Bạc Liêu: Đồng cảm, sẻ chia với người nghèo

Bạc Liêu phấn đấu giảm 3,55% số hộ nghèo và 2% số hộ cận nghèo trong năm 2014, tương đương 7.000 hộ nghèo và 4.150 hộ cận nghèo thoát nghèo. Một tỉnh còn khó khăn như Bạc Liêu, chỉ tiêu này đưa ra không ít khó khăn, nhưng với những việc làm cụ thể, thiết thực, mục tiêu sẽ không quá xa vời. Ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - cho rằng, muốn giảm được nghèo thì cần phải hiểu rõ người nghèo đang cần gì, muốn gì, từ đó mới giúp cho họ được, nên tỉnh đã giao cho 69 các sở, ban, ngành cấp tỉnh nhận đỡ đầu cho 479 hộ nghèo; các ngành huyện nhận giúp đỡ 6.559 hộ nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng trao nhà người Khmer, người Hoa nghèo tại Bạc Liêu.

Mỗi đơn vị thực hiện mỗi cách khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung lo cho người nghèo một cách thiết thực. Các đơn vị sau khi nhận nhiệm vụ, phân tích cụ thể đối tượng hộ nghèo cần gì, từ đó giúp đỡ. Trao phương tiện làm ăn cho hộ nghèo được xem là việc làm hết sức thiết thực.

Tại huyện Hồng Dân - đơn vị có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất Bạc Liêu (trên 12%), giúp thoát nghèo bằng cách trao phương tiện làm ăn, hỗ trợ vốn sản xuất với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 6%. Ông Võ Văn Út - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân - cho rằng: “ Hiểu rõ nguyên nhân nghèo để có cách giúp đỡ họ tốt hơn rất nhiều trao tiền cho họ tự thân vận động”.

Tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Giá Rai, Phước Long, người nghèo được điều tra, phân loại một cách cụ thể. Ông Hàn Ái Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình - chia sẻ: “Người nghèo hay tự ái, thậm chí họ còn ỷ lại, vì vậy khi vận động phải hết sức thông cảm với họ. Mình giúp họ một cách tận tình, tận tâm, họ sẽ tự vươn lên trong cuộc sống”.

Một trong những địa phương có cách làm hay trong giảm nghèo được đánh giá là thành phố Bạc Liêu. Tỉ lệ hộ nghèo trong thành phố không cao, chưa đến 2%, nhưng để giảm nghèo đối tượng này vô cùng khó, do rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố thành lập nhiều tổ điều tra làm rõ từng đối tượng kể cả người Khmer, người Hoa và… người bán vé số.

Từ việc phân loại hộ nghèo, ban chỉ đạo phát hiện có đến 16 hộ không có khả năng tự thoát nghèo do bệnh tật, neo đơn, và trên 100 hộ cần phải hỗ trợ thường xuyên. Ông Huỳnh Thông - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Bạc Liêu - cho biết, đơn vị nhận giúp đỡ bằng cách hỗ trợ gạo thường xuyên cho 118 hộ nghèo (mỗi hộ 10kg/tháng) tại 3 xã, phường.

Xác định công tác giảm nghèo là khó khăn, ngoài việc giao nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo, Bạc Liêu thực hiện theo phương châm “cùng lắng nghe, cùng sẻ chia” với hộ nghèo. Với bước đi này, Bạc Liêu từng bước giảm nghèo một cách bền vững bên cạnh chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội.

Nỗ lực giảm nghèo của tỉnh còn nghèo như Bạc Liêu được đánh giá là khá thành công, do đã phát huy nội lực bên cạnh tranh thủ ngoại lực cùng giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/bac-lieu-dong-cam-se-chia-voi-nguoi-ngheo-253304.bld