Bác kháng nghị đổi quyền nuôi con

TAND Cấp cao không chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao về việc giao con cho người cha.

Ngày 29-3, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Trần ai chuyện đòi con sau ly hôn: Mất dấu núm ruột, đứt gãy tình mẫu tử”, phản ánh hoàn cảnh của chị Trần Ngọc Hân (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) gian nan đòi con sau khi có quyết định ly hôn của tòa.

Mới đây, chị Hân cho biết rất vui mừng khi nhận được quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao, quyết định không chấp nhận kháng nghị bản án ly hôn của chị và chồng cũ trước đó là ông NTN.

Chị Hân cho biết năm 2018, chị và ông N cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Đến năm 2019, thấy chậm mang thai nên chị đã tìm đến một bệnh viện để thụ tinh trong ống nghiệm. Đến ngày 4-3-2020, chị sinh bé trai tên H. Từ lúc cưới đến lúc sinh con, chị ở với gia đình chồng tại phường 14, quận 3.

Sinh con được ba tháng, vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, sức khỏe không tốt nên chị về nhà mẹ ruột ở quận Bình Thạnh, con chị vẫn ở với cha.

Cuối tháng 12-2021, chị Hân đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn và được cả hai tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận. Đồng thời, tòa án đã giao con cho chị là người trực tiếp nuôi dưỡng.

Nhiều năm nay, chị Hân cùng cha mình đi gõ cửa nhiều nơi để mong sớm được thi hành án giao con. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều năm nay, chị Hân cùng cha mình đi gõ cửa nhiều nơi để mong sớm được thi hành án giao con. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại biên bản xác minh điều kiện thi hành án (THA) ngày 13-12-2022, xác minh ông N và bé H đang có địa chỉ thực tế cư trú tại đường Trường Sa, quận 3.

Trong lúc cơ quan THA đang trong quá trình giải quyết việc giao con thì VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu tạm đình chỉ THA đối với bản án trên.

Lý do kháng nghị, VKS cho rằng chị Hân đã tự ý trở về nhà mẹ ruột và bỏ lại con cho ông N nuôi dưỡng. Vì thế, việc giao con cho mẹ là chị Hân trực tiếp nuôi dưỡng, dù con dưới 36 tháng tuổi là chưa đủ cơ sở.

Theo quyết định giám đốc thẩm, TAND Cấp cao nhận định việc cả hai cấp tòa xét xử vào giao con cho người mẹ nuôi là có căn cứ. Hơn nữa, tại đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của ông N, ông N nêu lý do vì ông chưa thực hiện thủ tục đăng ký lưu trú, tạm trú tại địa chỉ đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM nên TAND quận 3 xét xử bản án ly hôn của ông và bà Hân là không đúng thẩm quyền. Trong khi đó, VKSND cấp cao kháng nghị về việc nuôi con chung là không có cơ sở chấp nhận.

Theo nội dung quyết định giám đốc thẩm, TAND Cấp cao nêu việc ông N cho rằng ông chưa bao giờ đăng ký tạm trú tại địa chỉ ở đường Trường Sa, quận 3. Tuy nhiên, khi chị Hân nộp đơn khởi kiện, cung cấp địa chỉ của ông N và khi cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm tống đạt các văn bản tố tụng thì ông N vẫn nhận được và đều có mặt tại các phiên tòa hòa giải và xét xử.

Đồng thời, tại biên bản xác minh ngày 27-4-2021, Công an phường 14, quận 3 cũng xác định ông N cư trú tại địa chỉ trên theo diện tạm trú, lưu trú. Vì vậy, việc giải quyết đơn khiếu nại của ông N cũng không có cơ sở.

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao, Cơ quan Thi hành án dân sự quận 3 đã ra quyết định tiếp tục THA theo yêu cầu.

Mong từng ngày được đón con về chăm sóc

Chị Hân cho biết đã nhiều năm nay chị vẫn chưa được gặp lại con vì ông N thay đổi nơi ở và đưa con đi sống nơi nào không biết.

“Đã gần ba năm nay, tôi luôn tìm mọi cách để đón con về chung sống nhưng không được. Hiện nay đã có quyết định giám đốc thẩm và đã khẳng định tôi được quyền trực tiếp nuôi con, vậy mà con ở nơi nào tôi cũng không hay. Hành vi thay đổi chỗ ở để không giao con cho người mẹ nuôi là vi phạm pháp luật. Tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét việc này để xử lý sớm. Hiện tại, tôi đang mong từng ngày được đón con về chăm sóc, ai có thể thấu hiểu được nỗi lòng của người mẹ khi phải sống xa con” - chị Hân nói.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bac-khang-nghi-doi-quyen-nuoi-con-post733593.html