Bắc Phi 'tranh giành' các sản phẩm dầu của Nga

Khi Nga không cung cấp năng lượng cho châu Âu, các nước Bắc Phi đã từng bước trở thành khách hàng mua dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của nước này.

Các quốc gia châu Âu, trước chiến tranh chiếm khoảng 60% xuất khẩu sản phẩm dầu tinh chế của Nga, đã cắt giảm các dòng chảy đó trong những tháng gần đây.

The Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Năm rằng các biện pháp trừng phạt phần lớn đã phát huy tác dụng như dự kiến, nhưng đã buộc Moscow phải chuyển hướng xuất khẩu từ châu Âu sang các thị trường thay thế.

 Ảnh minh họa: WSJ.

Ảnh minh họa: WSJ.

Các nước Bắc Phi bắt kịp xu hướng

Theo dữ liệu từ Kpler, cả năm 2021, Ma-rốc chỉ nhập khẩu khoảng 600.000 thùng dầu diesel. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, con số này đã tăng lên 2 triệu thùng, dự kiến trong tháng 2 sẽ tăng ít nhất 1,2 triệu thùng nữa.

Ngoài ra, Algeria và Ai Cập cũng đã tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Tương tự, Tunisia, quốc gia hầu như không nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ nào của Nga vào năm 2021, trong những tháng gần đây đã tăng nhập nguồn cung cấp dầu diesel, gasoil, xăng và naphtha của Nga - thường được sử dụng để sản xuất hóa chất và nhựa.

Trong tháng 1, nước này đã nhập khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu của Nga và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm 3,1 triệu thùng trong tháng này.

Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt nhẹ dần?

Việc Tunisia và Ma-rốc tăng mạnh nhập khẩu tỉ lệ thuận với gia tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, làm dấy lên lo ngại rằng hàng hóa của Nga đang được trộn lẫn với các sản phẩm dầu mỏ khác và được tái xuất khẩu, làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga khỏi nền kinh tế của họ.

Ma-rốc, quốc gia chưa có tiền lệ xuất khẩu dầu diesel đáng kể, tháng trước đã vận chuyển một lô hàng dầu diesel 280.000 thùng đến Quần đảo Canary (Tây Ban Nha) và một lô hàng 270.000 thùng khác đến Thổ Nhĩ Kỳ, trùng với dòng dầu diesel của Nga đến Ma-rốc. Không thể xác định được nguồn gốc cuối cùng của những lô hàng diesel đó.

Phía Ma-rốc và Tunisia đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Đầu tháng này, ngay sau khi các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực, Tây Ban Nha cho biết họ đã từ chối một tàu do công ty Maersk Tankers kiểm soát khỏi cảng Tarragona vì cho rằng hàng hóa là dầu diesel ban đầu đến từ Nga.

Maersk Tankers cho biết họ đã tiến hành kiểm tra toàn bộ lệnh trừng phạt đối với động cơ diesel và tài liệu cho thấy nguồn nhiên liệu này đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Nga, các cảng ở Bắc Phi là điểm đến lý tưởng để đổ các lô hàng dầu diesel và các sản phẩm khác đã bị những người mua điển hình ở phương Tây xa lánh.

Đối với các tàu Nga đi từ biển Baltic, các chuyến đi đến Bắc Phi tương đối ngắn và không dài hơn nhiều so với các chuyến đi trước chiến tranh đến các cảng châu Âu.

Điều này cho phép Nga giữ chi phí vận chuyển ở mức thấp và ngăn chặn đội tàu chở dầu hạn chế của họ bị mắc kẹt trong các chuyến đi dài tới châu Á hoặc các nơi khác.

Sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga sang các nước này cũng mang lại cho Nga một nguồn doanh thu mới. Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã trở thành những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của họ, đã tỏ ra ít quan tâm hơn đến các sản phẩm tinh chế Nga, buộc họ phải tìm kiếm những người mua dầu diesel và các sản phẩm khác ở nơi khác.

Jorge Leon, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy nhận định, không rõ mức tăng nhập khẩu sang Bắc Phi sẽ được tái xuất là bao nhiêu và đơn giản là những người mua đang tìm kiếm nguồn dầu diesel rẻ hơn và các loại nhiên liệu thường được sử dụng khác.

Một số quốc gia Bắc Phi đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ Nga, thay thế các nhà cung cấp điển hình của khu vực ở Trung Đông và Bắc Mỹ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu sản phẩm tinh chế của Nga giữ ổn định trong tháng 1 - bất chấp lệnh cấm nhập khẩu của EU sắp xảy ra - do nước này tìm được những người mua mới, đặc biệt là ở châu Phi, trong khi tổng doanh thu xuất khẩu năng lượng của Moscow cũng nhích lên 13 tỷ USD.

“Đối với người phương Tây, để dòng chảy của Nga tiếp tục chảy là đôi bên cùng có lợi. Tôi không nghĩ có ai sẽ hỏi nó đến từ đâu khi thị trường khan hiếm như thế này”, một chuyên gia nhận định.

Lê Na (Theo WSJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-phi-tranh-gianh-cac-san-pham-dau-cua-nga-post237015.html