Bắc Kinh lên tiếng về đề xuất trong gói trừng phạt mới của EU chống Nga

Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo không nên làm gián đoạn 'sự trao đổi bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga'.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố nước này sẽ phản ứng “nghiêm khắc và mạnh mẽ” đối với bất kỳ hình phạt nào mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với các công ty nước này vì cáo buộc hỗ trợ Nga.

Khi được hỏi về khả năng bị trừng phạt sau cuộc hội đàm ở Berlin hôm 9/5 với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Tần Cương khẳng định Trung Quốc không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho các quốc gia hoặc khu vực khủng hoảng. Ông cũng cảnh báo không nên làm gián đoạn cái mà ông gọi là "sự trao đổi bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga".

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ biện pháp trừng phạt một chiều nào đối với Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của đất nước và các công ty của chúng tôi".

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Tần Cương đưa ra sau khi truyền thông đưa tin EU đang nhắm vào một số doanh nghiệp Trung Quốc trong đề xuất về gói trừng phạt mới nhất chống Nga.

Theo kế hoạch, trong ngày 10/5, các nước EU sẽ có cuộc thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Ủy ban châu Âu cho biết các công ty bị nhắm mục tiêu trong gói trừng phạt mới chống Nga bao gồm các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Hồng Kông, Ảnh: RT

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 9/5 kêu gọi 27 quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp thương mại đối với các quốc gia đã giúp Nga lách lệnh trừng phạt của khối này.

Phát biểu trong chuyến thăm Ukraine, bà Ursula von der Leyen cho rằng các biện pháp hạn chế thương mại nghiêm ngặt - sẽ tạo tiền lệ mới cho hành động của EU - nên là một phần trong đề xuất của gói trừng phạt thứ 11 chống Nga.

Theo các tài liệu được Bloomberg thu thập, Ủy ban châu Âu cho biết các công ty bị nhắm mục tiêu, bao gồm các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Hồng Kông, cũng như các công ty ở Uzbekistan, Armenia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đang trực tiếp hỗ trợ cho tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trước đó, hôm 7/5, tờ Financial Times đưa tin, 7 doanh nghiệp Trung Quốc đã được nêu tên trong gói biện pháp trừng phạt mới mà các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận trong tuần này.

Theo Financial Times, danh sách trừng phạt mới bao gồm 2 công ty Trung Quốc đại lục là 3HC Semiconductors và King-Pai Technology, cùng với 5 công ty từ Hồng Kông, bao gồm Sinno Electronics, Sigma Technology, Asia Pacific Links, Tordan Industry và Alpha Trading Investments.

Ủy ban châu Âu tin rằng việc nhằm mục tiêu vào một số thực thể nhất định "ở các nước thứ ba liên quan đến việc lách các biện pháp trừng phạt thương mại" chống lại Nga là "thích hợp".

Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh phản đối bất kỳ biện pháp nào sử dụng quan hệ Trung Quốc-Nga như một cái cớ để gây tổn hại cho hợp tác thương mại. Quan chức này cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ có hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu EU áp trừng phạt với doanh nghiệp Trung Quốc.

Để có hiệu lực, các biện pháp trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhất trí thông qua.

Cho đến nay, EU đã áp đặt 10 gói trừng phạt kinh tế đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tháng trước thừa nhận rằng khối này gần như đã cạn kiệt các lựa chọn về các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-kinh-len-tieng-ve-de-xuat-trong-goi-trung-phat-moi-cua-eu-chong-nga.html