức mạnh của dân tộc đã được Người khẳng định suốt “ba mươi năm ấy chân không nghỉ” trong hành trình giải phóng dân tộc. Năm 1946, trước khi lên đường sang Pháp, trong “Thư gửi đồng bào Nam Bộ”, Bác viết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(1). Đó là lập trường kiên định, thông điệp mạnh mẽ về một nước Việt Nam thống nhất.

Hơn 4 tháng sau, trong “Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp trở về”, Bác Hồ tiếp tục khẳng định: “Hỡi đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Trung, Nam, Bắc, đều là đất nước Việt Nam. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”(2).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Chính vì tâm nguyện suốt đời của Người là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bác đã cùng Đảng ta vạch đường, chỉ lối cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua từng thời kỳ phù hợp với cách mạng Việt Nam. Từ phong trào Đồng Khởi (1960) ở Bến Tre phát động một tuần lễ toàn dân đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn đến những trận đánh vang dội sau đó đã khẳng định ý chí, sức mạnh của đồng bào miền Nam và cả dân tộc. Từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt tết Mậu Thân năm 1968, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đến mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Hội nghị Paris.

Năm 1968 đã trở thành dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vào thời khắc giao thừa năm đó, Bác Hồ đã có thơ chúc tết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”(3). Bài thơ ngắn gọn, trang nghiêm mà phóng khoáng đã khẳng định “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973 - chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tiếp đến là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện ý chí, bản lĩnh, khí phách Việt Nam… Đó là những bước tập dượt, những đòn đánh quyết định, những chiến công chiến lược để đi đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, toàn dân tộc đã thực hiện được trọn vẹn tâm nguyện của Người.

Trong bản Di chúc đề ngày 10/5/1969, Người đã thể hiện tình cảm, niềm tin mãnh liệt của đồng bào miền Nam về sự nghiệp giải phóng đất nước với sự tiên đoán chính xác vận mệnh dân tộc. Đó là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(4).

Tâm nguyện, mong ước của Người sau 6 năm đã trở thành hiện thực. Chiến thắng 30/4 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là chiến thắng được xem là huy hoàng nhất, vĩ đại nhất của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam (15/11/1965). Ảnh tư liệu

Suốt 45 năm kể từ năm 1930 - khi Đảng ta ra đời, 30 năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc ta kiên cường chiến đấu, hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, cho “Bắc Nam sum họp”, thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, khát vọng của cả dân tộc.

Cùng với cả nước, Sài Gòn ngợp cờ hoa, biểu ngữ ăn mừng chiến thắng

30/4 trở thành ngày chiến thắng, ngày sạch bóng quân thù, ngày thống nhất non sông, ngày đoàn tụ - Bắc Nam sum họp, ngày hòa hợp dân tộc, ngày mà cả dân tộc cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường. Nhớ lại niềm vui to lớn của ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi! buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người, lộng lẫy cờ hoa”(5). Đó cũng là khúc khải hoàn ca của dân tộc vang mãi muôn đời.

Chiến thắng 30/4/1975 đã mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam, là động lực để chúng ta tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(1) Theo Hồ Chí Minh toàn tập - CD rom (xuất bản lần thứ ba), tập 4, trang 281;

(2) Theo Hồ Chí Minh toàn tập - CD rom (xuất bản lần thứ ba), tập 4, trang 467;

(3) Theo Hồ Chí Minh toàn tập - CD rom (xuất bản lần thứ ba), tập 15, trang 417.

(4) Bác Hồ viết Di chúc và Di chúc của Bác Hồ. NXB Chính trị quốc gia 2007, trang 422.

(5) Nhớ lại một thời - Tố Hữu. NXB Hội Nhà văn 2000, trang 422.

Phan Trung Thành

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/bac-ho-oi-toan-thang-ve-ta/247822.htm