Bắc Ninh: Yêu cầu làm rõ việc Cảnh sát giao thông có nhận hối lộ để 'bảo kê' hay không?

Sau nhiều ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết định trả hồ sơ để làm rõ xem có hay không việc cảnh sát giao thông nhận hối lộ để bảo kê trong vụ án nhận tiền của 359 chủ xe ô tô quá tải.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Phương (43 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại PNV và 5 bị cáo đồng phạm trong vụ nhận 1,9 tỷ đồng tiền “bảo kê” cho lái xe qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để chiếm đoạt tài sản.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung làm rõ việc có hay không hành vi nhận hối lộ của các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông và đề nghị làm rõ tội danh đối với bị cáo chủ mưu và các đồng phạm.

Theo cáo buộc, Phạm Văn Phương (sinh năm 1975 tại Hà Nam, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại PNV) giới thiệu với một số lái xe, nhà xe rằng mình có quan hệ với cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (TTGT) của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, có thể bảo kê cho ô tô vi phạm luật giao thông.

Phiên tòa xét xử bị cáo Phương và đồng phạm.

Phương chỉ đạo hai nhân viên là bị cáo Phùng Đức Ngọc và Lê Văn Hiếu thỏa thuận với các nhà xe cần bảo kê sẽ thu mỗi xe từ 1,3 - 5,5 triệu đồng/ tháng, hoặc 200.000 đồng/ ngày. Tổng cộng, nhóm của Phương đã thu của nhiều nhà xe hơn 1,6 tỷ đồng để bảo kê cho 359 xe ô tô.

Theo lời khai ban đầu của Phương, để thực hiện hành vi bảo kê ô tô chở quá tải, Phương đưa tiền cho Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng; đưa cho Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1 và số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh này, mỗi người khoảng 10 triệu/tháng.

Tại tỉnh Bắc Ninh, Phương khai, thông qua một cán bộ C46, anh ta gặp 2 đội trưởng của Phòng Cảnh sát giao thông để thỏa thuận việc bảo kê xe chở quá tải và đưa cho người này 500 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Phương thay đổi lời khai cho rằng mình không nhận tiền bảo kê ô tô, không chỉ đạo Ngọc và Hiếu; không đưa tiền cho Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.

Ra đến tòa, Phương một lần nữa thay đổi lời khai, xin được giữ nguyên lời khai ban đầu.

Sau khi phân tích đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phương từ 13 - 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đồng phạm của Phương tùy theo mức độ phạm tội mà bị Viện Kiểm sát đề nghị mức từ 2 - 7 năm tù về tội môi giới hối lộ hoặc tội đưa hối lộ.

Sau khi tranh luận và nghị án, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề chưa sáng tỏ việc có hay không các cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông nhận tiền hối lộ của Phương và làm rõ một số tình tiết chưa sáng tỏ.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Phùng Đô

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bac-ninh-yeu-cau-lam-ro-viec-canh-sat-giao-thong-co-nhan-hoi-lo-de-bao-ke-hay-khong-d2058092.html