Bắc Kạn: Lời kêu cầu từ nơi có 2 cháu bé tử vong vì bị đất vùi

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở và hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ngôi nhà của gia đình ông Việt bị đất đá vùi lấp 1 phần khiến 2 cháu bé tử vong. Ảnh: TL

Ngôi nhà của gia đình ông Việt bị đất đá vùi lấp 1 phần khiến 2 cháu bé tử vong. Ảnh: TL

Những hệ lụy đau buồn

Với địa hình đồi núi phân bố dày đặc, Bắc Kạn là một trong những tỉnh thành phía Bắc luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, đe dọa lớn tới tính mạng, tài sản của người dân mỗi mùa mưa bão về. Suốt nhiều năm qua, vấn đề di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở luôn là một bài toán nan giải đối với địa phương này.

Chính vì vậy, những hệ lụy đáng buồn vẫn liên tiếp xảy ra. Giữa tháng 3/2019, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 2 cháu nhỏ tại thôn Nà Giảo (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn). Cụ thể vào khoảng 20h ngày 14/3, một lượng đất đá từ phía sau núi nhà ông Hoàng Văn Việt bất ngờ sụt xuống vùi lấp 1/3 căn nhà. Lúc này, bên trong có hai cháu ngoại của ông Việt là Ma Hoàng Diễm (10 tuổi) và Ma Hoàng An Nguyên (3 tuổi) đang nằm ngủ. Mặc dù được người dân và lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm thấy và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể nhưng cả hai cháu đều tử vong. Được biết ngôi nhà của gia đình ông Việt mới hoàn thiện trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng lại nằm dưới một taluy cao hàng chục mét.

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về thôn Phiêng Liềng 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (một trong những điểm nóng về nguy cơ sạt lở đất đá). Theo ghi nhận thực tế, tại đây có khoảng hơn 20 hộ dân suốt nhiều năm qua đang phải sống trong tâm lý bất an bởi nguy cơ sạt lở đất đá bất cứ lúc nào từ đỉnh núi Pù Mương phía sau lưng. Nỗi lo của người dân càng có cơ sở hơn khi mới đây trên đỉnh núi này bất ngờ xuất hiện vết nứt rộng khoảng 50cm, dài khoảng 50m, làm sụt đất vào nhà một số hộ dân trong thôn.

Trao đổi với PV, ông Lý Ngọc Bằng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái cho biết: “Các vết nứt có dấu hiệu ngày càng rộng ra, một số hộ dân có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Những hộ còn lại mong muốn được di dời nhưng không có đất nên vẫn phải sống chung với nguy cơ sạt lở, người dân đang mong có dự án để được di chuyển đến nơi ở an toàn”.

Kết quả khảo sát từ các cơ quan chức năng cho thấy, khu vực tập trung nhiều điểm sạt lở chủ yếu phân bổ ở ngoại vi TP. Bắc Kạn; dọc Quốc lộ 3, huyện Ba Bể, khu vực Bằng Lũng, Bình Lãng, huyện Chợ Đồn; thị trấn Nà Phặc, Ngân Sơn….

Người dân mong mỏi có chỗ ở an toàn

Di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá là vấn đề cấp bách mà tỉnh Bắc Kạn cần giải quyết. Ảnh: Đ.Phong

Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ đi bộ, men theo những con đường đất nhỏ vòng vèo chúng tôi mới tới được nhà một hộ dân nằm cheo leo giữa lưng chừng núi Pù Mương. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, bà Triệu Thị Điệp (trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, gia đình bà đã về đây sinh sống được một thời gian dài. Trước đây chỗ ở chỉ là nhà tranh, vách nứa tạm bợ, cuộc sống khó khăn bủa vây. Mỗi mùa mưa bão đi qua, ngôi nhà lại trở nên xập xệ. Vài năm trở lại đây nhờ sự chung tay giúp sức của anh em, họ hàng gia đình bà đã dựng được ngôi nhà cấp 4 tạm gọi là kiên cố để che nắng, che mưa.

Tuy chỗ ở có khang trang hơn trước, nhưng nỗi lo về những trận sạt lở đất đá ở khu vực này vẫn luôn là nỗi ám ảnh trong tâm thức những người dân như bà Điệp. “Nào có ai muốn ở nơi mà sự nguy hiểm luôn treo lơ lửng trên đầu đâu các anh. Nhưng do không có chỗ ở nào khác nên những người dân như chúng tôi vẫn cố phải bám trụ nơi này. Mới đây được nghe báo đài cũng như chính quyền thông tin về vấn đề di dân khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở cao để chuyển tới nơi ở mới an toàn nhằm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tôi cũng như nhiều người dân khác cảm thấy vô cùng phấn khởi. Mong rằng, chính sách trên sẽ đến được với những hộ dân tại thôn Phiêng Liềng 2, xã Ngọc Phái”, bà Điệp cho biết thêm.

Tìm hiểu của PV được biết, theo quy hoạch bố trí dân cư của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 thì cần số vốn hơn 600 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là trên 572 tỷ đồng, còn lại trên 36 tỷ đồng là ngân sách địa phương). Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện quy hoạch, triển khai 79 dự án ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân.

Tuy vậy, hiện tỉnh Bắc Kạn không có kinh phí để thực hiện quy hoạch này, Trung ương cấp vốn chậm nên việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ đang rất nguy cấp. gần 10 năm qua, mới chỉ có trên 101 tỷ đồng được phân bổ để bố trí cho 445 hộ dân tại các khu tái định cư trong toàn tỉnh. Trong các phương án di dời, tỉnh Bắc Kạn chọn phương án ít tốn kém nhất là bố trí dân cư ở xen ghép.

Chia sẻ về những khó khăn của địa phương, ông Quách Đăng Quý, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho biết: Vì thiếu kinh phí nên việc thống kê những hộ nguy cơ sạt lở cao vẫn chỉ để phục vụ công tác cảnh báo. Việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ đang rất nguy cấp. Mặt khác, tổng mức đầu tư cho các dự án bố trí dân cư tập trung đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ hằng năm từ Trung ương rất ít, ngân sách địa phương không thể cân đối hỗ trợ được.

Đại Phong

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bac-kan-loi-keu-cau-tu-noi-co-2-chau-be-tu-vong-vi-bi-dat-vui-20190506205708224.htm