Bác Hồ vẽ hoa lên gốm Móng Cái

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Móng Cái 2 lần và trong lần về thăm đầu tiên vào năm 1960, cách đây 60 năm, Bác Hồ đã đi thăm xưởng gốm và Người đã tự tay vẽ hoa lên một sản phẩm gốm mộc. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Bác Hồ thăm xưởng gốm Dụ Phong. Ảnh do ông Nguyễn Cảnh Loan sưu tầm.

Bác Hồ thăm xưởng gốm Dụ Phong. Ảnh do ông Nguyễn Cảnh Loan sưu tầm.

Mùa xuân năm 1960, Đảng bộ, nhân dân thị xã Móng Cái nói riêng, tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) nói chung vinh dự và vui mừng khi được đón Bác Hồ về thăm. Tháp tùng Bác Hồ khi đó, có Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh Hoàng Chính, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh Lý Bạch Luân.

Trong thời gian thăm và làm việc tại tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ đã thăm Hợp tác xã nông nghiệp Soáy Nguồn, Lâm trường Đoan Tĩnh, Trường Thanh niên Cờ Đỏ, Trường cấp I, II Móng Cái. Người qua cầu Hữu Nghị Bắc Luân, ngắm nhìn phố Đông Hưng và ghé thăm một trường học của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bên bờ sông biên giới.

Trong thời gian thăm tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ đã đến thăm Xưởng gốm sứ Dụ Phong Móng Cái. Tại xưởng gốm này, Bác Hồ đã động viên bà con sản xuất thật nhiều sản phẩm hàng hóa. Việc đến thăm xưởng gốm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Người đến lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và sản xuất hàng hóa ở vùng biên.

Ông Nguyễn Cảnh Loan, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết, ông đã sưu tầm được một bức ảnh chụp Bác Hồ vẽ hoa màu đỏ lên một sản phẩm gốm mộc ở lò gốm sứ Dụ Phong Móng Cái.

Trong ảnh, Bác Hồ đang cầm bút vẽ hoa lên một chiếc bát tô. Bức ảnh chụp Bác Hồ đang vẽ một bông hoa màu đỏ, có nhiều cánh xung quanh. Đứng bên cạnh Bác Hồ là đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng gốm sứ Dụ Phong, thị xã Móng Cái ngày 20/2/1960.

Thực tế cho thấy, trước khi đón Bác Hồ về thăm, Móng Cái đã trở thành một trung tâm gốm sứ. Sành sứ ở Móng Cái lúc đó có nhiều chủng loại như: Ấm chén, bát đĩa, ấm tích, liễn, âu, lọ, gối, đèn, bình vôi, điếu, chóe, bình, chum, đôn, thống. Các sản phẩm của sứ Móng Cái có màu sắc không trắng trong hay trắng đục, cũng không phải màu xanh ngọc thạch, mà là màu trắng phớt xanh.

Màu hoa trang trí chủ yếu là màu lam với các sắc độ đậm, nhạt, tươi, sẫm khác nhau được tạo ra bằng màu xanh cô ban. Trên phương pháp tạo hình, sành trắng Móng Cái có đủ mọi loại hình thương phẩm: Từ bát, đĩa, chén, lò hương, ấm trà, lọ hoa, cho đến chóe, bình, chum vại, thống, chậu cây, đôn.

Dân địa phương thì quen gọi xưởng gốm sứ này là lò bát Dụ Phong. Cái tên lò bát vang bóng một thời với cái thương hiệu "sứ Móng Cái" mà sản phẩm của nó vẫn được nhiều nhà sưu tập lưu giữ. Đặc biệt, đôi thống sứ đại phủ đầy men chảy do nhà điêu khắc Lý Xuân Trường thiết kế vẫn còn được đặt trang trọng bên Lăng Bác.

Bác Hồ vẽ hoa lên một chiếc bát. Ảnh do ông Nguyễn Cảnh Loan sưu tầm.

Lần về thăm ấy, Bác đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng. Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh ngày 20/2/1960, Bác đã nhắc đến hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn này là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Bác cũng nhấn mạnh: “Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc, đã sẵn có truyền thống đoàn kết nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt - Trung. Đoàn kết là sức mạnh; có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành".

Về thăm Móng Cái tuy thời gian hạn hẹp, nhưng Bác đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp tìm hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân. Mỗi nơi Bác đến đều để lại những ấn tượng và tình cảm thiêng liêng, và trong lòng mỗi người đã trở thành kỷ niệm đẹp mãi không phai.

Đối với mỗi người dân Móng Cái, những lời căn dặn của Bác khi về thăm vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhiều thế hệ mai sau. Riêng đối việc sản xuất gốm sứ ở Móng Cái, thực hiện lời Bác dạy, các nghệ nhân của làng nghề đã cải tiến sản xuất ra nhiều mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

Sau chuyến thăm của Bác Hồ một thời gian, toàn bộ khu lò gốm Dụ Phong đã được chuyển về Quảng Yên và Đông Triều trên cơ sở sự chuyển giao kỹ thuật của gốm sứ Móng Cái. Sản phẩm gốm sứ từ Quảng Yên, Đông Triều lại được tỏa đi nhiều nơi.

Nhà máy sứ Quảng Yên hiện nay đã không còn nhưng ở TX Đông Triều nghề làm gốm vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển tạo ra dòng gốm sứ nặng lửa độc đáo ở Quảng Ninh hiện nay. Vâng lời Bác dạy, những người thợ gốm ở Quảng Ninh đã gìn giữ và phát huy dòng gốm độc đáo này đứng vững và làm ăn có hiệu quả trong cơ chế thị trường.

Gốm sứ nặng lửa Quảng Ninh khẳng định được vị thế của mình với mẫu mã sản phẩm hiện nay rất đa dạng, đạt đến trình độ tinh xảo, nhiều sản phẩm đủ sức xuất khẩu vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu sang một số quốc gia như: Anh, Pháp, Hàn Quốc .v.v.. gốm sứ nặng lửa còn được bán rộng rãi cho khách du lịch.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202005/bac-ho-ve-hoa-len-gom-mong-cai-2483834/