Bắc Kạn: Nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Năm 1997, tỉnh Bắc Kạn tái lập trong điều kiện cơ sở hạ tầng hết sức khó khăn, là 1 trong các tỉnh nghèo nhất cả nước. Sau 25 năm nỗ lực, đã có diện mạo mới, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, khoảng cách với miền xuôi ngày càng rút ngắn.

Những kết quả đáng mừng

Nhớ những ngày đầu sau tái lập, bình quân lương thực đầu của Bắc Kạn chỉ khoảng 300kg/năm, tình trạng đồng bào dân tộc du canh du cư còn phổ biến, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất cả nước. Khi đó, cả tỉnh chiếm tới 95 xã chưa có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 11 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 68,2% số phòng học là tranh tre nứa lá nhà tạm.

Mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trước thực tế đó, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ thách thức của mình, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, để từng bước thoát khỏi khó khăn, cải thiện đời sống nhân dân và nay nhìn lại những thành quả rất đỗi tự hào. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26.4.2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nên tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm xuống 18,5%, mỗi năm giảm 3,5 – 4%/năm; thu nhập đầu người bình quân đạt trên 41 triệu đồng/người; mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện về y tế, giáo dục và nhà ở; đã có huyện thoát nghèo và các xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Bà Giàng Thị Bào, địa chỉ tại Thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, đã chia sẻ: Năm 2015 gia đình Bà vốn là hộ cận nghèo, nhưng nhờ vay được 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để mua 3 con bò sinh sản, đến năm 2018 gia đình bà đã thoát nghèo. Đến nay đàn bò đã trên 20 con, điều kiện kinh tế đã có của ăn của để, giúp đỡ được bà con xung quanh. Còn chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông lại chia sẻ về cách thoát nghèo khi đi vào mô hình trồng rừng để phát triển kinh tế của gia đình bởi vừa được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, vừa vay vốn, lại có thể chăn nuôi dưới rừng, khai thác nguyên liệu gỗ, giúp gia đình thoát nghèo.

Trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ duy trì, quản lý tốt các nguồn vốn cho thành viên vay, tổng dư nợ nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đến nay trên 785 tỷ đồng cho gần 14.200 thành viên vay. Từ nguồn vốn vay đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế có thu nhập cao giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhiều hộ hội viên phụ nữ được các cấp tuyên dương, khen thưởng trong điển hình làm kinh tế giỏi là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực đã giúp cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo bền vừng.

Bà con chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế

Chia sẽ với báo chí, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn Lưu Văn Quảng cho biết, chúng tôi đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân để thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện có khoảng 11.000 hội viên nông dân, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do vậy quan tâm tạo điều kiện cho hội viên nông dân nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp được Hội Nông dân tỉnh tích cực thực hiện. Đến nay, ngoài nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đang quản lý là trên 24 tỷ đồng. Hội nông dân các cấp còn đã đứng ra tín chấp, với các ngân hàng trên địa bàn thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là trên 800 tỷ đồng cho gần 15 nghìn hội viên vay để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Thị Minh Khai của thành phố Bắc Kạn Phạm Hồng Thúy, thì dù nguồn vốn đã rất hiệu quả, nhưng nhu cầu vay vốn của hội viên còn nhiều, nên chưa đáp ứng hết được.

Bên cạnh giúp hộ nghèo tiếp cận vay vốn, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho hàng ngàn lượt hội viên, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Kết quả đã có gần 4.500 hộ hội viên nghèo thoát nghèo, góp phần chung trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Thách thức và động lực vươn lên

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh Bắc Kạn còn một số khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa thực sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao; mức thu nhập và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo lớn; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, người lao động thiếu việc làm, đời sống của người dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả chưa cao, người nghèo chậm thay đổi tư duy áp dụng kiến thức kỹ thuật trong sản xuất; các hộ gia đình canh tác sản xuất theo phong tục tập quán truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo sinh kế bền vững cho người nghèo. Một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo mức đầu tư thấp, dàn trải, mang tính bình quân.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, các cấp ngành tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với phương pháp, cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị và nhân dân làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo, không dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vận động, phân công các chi bộ đảng, các tổ chức hội, đoàn thể cử đảng viên, cán bộ, hội viên ưu tú sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Như lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, khẳng định: Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, trong những năm tới chúng tôi đã có những định hướng rõ ràng, tìm mọi cách để nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Đức Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bac-kan-no-luc-xoa-doi-giam-ngheo-i312579/