Bắc Ninh: GRDP quý 1 có mức sụt giảm nhiều nhất kể từ năm 2019

Theo báo cáo kinh tế xã hội mới công bố của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, quý 1/2203 tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh Bắc Ninh (GRDP) đạt 51.008 tỷ đồng, giảm 11,85% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây cũng là quý 1 tỉnh Bắc Ninh có mức sụt giảm GRDP nhiều nhất kể từ năm 2019 đến nay. Số liệu này trái ngược với kịch bản đề ra trước đó về tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 theo kịch bản thấp dự kiến quý 1/2023 tăng 6,3%.

Quý 1/2023, tốc độ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có xu hướng giảm liên tiếp tháng 2 và tháng 3/2023 (lần lượt là -17,6% và -17,3%) so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế quý 1 vẫn tăng 4,6%, chủ yếu do thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đột biến (+52,2%).

Chi ngân sách địa phương tăng khá cao (+14,4%), chủ yếu do chi đầu tư phát triển tăng cao (+32,4%), nhưng chi thường xuyên giảm khá nhiều (-9,1%).

Quý 1/2023, các ngân hàng tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế. Tuy nhiên với việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động tiền gửi, ước tính đến cuối tháng 3/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 207.500 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, nhưng giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 147.500 tỷ đồng, (-0,2%) so với tháng trước nhưng (+10%) so với cùng tháng năm trước và (+1,3%) so với thời điểm cuối năm 2022.

Quý 1 trùng vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nên tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ được đẩy mạnh. Tuy nhiên giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2023 tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức tăng cao thứ 3 và cao hơn mức tăng chung trong vòng 5 năm gần đây. Trong đó có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng

Trong quý đầu năm này, vốn đầu tư theo giá hiện hành của Bắc Ninh ước đạt 14.601 tỷ đồng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 1.502 tỷ đồng, giảm 5,1%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.764 tỷ đồng, giảm 40,2%; khu vực có vốn FDI đạt 10.336 tỷ đồng, tăng 61,3%.

Về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến 20/3/2022, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.273,8 tỷ đồng. Tỉnh cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 19 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh giảm 626,3 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 20/3/2022, tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.534 dự án đăng ký còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 253.816 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến 20/03/2023, toàn tỉnh có 55 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 31 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 480,6 triệu USD (tăng 424,1 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 31 dự án (bằng cùng kỳ năm trước), với số vốn điều chỉnh tăng là 83,1 triệu USD, (giảm 1.221,3 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 6 lượt (giảm 4 lượt) với giá trị là 1,41 triệu USD (giảm 20,2 triệu USD); thu hồi 7 dự án (tăng 1 dự án) với tổng vốn đầu tư là 17,42 triệu USD (tăng 3,8 triệu USD).

Lũy kế đến 20/3, toàn tỉnh có 1.867 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 23.915 triệu USD.

Quý 1/2023, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 668 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 7.893 tỷ đồng. Đồng thời, có 83 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; 731 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Lũy kế đến 18/3/2022, trên địa bàn tỉnh có 19.995 doanh nghiệp đã đăng ký, giảm 4% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 356.269 tỷ đồng, tăng 5,4% và 4.819 đơn vị trực thuộc, tăng 11,9%.

Quý 1/2023 là quý thứ 3 liên tiếp chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Bắc Ninh giảm với -18,76% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Theo báo cáo, nguyên nhân do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch. Mặt khác, những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn vật tư khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, giãn giờ làm, do việc thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Các FTA thế hệ mới với trên thực tế chưa mở rộng được thị trường mới để đem lại hiệu quả cho hàng hóa xuất khẩu.

Tính chung quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Bắc Ninh đạt 24.797 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng khá cao với +27%. Cụ thể, bán lẻ hàng hóa đạt 19.558 tỷ đồng, (+29,6%); ngành dịch vụ đạt 2.941 tỷ đồng, (+1,3%); dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.277 tỷ đồng (+48,3%;) ngành du lịch lữ hành đạt 21,5 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần).

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Ninh trong 2 tháng đầu năm đạt 11,14 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh Bắc Ninh xuất siêu 1,4 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 6,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,4%, vươn lên vị trí thứ 1 cả nước (TPHCM chỉ đạt 5,67 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 4,87 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước giảm nhiều 21,8%, đứng vị trí thứ 3 cả nước.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bac-ninh-grdp-quy-1-co-muc-sut-giam-nhieu-nhat-ke-tu-nam-2019-post20486.html