Bạc phơ còi tàu giữa bụi bazan…

Một tiếng còi tím mấy sân ga - Một ký ức trắng mấy rừng mấy núi (thơ Krajan Bri).

Đường tàu lửa Sai Gon - Lộc Ninh đoạn qua địa phận Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) năm nào. Ảnh TL

Đường tàu lửa Sai Gon - Lộc Ninh đoạn qua địa phận Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) năm nào. Ảnh TL

Ta không thân thiết gì với nơi này sao ta thương mi quá “Lộc Ninh - Sai Gon” ơi! Cái từ ghép hai địa danh vào một: “Lộc Ninh - Sai Gon”, hay “Sai Gon - Lộc Ninh” làm người phương Nam nghĩ ngay về một hành trình, một con đường, đường sắt, tuyến đường, lộ trình, bởi Lộc Ninh là vùng núi non xa xôi heo hút và không vang danh kiểu Sài Gòn hoa lệ.

*

Ta đi tìm lại vết tích của con đường ấy: “Lộc Ninh - Sai Gon”. Phố xá, nhà cửa đã lấp đầy lên đường tàu xưa, nhưng vết tích vẫn còn đây, vết tích bị xé vụn ra, nơi mặt đất và trong tiềm thức tha nhân. Những mảnh đường tàu, lối dẫn, thanh sắt, bể nước, sân ga, cầu cống… vẫn hằn trên thân thể thị trấn miền núi Lộc Ninh này.

Cái điểm cuối “86” vẫn được nhắc đến, kỳ lạ là đến những người hậu sanh buôn bán trong cái chợ Lộc Ninh kia vẫn có thể nói huyên thuyên về nó cùng nhà ga xe lửa. “86” là chiều dài cây số của tuyến đường sắt từ Sai Gon đến ga cuối Lộc Ninh, nằm ngay quê quán họ. “Rubber Line” - con đường của nền nông nghiệp - hàng hóa hình thành gần trăm năm trước, của mô hình nông thương khép kín từ trồng trọt đến thành phẩm nông sản, xuất cảng, mà đối tượng chủ đạo là cây cao su và mủ của nó.

Một góc điểm ga cuối còn lại trong khuôn viên của đơn vị quản lý khu vực có sân ga xưa.

Lộc Ninh heo hút, lại là xứ sở của cây cao su và nền công nghiệp chế biến mủ cao su hàng đầu châu Á. Tuyến đường đi qua những địa danh và tên ga: Bình Long, Hớn Quản, Chợ Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, An Mỹ, Dĩ An, đặc biệt là Lộc Ninh - nơi đẻ ra mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp với quy mô diện tích lớn trên lãnh thổ Việt Nam. “Con đường mủ cao su” này không phải huyền thoại thì là gì khi không đâu ở Đông Nam Á kiến tạo được một con đường làm ăn, vận tải nông phẩm và phục vụ dân sinh như thế; giữa buổi hệ thống giao thông trên khắp cõi Việt Nam còn sơ sài và trình độ kỹ thuật giao thông của thế giới còn hạn chế, nói chi đến đường sắt, lại là đường sắt lên núi.

Con suối bên cạnh nơi có nhà ga hôm nào vẫn còn chảy. Nó như dòng mủ cao su trong đồn điền Lộc Ninh tuy thay chủ nhưng kỹ thuật chế biến, hệ thống mủ tời vẫn cứ vận hành và nguyên dụng như thời “thuộc địa”. Bởi không có kỹ thuật nào hay, chất lượng và độc đáo hơn trong Công ty Cao su Lộc Ninh kia cho dù nay đã ở năm thứ hai mươi của thế kỷ XXI. Lịch sử và chứng nhân làm trong xưởng máy hay ngoài trang trại/đồn điền Lộc Ninh còn kể lại rằng mang tên là “Con đường mủ cao su”, nhưng lộ hành ngày đó không chỉ chở các chủ đồn điền, công nhân cao su mà tất tần tật người dân từ miền sâu Lộc Ninh bazan trù phú xuôi ngược Sài Gòn với những nhu cầu khác nhau cùng bao nông phẩm, hàng hóa khác.

Một chút đoạn thanh ray xe lửa vẫn còn trong không gian của một doanh nghiệp đang sở hữu khu vực có xe lửa chạy vào chở hàng hôm nào.

Ga cuối “Sai Gon - Lộc Ninh” nằm ngay trong nhà xưởng chế biến mủ cao su đó thôi. Chỉ có điều xưa nó bung ra tự nhiên, thả lỏng cho dân sinh trong vùng cộng hưởng, cộng lợi, thì nay đã rào lại thành của riêng doanh nghiệp mới. Nên ta đi trong dấu tích nhà ga xưa mà nghĩ đến đoàn tàu.

Buồn gì hơn khi con tàu tuyệt tình thanh ray, lìa đoạn sân ga. U hoài nào hơn khi tiếng hú buổi nào trong các xưởng máy nay vẫn kêu hú mỗi giờ vào và tan ca, nhưng tiếng còi tàu thì khuất vắng.

*

Thủ Dầu Một vẫn còn đó, Dĩ An vẫn còn đó, Sài Gòn - TP.HCM vẫn còn đó trên lộ trình đường tàu miền Đông đất đỏ lăn bánh sắt hôm nào. Những xóm làng, con phố, đô thị, công sở, doanh nghiệp, xưởng máy, kể cả công ty kinh doanh bất động sản… mọc lên dày đặc hai bên và cả mặt đường xe lửa “Lộc Ninh - Sai Gon” trên chiều dài 86 cây số đó.

Dấu tích đường tàu còn thấy ở Lộc Ninh bây giờ.

Thương cho chúng sinh khi không đủ đất canh tác, không nhà để ở, mà cũng thương cho con đường huyền thoại. Bao địa danh nó đi qua vẫn còn gọi nọ kia liên quan đến đường tàu: chiếc cầu mang tên “Cầu Quay”- cầu nơi xe lửa quay đầu - ở thị trấn Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) hay “Cầu Sắt ngã tư” - cầu có đường sắt - ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương)... Kỳ lạ hơn, như ở Lái Thiêu, ai mà không biết có con đường thảm nhựa to dài sau gần hai chục năm hình thành mà dân cư ở đấy vẫn cứ gọi tên “Đường ray xe lửa”!

*

Ai cũng biết con đường đã “chết” vì chiến chinh, thiên hạ đánh nhau cứ hay nhằm vào đường mà đánh, và “Sai Gon - Lộc Ninh” phải ngừng thở vì vừa bị đánh phá, vừa không an toàn chuyển vận. Một mạch máu, mạch sống tử tế đã đứt hơn sáu mươi năm.

Mười lăm năm trở lại đây, chuyện khôi phục tuyến đường sắt được xáo lên. Bộ Giao thông vận tải đã đưa “Sai Gon - Lộc Ninh” vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2020, và tuyến phóng chạy gần như trên nền đường tàu hôm nào.

Chiếc còi trong nhà máy chế biến mủ cao su có sân ga xe lửa ngày đó hoạt động đến tận bây giờ, để báo giờ vào ca và tan tầm cho công nhân.

Có tin chính thức là gần đây các công ty đường sắt của Trung Quốc dòm ngó, và thực tế là họ đã đề nghị làm con đường này với vốn vay của Trung Quốc. Pháp “ra đi”, Trung Quốc “lọt vào” bằng kiểu cách và tên gọi khác: “nhà đầu tư”. Xưa các nhà đầu tư nông nghiệp Pháp đến khẩn hoang vùng rừng núi Đông Dương thường đi làm ăn một mình, khai thác cơ hội, dù “bị” gọi là chủ đồn điền, chủ nông trang, nhưng không kéo theo bầy đàn họ hàng, dòng tộc, lập phường hội hay ngấm ngầm thả câu, “di dân”.

Không biết tới đây dòng mủ cao su từ đất rừng Lộc Ninh sẽ chảy về đâu!

Lộc Ninh (Bình Phước) vẫn là “thủ phủ” cao su của Việt Nam hôm nay.

Hình như không riêng kẻ lang thang không nhà là ta, mà người Việt mình cũng đang chung một mối lo lởn vởn trước mặt. Và một nỗi tiếc, niềm đau về con đường đã tan xác từ lâu, hỡi con đường xe lửa kia ơi... Bụi đỏ bazan Lộc Ninh nữa, sao cứ nhằm mắt ta mà bám vào thế này!

Ta dụi mắt mình, mà ngỡ đang dụi quê hương...

Trong thập niên đầu thế kỷ XX, các chủ đồn điền cao su người Pháp nhận thấy cần phải xây dựng một đường sắt để phát triển nghề cao su ở vùng Thủ Dầu Một đổ lên Lộc Ninh. Năm 1927 họ lập dự án xây dựng và thành lập Công ty Đường sắt Lộc Ninh & Đông Dương. Năm sau đó, Công ty Đường sắt Pháp ở Đông Dương có kế hoạch tổng thể hơn trong phát triển mạng lưới đường sắt liên kết ở Việt Nam, với khu vực này thì kế hoạch lên đến phía Campuchia.

Chính phủ Pháp đã phát hành trái phiếu trên toàn nước Pháp và ở cả Đông Dương để kiếm kinh phí xây dựng đường Sai Gon - Lộc Ninh. Và Công ty Đường sắt Pháp đã tập trung xây dựng, đến năm 1933 con đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Từ đó con đường vừa vận chuyển hành khách vừa chuyên chở sản phẩm cao su về hải cảng Sài Gòn, và có năm lưu lượng hành khách lên đến 100.000 lượt người. Các chủ trang trại, đồn điền cao su phải trả 50% chi phí vận tải và bảo dưỡng cho hoạt động con đường.

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bac-pho-coi-tau-giua-bui-bazan-23716.html