BẮC KẠN: TIN TƯỞNG BẦU ĐẠT TỶ LỆ NỮ TRONG CUỘC BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP

Để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước, tỉnh Bắc Kạn tập trung quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị, nhất là khi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhiệm kỳ khóa XIV, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn có 4/6 là nữ, chiếm 66%. Các đại biểu nữ đã phát huy vai trò trên nghị trường Quốc hội khi tích cực tham gia phát biểu, thảo luận đóng góp vào quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, truyền tải tâm tư nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp của tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao: cấp tỉnh là 40%; cấp huyện là 27,8%; cấp xã là 25%. Nhiệm kỳ 2026-2021, các nữ đại biểu đã khẳng định được vai trò của bản thân đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn họp về công tác chuẩn bị bầu cử.

Theo bà Hà Thị Liễu- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ của 4 cấp của tỉnh đều tăng so với nhiệm kỳ trước, nhờ đó vai trò, trách nhiệm của phụ nữ tại các cơ quan dân cử được phát huy. Các đại biểu nữ đã tích cực tham gia vào các kỳ họp, tham gia chất vất, tiếp xúc cử tri để nắm bắt những vấn đề mà cử tri quan tâm. Từ đó phản ánh đến kỳ họp Quốc hội và phối hợp đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, tạo được tín nhiệm cao trước cử tri; đồng thời làm tròn trách nhiệm của người đại diện dân cử.

Kết quả Hội nghị Hiệp thương lần 3 tỉnh Bắc Kạn cho thấy, tỷ lệ nữ ứng cử viên ở cả 4 cấp đạt tỷ lệ cao hơn trung bình theo hướng dẫn định hướng chung, chất lượng ứng cử viên đều đảm bảo. Theo đó, nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã chốt danh sách 4/10 người, chiếm 40%, cấp tỉnh 47/84 người chiếm 56%; cấp huyện 169/402 chiếm 42,06%; cấp xã 1303/3370 chiếm 38,66%. Kết quả trên đã thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và vai trò, sự uy tín của phụ nữ tại nơi công tác, cư trú. Bên cạnh đó đã phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong quá trình tham mưu, đề xuất, chủ động giới thiệu nguồn nhân sự nữ ứng cử nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ nữ ít nhất 35%; hỗ trợ nữ ứng cử viên kỹ năng để có nhiều cơ hội trúng cử; tham gia quá trình hiệp thương, giám sát và nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cử tri đều nắm được thông tin về cuộc bầu cử, về tiểu sử của các nữ ứng cử viên.

Mặc dù vấn đề bình đẳng giới trong chính trị ở nhiều địa phương đã có nhiều cải thiện nhưng khoảng cách giới vẫn còn lớn, đặc biệt là nhóm nữ dân tộc thiểu số. Do đó, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Ủy ban bầu cử tỉnh Bắc Kạn, các cấp Hội Phụ nữ của địa phương đã coi trọng công tác tập huấn, trang bị các kỹ năng cần thiết để các nữ ứng cử viên tự tin, thực hiện tốt chương trình vận động tranh cử của mình.

Bà Phương Thị Thanh- Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Bắc Kạn, cho biết Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Tổ chức APHEDA của Australia tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”. Qua đây, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho các ứng cử viên nữ, trong đó có ứng cử viên nữ là người dân tộc thiểu số xây dựng chương trình hành động, kỹ năng vận động bầu cử, kỹ năng tiếp xúc cử tri cũng như giới thiệu về chương trình hành động có sức thuyết phục để cử tri ủng hộ bỏ phiếu cho mình.

Mặc dù tỉ lệ ứng cử viên là nữ của tỉnh đã đạt số dư nhưng để bầu đạt kết quả tỷ lệ nữ cao nhất, Ủy ban bầu cử tỉnh xác định phải tiếp tục tích cực làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cùng với đó đảm bảo tính dân chủ bình đẳng trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra bầu cử./.

Theo trang Hội đồng bầu cử quốc gia

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=55620