Bắc Ninh: Phát huy vai trò gia đình trong đời sống xã hội

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư về 'Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước', công tác gia đình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Bắc Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và coi đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển bền vững.

Tổ chức phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thành phố Bắc Ninh.

15 năm qua, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả thiết thực. Đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình được cải thiện và nâng cao. Người dân ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc đăng kí thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng cả về số lượng và chất lượng, năm 2005 toàn thành phố có 87,4% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, đến năm 2019 là 93%. Thành phố duy trì tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu làm kinh tế giỏi; gia đình hiếu học; gia đình sống chung nhiều thế hệ, đoàn kết, hòa thuận...
Công tác phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình cũng được quan tâm bằng việc thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; cấp phát hàng nghìn tờ rơi về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Theo thống kê, gần 1.500 hộ gia đình có các thành viên tham gia các lớp tập huấn và hội nghị truyền thông tư vấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc và quản lý giáo dục trẻ em; kĩ năng phòng,chống bạo lực gia đình... Hiện nay 19/19 phường đã xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ); 97 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; có 113 tổ hòa giải để giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn BLGĐ; 93 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1 phòng khám nhân đạo, 19 cơ sở y tế khám chữa bệnh và 67 địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Tỷ lệ bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể, tăng khả năng phát hiện các vụ bạo lực gia đình.
Liên tiếp nhiều năm qua, thành phố duy trì tổ chức đa dạng hoạt động như: Phổ biến cách chăm sóc, nuôi dạy con cho các bà mẹ từ khi mang thai; tổ chức làm điểm và duy trì mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng tại cộng đồng; mở lớp tập huấn, truyền thông tuyên truyền kiến thức về hôn nhân, kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, các kỹ năng giao tiếp trong gia đình cho nữ thanh niên; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các loại hình câu lạc bộ về gia đình như: CLB không sinh con thứ 3, dân số-KHHGĐ, gia đình hạnh phúc, tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản… Từ đó, vận động gia đình và đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách pháp luật liên quan đến gia đình, đồng thời đăng ký đúng độ tuổi kết hôn, tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, lãng phí.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, công tác gia đình hiện nay ở thành phố Bắc Ninh vẫn còn bất cập, đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng; có biểu hiện kết hôn không lành mạnh với người nước ngoài. Trong khi đó, các mô hình câu lạc bộ về gia đình được triển khai nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả rất hạn chế. Sự phân hóa giàu, nghèo và sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa không lành mạnh cùng với các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả tác động tiêu cực đến đời sống gia đình...
Giai đoạn sắp tới, thành phố Bắc Ninh tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Nâng cao mức sống gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn...
Phấn đấu từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

V.Thanh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-phat-huy-vai-tro-gia-dinh-trong-doi-song-xa-hoi-78719