Bắc Ninh: Người 'kéo dài tuổi thọ' di tích

Sinh ra trong gia đình có truyền thống đắp phù điêu nổi tiếng xứ Kinh Bắc xưa, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đình Duy (Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh) từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu với các tác phẩm tứ linh, tứ quý... Đôi tay tài khéo và niềm đam mê của anh góp phần gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính của nhiều công trình kiến trúc văn hóa tâm linh vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Nghệ nhân truyền nghề cho thanh niên.

Người đắp vẽ, trang trí bức “Thiên đô chiếu” tại Đền Đô

Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” ở Đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn) được xem là bức chiếu thư bằng gốm lớn nhất Việt Nam, có diện tích hơn 30m2, cao 3,5m, rộng hơn 8m, được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng... Người phác thảo thiết kế bản mẫu và trực tiếp thi công đắp vẽ, trang trí bức cuốn thư này chính là Đặng Đình Duy - chàng thợ ngõa tài hoa nức tiếng vùng Kinh Bắc.
Nhận mình có duyên với công trình tu bổ, tôn tạo đền Đô, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đình Duy kể: “Khi mới 15-16 tuổi, tôi được cùng bố tham gia tu bổ, phục dựng công trình Thái miếu nhà Lý. Năm 2009, nhân dân Đình Bảng muốn làm một bức chiếu thư lớn để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thật bất ngờ, người dân địa phương lại tin tưởng đề nghị tôi làm công trình này. Như vô thức, trong đầu tôi mường tượng ngay một bức cuốn thư lớn tại cửa Rồng - Ngũ Long Môn, có trang trí lưỡng long chầu nhật và các họa tiết vân mây mềm mại. Trong thời gian ngắn, tôi hoàn thành bản mẫu phác thảo rồi gửi về phường để xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học và nhân dân địa phương. Đến khi khánh thành tác phẩm, người dân và đông đảo du khách đều trầm trồ trước vẻ đẹp phóng khoáng, bay bổng của bức cuốn thư “Chiếu dời đô”...
Vốn con nhà nòi lại sớm bộc lộ năng khiếu, từ nhỏ Duy được bố và anh trai cả tận tâm dìu dắt, truyền dạy nghề đắp phù điêu hoa văn và linh vật ở các công trình tín ngưỡng tâm linh. Yêu nghề và mong muốn giữ nghề truyền thống của ông cha nên chỉ sau vài năm miệt mài theo học, Duy trở thành một chàng thợ trẻ lành nghề. Với đôi tay tài khéo, kĩ thuật điêu luyện, 20 tuổi, anh đã tự tay đắp vẽ thành công nhiều họa tiết, hoa văn trang trí và các tác phẩm đòi hỏi sự công phu như: Long lân hội tụ ở đao đình, lưỡng long chầu nhật trên đỉnh nóc, tùng cúc trúc mai trong cảnh chùa…
Giỏi nghề nhưng không giấu nghề, Duy thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật, đào tạo, truyền nghề cho thanh niên trong vùng. Một số người sau đó trở thành thợ lành nghề, vững vàng kĩ thuật, mở cơ sở riêng để làm nghề. Đặc biệt, có những học trò đạt giải cao tại cuộc thi tay nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Nhiều năm liên tục, Đặng Đình Duy được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như Bàn tay vàng; Nghệ nhân “Điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa tâm linh”… và mới đây là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Góp sức giữ gìn di sản quê hương
Hơn 20 năm làm nghề, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đình Duy đã trực tiếp vẽ mẫu, phục dựng và thi công hàng nghìn tác phẩm phù điêu trong các công trình văn hóa tâm linh ở Bắc Ninh. Tiêu biểu như cải đắp trang trí các họa tiết hoa văn truyền thống tại di tích Đền Đô (Từ Sơn); vẽ mẫu thiết kế, phục dựng hạng mục Lầu hóa vàng theo kiến trúc cổ tại chùa Dâu (Thuận Thành); tu bổ các di tích Quốc gia chùa Dạm, đền thờ Cao Lỗ Vương, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền thờ Hàn Thuyên; quần thể di tích đình, đền, chùa Hòa Đình...; phục dựng các công trình nhà chứa Quan họ, nhà cổ truyền thống...
Không chỉ trong tỉnh, người nghệ nhân tài hoa đất Kinh Bắc còn thiết kế mẫu, thi công cải đắp, phục dựng, tu bổ nhiều di tích, công trình văn hóa ở khắp các tỉnh, thành phố cả nước như: Đền thờ Ngã Ba Đồng Lộc tại Hà Tĩnh; tu bổ di tích đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Chu Văn An tại Hải Dương; phục dựng nhà thờ họ Nguyễn tại Nam Đàn, Nghệ An; tu bổ các di tích đền Thạch Đà, chùa Linh Khánh, chùa Gia Thụy ở thành phố Hà Nội; thi công quần thể di tích đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Kiên Giang; vẽ mẫu, tạo dựng các họa tiết trang trí ở Thiền viện chùa Hộ Quốc thuộc huyện đảo Phú Quốc; phục dựng Thiền viện chùa Từ Phong ở Cần Giuộc, Long An...
Nhận thức rõ giá trị của các di tích lịch sử văn hóa là một loại “Tài nguyên vô giá không thể tái tạo” nên trong quá trình tu bổ, tôn tạo, Nghệ nhân Đặng Đình Duy luôn tâm niệm kéo dài tuổi thọ di tích, đồng thời gìn giữ, bảo tồn tối đa cấu kiện, kiến trúc gốc để lưu giữ nét xưa. “Làm việc với các di tích đòi hỏi người thợ không chỉ cần có tài, am hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa mà còn phải có tâm, yêu nghề. Bởi nếu cứ chạy theo số lượng, sơ khoáng thì chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm sai lệch lịch sử, mất giá trị gốc của di sản...”- Nghệ nhân Duy bộc bạch.
Ở mỗi di tích thường có rất nhiều hạng mục, điêu khắc, hoa văn, cấu kiện có giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật cao được ông cha xưa tạo dựng bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, đá, đất sét, vôi, mật mía… Ngày nay, khi tu bổ phục dựng, bên cạnh những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống, Nghệ nhân Duy còn ứng dụng công nghệ hiện đại, bổ sung vật tư mới như bê tông, cốt thép, sơn…làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền của tác phẩm mà vẫn bảo đảm giữ được tối đa giá trị gốc của các công trình kiến trúc lịch sử văn hóa.

Thanh Ngân - Thanh Lâm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-nguoi-%E2%80%9Ckeo-dai-tuoi-tho%E2%80%9D-di-tich-83164