Bác Hồ với đất và người Thái Nguyên, kỳ 1

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thái Nguyên lần cuối (01/01/1964 -01/01/2024), Báo Thái Nguyên đăng bài viết dài kỳ của nhà báo Hữu Minh hệ thống lại những nội dung mấu chốt trong 7 lần Bác về Thái Nguyên.

Bác Hồ về nước (28/01/1941). Tranh: nhandan.vn

Sách “Việt Nam Biên niên sử ghi”: Ngày 28/01/1941 (tức mồng hai tháng Giêng năm Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã bí mật về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên đường biên giới Việt - Trung (thuộc bản Cốc Pó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người xúc động đứng lặng hồi lâu”...

Giây phút thiêng liêng ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả:

“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”...

Người ra đi từ một thanh niên yêu nước, có chí hướng nhưng chưa rõ con đường, khi về đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một lãnh tụ dân tộc thần tượng với “Đường Kách mệnh” soi sáng lối đi lên. Bốn tháng sau khi về nước, từ ngày 10 đến 19/5, tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác đã chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Bác nói: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được...”.

Thế rồi, từ đốm lửa đầu tiên được nhóm trên miền biên viễn Cao Bằng, phong trào cách mạng được lan rộng và phát triển không ngừng. Về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, Bác cho xuất bản tờ báo Việt Nam Độc lập. Về vũ trang, Bác chỉ đạo đường lối chiến tranh nhân dân, lập các căn cứ, các đội du kích và cho ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22/12/1944…

Pác Bó, nơi suối nguồn cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Địa danh Thái Nguyên được Bác nhắc đến nhiều hơn. Bác nhận định: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ…

Chính sử ghi lại, ngay khi còn ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã hết sức quan tâm đến vị trí địa lý, phong trào yêu nước, và cả vị trí địa chính trị của Thái Nguyên. Viết rằng: Đáclơ (Darles) làm Công sứ Thái Nguyên từ tháng 4/1913 đến tháng 9/1917, nổi tiếng vì gian ác. Với bút pháp sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo Công sứ Thái Nguyên: “Chễm trệ đứng đầu một tỉnh có hàng vạn dân, được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là tỉnh trưởng, vừa là thị trưởng, vừa là quan tòa, vừa là mõ toàn, vừa là người đốc thuế; tóm lại ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Tòa án, thuế khóa, điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ”…

Người nắm rõ nhà tù của Pháp tại thị xã Thái Nguyên thường giam giữ 300 tù nhân chính trị bị Pháp bắt trong các phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, phong trào Duy Tân, Đông Du… Người tố cáo trên báo: Một đoàn tù khốn khổ, gầy đói, quần áo tả tơi, bị lôi dậy từ tờ mờ sáng, cổ mang gông, chân buộc xiềng, người nọ bị xích vào người kia, cùng kéo một chiếc xe lu to tướng trên những lớp sỏi dầy… Quan Công xứ Đáclơ xông vào đám người khốn khổ ấy, như con thú dữ, đánh túi bụi, vừa đánh vừa chửi họ. Khi hỏi cung, Đáclơ lấy thanh gươm đâm vào đùi họ.

Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: Ách cai trị tàn bạo của chính quyền thực dân, đứng đầu là Công xứ Đáclơ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên vào năm 1917 do Trịnh Văn Cấn chỉ huy. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng vang lớn nhất trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Thực tiễn cách mạng cũng cho thấy: Thái Nguyên là nơi sớm hình thành và ra đời cơ sở đảng, lực lượng vũ Trang. Tổ chức cơ sở đảng sớm nhất ra đời tại La Bằng (Đại Từ) năm 1936; Trung đội Cứu quốc quân thành lập tại Tràng Xá (Võ Nhai) ngày 15/9/1941; Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái thành lập đầu năm 1945 tại Quân Chu (Đại Từ)… Rõ ràng, trong tâm khảm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xa xưa và một lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc những năm tháng sau này, hình ảnh đất và người Thái Nguyên hết sức sâu đậm.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202312/bac-ho-voi-dat-va-nguoi-thai-nguyen-ky-1-bc9137f/