Bắc Ninh; Ca trù làng Tiểu Than

Làng Tiểu Than (tên Nôm là làng Dựng), từ năm 1945 trở về trước là đơn vị hành chính cấp xã thuộc tổng Vạn Ty. Từ năm 1946 đến năm 1948, trực thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Từ năm 1948 đến năm 1955, làng trực thuộc xã Cao Đức. Từ năm 1955 đến nay trực thuộc xã Vạn Ninh.

Ông Nguyễn Thiết Khởi, người nắm giữ thực hành di sản ca trù làng Tiểu Than. Ảnh: Thuận Cẩm

Từ xa xưa, người dân Tiểu Than có đời sống văn hóa tinh thần thật phong phú. Ngoài tín ngưỡng thờ Phật, thờ Thành hoàng và lễ hội có nội dung phong phú, nhiều người dân ở đây còn yêu thích hát Ca trù.
Theo ông Nguyễn Thiết Khởi (82 tuổi) và ông Nguyễn Thiết Tiễn (75 tuổi) thì hát ca trù ở làng Tiểu Than có từ rất sớm và để phục vụ cho việc thờ Thành hoàng làng. Đến thế kỷ XIX, nghệ thuật hát Ca trù ở làng Tiểu Than đã rất nổi tiếng, đến nỗi vua Tự Đức cũng hâm mộ. Theo Gia phả dòng họ Nguyễn Thiết, thì vào năm 1879, cụ Nguyễn Thiết Vinh-một danh cầm người làng Tiểu Than đã được vua Tự Đức vời vào cung để hát trong dịp ngài mừng thọ 50 tuổi. Đầu thế kỷ XX, một số người thuộc dòng họ Nguyễn Thiết làng Tiểu Than lên làng Niềm Xá (nay thuộc phường Kinh Bắc TP Bắc Ninh) hát ca trù và được nhiều khách văn nhân hâm mộ đến nghe hát.
Những người hát ca trù làng Tiểu Than trước đây đã dựng ngôi đền để thờ vị tổ của nghề hát Ca trù là “Tiên Thánh từ” (Đền Tiên Thánh). Hiện nay, ngôi đền được tu sửa lại với quy mô khiêm tốn. Trong đền, người dân còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong, trong đó có 3 đạo có liên quan đến vị tổ nghề hát ca trù, đó là: Đạo sắc được ban vào thời Cảnh Thịnh ghi ngày 21 tháng 5 năm 1796 gia phong mỹ tự: Mãn Đường Hoa Phương Phi Trinh Thục Từ Tĩnh công chúa; Đạo sắc được ban thời Gia Long ghi ngày 15 tháng 6 năm 1810 phong cho: Mãn Đường Hoa Phương Phi Trinh Thục Từ Hòa công chúa nguyên thuộc chính thần hệ Hoằng Hóa huyện, Thượng giáp, giáo phường từ, gia phong mỹ tự: Nhu Gia Trinh Nhất công chúa; Đạo sắc thời Minh Mệnh được sao vào ngày 23 tháng 6 năm 1839 ban mỹ tự cho đào nương cùng 12 người vì có công truyền nghề ca xướng.
Trên các cột trụ ở bức tường phía trước, có các đôi câu đối bằng chữ Hán:
1- Sinh bình lục địa chi Tiên, đế tử vương thần chân bất hủ,
- Lịch đại công ca chi tổ, thi ngâm phú vịnh hậu do truyền.
(Tạm dịch: bình sinh là tiên trong đời, đế tử vương thần tiếng thơm còn mãi/ Nhiều đời là tổ ca công, ngâm thơ, vịnh phú còn truyền lại về sau)
2- Lịch triều phong tặng vương nhi Thánh
- Lưỡng quốc huân cao đế thị Tiên.
(Tạm dịch: Nhiều đời phong tặng vương mà lại là Thánh/Lưỡng quốc đề cao như đế ấy là Tiên).
Hoạt động ca hát của những người hát ca trù làng Tiểu Than cũng trải qua nhiều thăng trầm. Có thời gian dài hầu như không hoạt động. Năm 2008, những người yêu thích ca trù nhóm họp nhằm khôi phục lại hoạt động hát ca trù và định kỳ sinh hoạt vào ngày 15 âm lịch hàng tháng. Thời kỳ này có 6 đào nương và kép đàn. Năm 2014, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Câu lạc bộ (CLB) Ca trù làng Tiểu Than được thành lập và đi vào hoạt động tương đối đều. Với sự tự nguyện đóng góp của các thành viên CLB và sự hỗ trợ của những người yêu thích ca trù, CLB đã mua sắm được một số nhạc cụ, bộ tăng âm, loa đài và tổ chức truyền dạy một số bài hát ca trù theo Giáo trình truyền dạy đàn đáy của Giáo phường Ca trù Hải Phòng. CLB cũng sưu tầm được một số bài hát Ca trù cổ kim với nhiều làn điệu, thể loại để các thành viên có tài liệu học hỏi thêm.
Nếu một số loại hình dân ca (Quan họ, Trống quân, hát Xoan,...) khi vào cuộc hát, nam và nữ cùng hát, thì hát Ca trù chỉ có nữ (đào nương) hát và gõ phách, còn nam thì chỉ chơi đàn đáy và đánh trống. Do đặc điểm này, nguy cơ mai một của Ca trù làng Tiểu Than là rất cao, vì các ca nương tuổi ngày càng cao, lại bận trông cháu, làm việc nhà, vả lại, không phải ai cũng biết hát và ham thích hát Ca trù,...
Trước thực tế đó, những người tâm huyết với truyền thống hát ca trù làng Tiểu Than rất mong muốn ngành Văn hóa tỉnh sớm có cuộc khảo sát, điều tra để có văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thích hợp nhằm động viên những người yêu thích Ca trù, đồng thời bảo tồn vốn di sản không kém phần độc đáo này trên địa bàn tỉnh ta.

Nguyễn Quang Khải

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-ca-tru-lang-tieu-than-83123